Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:46 (GMT +7)
Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn
Thứ 2, 31/10/2022 | 14:59:27 [GMT +7] A A
Sau 10 năm thực hiện, bên cạnh đạt những kết quả tích cực, việc thực hiện Luật Công đoàn còn bộc lộ một số hạn chế, đòi hỏi Luật Công đoàn năm 2012 cần được tiếp tục sửa đổi.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Chủ tịch LĐLĐ TP Hạ Long, việc sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012 cần tập trung vào việc nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn. Bởi thực tế hiện nay, ở nhiều nơi, Luật Công đoàn chưa phổ biến, nhiều người cho rằng cán bộ công đoàn chỉ vui vẻ, lo ma chay, hiếu hỉ, còn yếu trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động. "Vũ khí" (luật) để cán bộ công đoàn làm việc sắc bén còn yếu. Ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, cán bộ công đoàn chỉ là người làm công, lương do chủ doanh nghiệp trả. Cán bộ công đoàn muốn làm gì phải nhìn vào thái độ, tình hình kinh tế của chủ doanh nghiệp.
"Dù Luật Công đoàn đã quy định doanh nghiệp phải tạo điều kiện về thời gian cho công đoàn hoạt động, nhưng ở nhiều nơi, cán bộ công đoàn liên tục bị làm khó. Biểu hiện rõ nhất là việc chủ doanh nghiệp giao quá nhiều nhiệm vụ chuyên môn hoặc cố tình điều chuyển cán bộ công đoàn sang vị trí làm việc khác, không có điều kiện tiếp xúc đoàn viên". Đó là phản ánh của các đại biểu tại hội nghị góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012 do LĐLĐ tỉnh tổ chức mới đây.
Ở cấp công đoàn cơ sở thì như vậy, còn cấp trên cơ sở đang diễn ra một nghịch lý, là số doanh nghiệp, công đoàn cơ sở, công nhân lao động ngày càng tăng, trong khi cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở ngày càng bị tinh giảm.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Chủ tịch LĐLĐ Hạ Long, dẫn chứng: LĐLĐ thành phố hiện có 7 cán bộ, trong khi thành phố có 534 công đoàn cơ sở với hơn 29.000 đoàn viên. Như vậy, mỗi cán bộ công đoàn phụ trách tới 76 công đoàn cơ sở, hơn 4.100 công đoàn viên.
Ông Tô Xuân Thao, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: Đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách hiện rất neo người và tham gia đủ thứ việc. Cần phải có tính toán để giải phóng sức cho cán bộ công đoàn, để cán bộ công đoàn dành nhiều thời gian cho người lao động, cho công đoàn viên, cho sản xuất, như thế mới phát huy vai trò của tổ chức, của cán bộ công đoàn.
Còn có thực trạng, nhiều chủ doanh nghiệp không tạo điều kiện cho công đoàn tổ chức kết nạp đoàn viên. Nhiều lao động không tự nguyện tham gia tổ chức công đoàn. Khi công đoàn cấp trên vận động hành lang về kết nạp đoàn viên, cả chủ doanh nghiệp và người lao động đều khất lần.
“Do không được doanh nghiệp tạo điều kiện trong hoạt động khiến nhiều cán bộ công đoàn cơ sở không muốn tham gia BCH khóa mới khi sắp đến kỳ đại hội công đoàn, gây khó cho công tác nhân sự đại hội” - Ông Nguyễn Đức Hoạt, Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT tỉnh, chia sẻ.
Một bất cập nữa trong 10 năm thực hiện Luật Công đoàn được các cán bộ công đoàn đề xuất, là chế tài của Luật chưa đủ mạnh. Các cán bộ công đoàn kiến nghị cần có chế tài mạnh để xử lý các doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn 2% theo quy định. Hiện có không ít doanh nghiệp không nộp khoản kinh phí này bởi nhiều lý do.
“Doanh nghiệp nợ thuế thì ngành Thuế có thể xử lý được, thậm chí chuyển cơ quan công an; nhưng nợ bảo hiểm, nợ kinh phí công đoàn thì không xử được. Nếu doanh nghiệp nợ thuế, BHXH, công đoàn phí thì họ thường ưu tiên trả thuế và bảo hiểm trước, vì luật của 2 ngành này có chế tài mạnh hơn. Ngành Thuế và Bảo hiểm cũng có lực lượng đông đảo hơn mỗi khi đi đòi nợ; còn như LĐLĐ Hạ Long, khi đi thuyết phục, đòi nợ thường chỉ có 1 cán bộ” - Chủ tịch LĐLĐ Hạ Long Phạm Ngọc Hưng chia sẻ.
Luật Công đoàn quy định công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH, tuy nhiên cán bộ công đoàn cơ sở không thể khởi kiện bởi ăn lương của chủ doanh nghiệp. Tại TP Hạ Long đã đưa 3 vụ ra khởi kiện, nhưng không thực hiện được vì không có giấy ủy quyền, do người lao động không dám ủy quyền cho công đoàn đi khởi kiện chủ doanh nghiệp.
Để Luật Công đoàn hoạt động hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, cần sửa đổi Luật theo hướng nâng cao vị thế, vai trò của cán bộ công đoàn; đặc biệt cần có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật để cán bộ công đoàn có cơ sở hoạt động.
Tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Công đoàn của Tổng LĐLĐ mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy đề nghị, Luật Công đoàn sửa đổi nên tăng cường vai trò của công đoàn trong hệ thống chính trị. Tổ chức công đoàn phải ngày càng lớn mạnh để đưa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước vào doanh nghiệp, đến với người lao động.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()