Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 22:34 (GMT +7)
Sứa biển thanh mát nhưng khi ăn cần lưu ý điều này để không ngộ độc
Thứ 6, 05/05/2023 | 14:13:14 [GMT +7] A A
Dưới đây là những điều cần lưu ý khi ăn sứa biển để không bị ngộ độc.
Sứa biển được coi là nguồn lợi thủy sản giá trị để xuất khẩu và là món ăn ưa thích trong những ngày hè nóng nực.
Tuy tốt cho sức khỏe nhưng nếu ăn sứa biển không đúng cách có thể gây nguy hại với sức khỏe. Dưới đây là những điều cần lưu ý khi ăn sứa biển để không bị ngộ độc.
Tác dụng của sứa biển
Sứa biển là loài nhuyễn thể thân mềm, nguồn thực phẩm phong phú từ biển. Không chỉ chế biến thành nhiều món ngon thú vị được nhiều người ưa chuộng mà sứa biển còn được coi là bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
Tính thành phần dinh dưỡng trong 100g sứa có 12,3g chất đạm, 0,1g chất béo, 3,9g chất đường, 182mg canxi, 9,5mg sắt, 132mg iode và nhiều vitamin khác. Kinh nghiệm người dùng sứa còn cho biết sứa ăn bổ mát chữa chứng huyết, huyết ứ nhiệt nổi mụn, đau đầu chóng mặt tăng huyết áp, ho đàm, táo bón và các chứng liên quan nhức mỏi huyết ứ đều tốt.
Ai không nên ăn sứa biển
Mặc dù là món ăn bổ, mát, tốt cho sức khỏe nhưng những nhóm người dưới đây cần thận trọng khi ăn kể cả sứa đã được chế biến hoặc nấu chín, cụ thể:
- Người tiền sử dị ứng hải sản
- Người mới ốm dậy
- Người đang bị suy nhược cơ thể
- Người tiền sử ngộ độc thực phẩm trước đó.
Đặc biệt, các chuyên gia cũng lưu ý rằng trẻ em dưới 8 tuổi không nên ăn sứa do hệ miễn dịch còn kém, nguy cơ bị dị ứng hoặc ngộ độc thực phẩm cũng cao hơn.
Những điều cần lưu ý khi ăn sứa biển
Theo các chuyên gia, sứa biển nếu không chế biến đúng cách sẽ gây độc cho người sử dụng. Sứa là động vật không có xương sống, sống ở biển hay những nơi nước mặn. Sứa còn sống chứa nhiều độc tố và khi chạm phải, con người sẽ bị dị ứng. Độc tố của sứa biển thường tập trung ở các xúc tu, chúng sử dụng các tế bào châm được gọi là nematocyst. Các tế bào này đều rất nhỏ và có độc. Một số loài sứa có đến hàng triệu nematocyst trong xúc tu, được sử dụng khi sứa bắt mồi và tự bảo vệ.
Khi bị sứa cắn, độc tố này sẽ ngấm qua da người và xâm nhập vào cơ thể, nếu nhẹ, nạn nhân chỉ có phản ứng ngoài da, tại chỗ nổi rát, mẩn đỏ và ngứa nhiều, toàn thân chỉ cảm thấy khó chịu, không nên quá lo lắng.
Ở thể nặng có thể gây đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt... Ở thể tối cấp, tai biến xảy ra tức thì sau khi độc tố của sứa biển xâm nhập vào máu nạn nhân, nạn nhân nôn nao, nhức đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở nhanh, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt; nạn nhân đi vào trạng thái lơ mơ, nhiều khi co giật, có thể hôn mê cần đưa ngay vào bệnh viện để chống sốc phản vệ…
Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa hè do sứa biển, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không sử dụng sứa biển tươi (chưa qua chế biến) làm thức ăn, làm gỏi ăn sống, đặc biệt không sử dụng sứa (kể cả sứa đã qua chế biến) làm thức ăn cho trẻ em; chỉ sử dụng sứa biển đã qua chế biến đúng cách.
Quá trình chế biến sứa tươi phải được ngâm qua 3 lần trong nước muối và phèn, khi nào thịt sứa chuyển sang màu đỏ nhạt hoặc vàng nhạt thì mới đem sử dụng để chế biến làm thức ăn.
Trên đây là những điều cần lưu ý khi ăn sứa biển. Hãy ăn sứa biển đúng cách để tốt cho sức khỏe nhé.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()