Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:27 (GMT +7)
Sự sáo rỗng trong những màn thi ứng xử ở các cuộc thi hoa hậu
Thứ 4, 20/07/2022 | 07:40:40 [GMT +7] A A
Những câu hỏi ứng xử luôn được cho là thử thách về trí tuệ, tri thức với các thí sinh thi hoa hậu.
Bản thân từ "Beauty Pageant" (cuộc thi sắc đẹp) đã nói lên mục tiêu và ý nghĩa của nó. Các đấu trường nhan sắc ra đời để đánh giá thí sinh dựa trên sự tỏa sáng về ngoại hình của họ.
Theo Insider, mặc dù các cuộc thi ngày nay đã bổ sung các tiêu chí khác, nhưng vẻ đẹp ngoại hình vẫn là yếu tố chính để đánh giá thí sinh.
Trước khi chạm tay đến vương miện, các thí sinh phải trải qua thử thách cuối cùng - vòng thi ứng xử. Câu trả lời sẽ quyết định cô gái nào là người giành được ngôi vị cao nhất.
Kiểm tra trí tuệ bằng những câu hỏi không có đáp án đúng
Phần thi ứng xử được tạo ra với ý nghĩa cao đẹp. Đây là cơ hội để thí sinh nói về niềm đam mê, nỗ lực và chứng minh rằng hoa hậu không chỉ có ngoại hình đẹp.
Các cô gái đều dành nhiều tháng để chuẩn bị cho phần thi quan trọng này. Dù vậy, tờ Bustle khẳng định, các câu hỏi hoặc là quá khó, hoặc là không thiết thực.
Ở một sự kiện đề cao cái đẹp, trí tuệ được "đong đếm" bằng 1 câu hỏi, nhưng không có câu trả lời nào là hoàn toàn chính xác.
Tại cuộc thi Hoa hậu Philippines 2001, người đẹp Jeanie Anderson được hỏi sẽ chọn nhan sắc hay trí tuệ. Đã 15 năm kể từ khi câu hỏi kì lạ này ra đời và được cho là đặt thí sinh vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".
Như tờ Ranker nhận định, câu chuyện càng mỉa mai hơn khi Anderson (và tất cả các thí sinh khác) phải mặc bikini trong khi trả lời câu hỏi này. Vì thế, dù có chọn tài năng, vẻ đẹp hay cả hai, câu trả lời đều là khập khiễng.
Mới đây, đại diện của Việt Nam - Á hậu Kim Duyên - có cơ hội chinh chiến tại cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2022. Khi lọt vào top 5, Kim Duyên nhận được câu hỏi: "Theo bạn, việc tìm kiếm và cố gắng vươn đến sự hoàn hảo là điều tích cực hay tiêu cực?".
Câu hỏi ứng xử trên được nhận xét là quá chung chung, không khai thác được "vẻ đẹp bên trong" của thí sinh, thậm chí là câu hỏi dạng "vô thưởng vô phạt". Về phần Kim Duyên, cô không chọn tiêu cực hay tích cực mà đưa ra thông điệp về niềm tin, sự cố gắng.
Cơn ác mộng mang tên "câu hỏi về thế giới"
Tờ Nation Thailand có bài viết nói về những câu hỏi chính trị hóc búa và khó nhằn trong các cuộc thi nhan sắc. Trong trường hợp này, thí sinh có thể chọn 1 trong số các đáp án, có thể chọn tất cả, không chọn gì thậm chí... thừa nhận không biết.
Năm 2015, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ đưa ra câu hỏi chung cho top 5: "Đóng góp lớn nhất của đất nước bạn cho thế giới là gì?".
Khán giả nhận xét đây là một câu hỏi quá rộng, khó có thể trả lời trong vòng 60 giây. Ban tổ chức vẫn đưa ra những câu hỏi quá vĩ mô, bất chấp sự đa dạng của các nền văn hóa và cộng đồng, bỏ qua cả việc giám khảo có thể đánh giá những vấn đề mang tính toàn cầu như vậy hay không.
Tương tự, Sandra Lemonon cũng từng gây xôn xao khi trả lời ứng xử trong cuộc thi Hoa hậu Philippines. Câu hỏi dành cho cô như sau: "Những hiểu biết của bạn về chương trình 'Build, build, build' của chính phủ?".
Thay vì đưa ra một câu trả lời lan man để "giấu dốt", Lemonon thẳng thắn thừa nhận trước hàng nghìn khán giả rằng cô không biết về dự án.
Nghiêm trọng hơn, với những câu hỏi quá rộng về những đề tài rất "vơ với", nhiều thí sinh có thể bị tẩy chay, thậm chí lãnh án phạt vì "vạ miệng" trong phần thi ứng xử.
Năm 2017, Valentina Schnitzer đã khiến người dân Chile phẫn nộ khi tuyên bố "biển thuộc về Bolivia" tại một cuộc thi sắc đẹp Nam Mỹ.
Vùng biển được đề cập là Thái Bình Dương - đối tượng tranh chấp giữa Chile và nước láng giềng Bolivia trong hơn một thế kỷ.
Bộ câu hỏi ở hầu hết các cuộc thi nhan sắc đều yêu cầu các thí sinh phải hô khẩu hiệu về những điều đẹp đẽ như "yêu hòa bình", "nỗ lực hoạt động cộng đồng", "giúp đỡ người nghèo, phụ nữ và trẻ em"... Những câu trả lời này được đúc theo khuôn mẫu, công thức sẵn có chứ không xuất phát từ tấm lòng, từ suy nghĩ thật của thí sinh.
Nhiều người đẹp đã không hề thực hiện những câu hô khẩu hiệu mang đầy thông điệp cao đẹp trong màn thi ứng xử sau khi trở thành hoa hậu, á hậu. Những câu trả lời và câu hỏi bị tờ Ranker đánh giá sáo rỗng.
Tờ Ranker khẳng định, chính những câu trả lời sáo rỗng, hời hợt là lý do chính khiến các cuộc thi hoa hậu ngày càng mang tính giải trí cao. Công chúng thích so sánh vóc dáng của họ và muốn nhìn các người đẹp bị ép trả lời về các vấn đề không thuộc lĩnh vực chuyên môn của họ.
Câu trả lời ứng xử của dàn người đẹp có thể sẽ là "mồi nhử" cho những cuộc tranh luận, chế giễu, mỉa mai lan rộng khắp mạng xã hội ngay sau đêm chung kết.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()