Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:30 (GMT +7)
“Sứ Móng Cái, vại Hương Canh”
Chủ nhật, 29/05/2022 | 10:06:45 [GMT +7] A A
Đó là câu mà dân gian vẫn truyền khẩu như một minh chứng cho sự phát triển, một quá khứ vàng son của dòng gốm sứ ở Móng Cái, không thua kém những dòng sản phẩm khác trong cả nước.
Gốm sứ Móng Cái đặc trưng cho tính chất của dòng gốm nặng lửa. Sự ra đời của dòng sứ này khá muộn, mãi đến giữa thế kỷ XIX mới xuất hiện cụm lò sứ đầu tiên tại Móng Cái. Thực tế cho thấy Móng Cái đã từng trở thành một trung tâm gốm sứ. Để đạt được sự ghi nhận, đánh giá cao đó qua sự hiện diện chỉ hơn một thế kỷ của mình, dòng sứ Vạn Ninh - Móng Cái có những đặc điểm riêng, nổi trội so với các dòng sứ khác ở trong cũng như ngoài nước. Trong đó, điểm riêng nhất là mỹ thuật tạo hình, hoa văn, các đề tài trang trí mang tích truyện của Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo, mang hàm ý tươi vui, chúc phúc...
Ngoài các bức tranh vẽ phong cảnh, lâu đài, các loại hoa như sen, cúc, mẫu đơn, phù dung, mai, tùng, trúc, chim trĩ, chim sẻ, chim công, chim ưng, hạc, còn có tứ linh long, lân, quy, phụng. Hình hài trên gốm biểu hiện cho sự khoan hòa, bình lặng trong cư xử của con người phương Đông. Đồng thời, hoa văn trên gốm cũng cho thấy sự hòa hợp giữa các tôn giáo để hướng đến cái Chân - Thiện - Mỹ ở đời.
Theo Hiệp hội Gốm Việt Nam, họa pháp của gốm sứ Móng Cái được phân theo các thời kỳ rõ rệt. Thời kỳ trước năm 1950, gốm sứ Móng Cái có những đường nét hoa văn lão luyện, bút pháp cứng cáp, sắc thanh hoa không quá chói. Nước men trắng có sắc xanh nhạt - đặc trưng của những sản phẩm được nung bằng lò củi.
Men sứ được nghiền từ vôi và trầu rồi đổ vào bể chứa, đổ đầy nước vào bể, đánh tay cho đều, dùng lưới hớt những tạp chất trên bề mặt nước, ngâm qua đêm, sau đó tháo gần hết nước rồi lọc men. Vì thế, các sản phẩm của sứ Móng Cái có màu sắc không trắng trong hay trắng đục, cũng không phải màu xanh ngọc thạch, mà là màu trắng phớt xanh. Màu hoa trang trí chủ yếu là màu lam với các sắc độ đậm, nhạt, tươi, sẫm khác nhau được tạo ra bằng màu xanh cô ban.
Trên phương pháp tạo hình, gốm sứ Móng Cái có đủ mọi loại hình thương phẩm: Từ bát, đĩa, chén, lò hương, ấm trà, lọ hoa, cho đến chóe, bình, chum vại, thống, chậu cây, đôn. Sành sứ ở Móng Cái lúc đó có nhiều chủng loại như: Ấm chén, bát đĩa, ấm tích, liễn, âu, lọ, gối, đèn, bình vôi, điếu, chóe, bình, chum, đôn, thống.
Móng Cái cũng từng hình thành một nhà máy sản xuất gốm sứ. Dân địa phương thì quen gọi xưởng gốm sứ này là lò bát Dụ Phong. Theo những di vật còn sót lại, khu lò gốm sứ Móng Cái được hình thành cách đây khoảng 130 năm và tọa lạc tại phố Lò Bát, phường Trần Phú (Móng Cái) ngày nay.
Lò nung gốm sứ Móng Cái thời kỳ này thuộc loại lò bầu (tức lò rồng), có các buồng lò riêng biệt nối tiếp nhau dài khoảng 20-80m và có khoảng 18-20 buồng lò. Với công nghệ lò rồng nung, gốm sứ Móng Cái đã được giới chuyên gia khẳng định là địa chỉ đầu tiên ở Việt Nam áp dụng loại công nghệ này, sau đó mới phát triển vào Bát Tràng và Cây Mai vào đầu thế kỷ XX. Theo nhà điêu khắc Đinh Thanh, nguyên Giám đốc Nhà máy sứ Móng Cái, kiểu lò này vẫn được dùng ở các xưởng gốm tại TX Đông Triều.
Năm 1960, Bác Hồ về Hải Ninh đã đi thăm xưởng gốm và Người đã tự tay vẽ hoa lên một sản phẩm gốm mộc. Sau chuyến thăm của Bác Hồ một thời gian, toàn bộ khu lò gốm Dụ Phong đã được chuyển về Quảng Yên và Đông Triều trên cơ sở sự chuyển giao kỹ thuật của gốm sứ Móng Cái. Sản phẩm gốm sứ từ Quảng Yên, Đông Triều lại được tỏa đi nhiều nơi.
Nhà máy sứ Quảng Yên hiện nay đã không còn nhưng ở TX Đông Triều, nghề làm gốm vẫn tiếp tục được duy trì, phát triển tạo ra dòng gốm sứ nặng lửa độc đáo ở Quảng Ninh hiện nay. Vâng lời Bác dạy, những người thợ gốm ở Quảng Ninh đã gìn giữ và phát huy dòng gốm độc đáo này đứng vững và làm ăn có hiệu quả trong cơ chế thị trường.
Gốm sứ nặng lửa Quảng Ninh khẳng định được vị thế của mình với mẫu mã sản phẩm hiện nay rất đa dạng, đạt đến trình độ tinh xảo, nhiều sản phẩm đủ sức xuất khẩu vươn ra thị trường thế giới. Hiện nay, ngoài việc xuất khẩu sang một số quốc gia như: Anh, Pháp, Hàn Quốc v.v.. gốm sứ nặng lửa còn được bán rộng rãi cho khách du lịch.
Phạm Học
- Độc đáo 14 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam
- Bộ VHTTDL công bố Danh mục 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Sắp diễn ra Triển lãm 'Di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam và Sản phẩm thủ công truyền thống'
- Trăn trở làng nghề gốm sứ Đông Triều
- Tái hiện truyền thống thêu tay trên nền gốm độc đáo – Thủ pháp dệt gấm thêu hoa trên gốm sứ
Liên kết website
Ý kiến ()