Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:36 (GMT +7)
Sự kiện vịnh Bắc Bộ - Cuộc đụng đầu lịch sử
Thứ 7, 05/08/2023 | 11:03:02 [GMT +7] A A
Sinh năm 1933, Đại tá Phùng Ngọc Hùng năm nay tròn 90 tuổi. Trưởng thành trong cách mạng dân tộc, ông đã chứng kiến biết bao đổi thay của Quảng Ninh thay từ chiến tranh đến hòa bình. Trong không khí toàn tỉnh hân hoan chào mừng sự kiện lớn 60 năm thành lập tỉnh, tại ngôi nhà số 126, đường Vạn Cảnh, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Đại tá Phùng Ngọc Hùng, cựu chuyên gia quân sự Việt Nam tại Cu Ba, đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện cởi mở xung quanh “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, tháng 8/1964.
- PV: Thưa ông, trong gần 60 năm qua, “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” và các lực lượng vũ trang Quảng Ninh có chiến thắng lịch sử bắn rơi máy bay Mỹ, lần đầu tiên bắt sống phi công Mỹ trên bầu trời miền Bắc XHCN. Lập chiến công đặc biệt xuất sắc đó không thể ngẫu nhiên mà phải có công tác chuẩn bị kỹ lưỡng để sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng, thưa ông?
- Đại tá Phùng Ngọc Hùng: Trước hết phải nhìn nhận đôi nét về bức tranh toàn cảnh miền Bắc XHCN trước “cuộc đụng đầu lịch sử” tháng 8/1964.
Miền Bắc, hậu phương của tiền tuyến miền Nam “chắc tay súng, vững tay cày”, vừa xây dựng, vừa phải sẵn sàng đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Những điển hình thi đua tiên tiến: “Gió Đại Phong, sóng Duyên Hải, cờ Ba Nhất, tiếng trống Bắc Lý” trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, lực lượng vũ trang và giáo dục lan tỏa khắp nơi.
Giữa năm 1964, Mỹ và chính quyền Sài Gòn có những hoạt động khiêu khích, phá hoại và chuẩn bị cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân chống phá miền Bắc ngày càng trắng trợn.
Trước những hành động chuẩn bị mở rộng chiến tranh của Mỹ, miền Bắc đẩy mạnh công tác phòng không nhân dân. Các trận địa pháo cao xạ sẵn sàng nổ súng. Hàng trăm trận địa của quân dân tự vệ giăng lưới.
- PV: Thưa ông, còn riêng ở Quảng Ninh?
- Đại tá Phùng Ngọc Hùng: Tỉnh Quảng Ninh thành lập ngày 30/10/1963, thì chỉ ít ngày sau, tháng 12/1963, thành lập Quân khu Đông Bắc. Khi ấy tôi cấp bậc Trung úy, Trợ lý Trinh sát, Quân khu Đông Bắc (trụ sở chỉ huy của Quân khu ở dốc Hải quân bây giờ). Phải nói đây là chủ trương rất sáng suốt của Bộ Chính trị. Quân khu Đông Bắc bao gồm toàn bộ tỉnh Quảng Ninh và tuyến đảo từ Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Cát Hải trở về. Nhiệm vụ đặt ra với quân khu không chỉ sẵn sàng đánh trả không quân Mỹ, mà còn phải sẵn sàng đánh thắng cuộc tập kích đổ bộ bằng đường biển của địch.
- PV: Để có thể đáp ứng nhiệm vụ này, thưa ông, các lực lượng vũ trang Quân khu Đông Bắc phải giăng “thiên la địa võng” như nào?
- Đại tá Phùng Ngọc Hùng: Xây dựng kế hoạch tác chiến, Quân khu hình thành 5 khu vực phòng thủ, đưa pháo 37 ly ra các đảo. Trong nội địa có trung đoàn phòng không gồm ba Tiểu đoàn được trang bị pháo cao xạ 88 ly do Đại úy Nông Ích Hiển chỉ huy. Tiểu đoàn phòng không 217 bảo vệ khu công nghiệp Hòn Gai-Cẩm Phả nhận lệnh sẵn sàng giáng trả máy bay địch.
- PV: Còn trận địa của lực lượng dân quân tự vệ, trong đó có tự vệ ngành than, và kết quả trận thắng ngày 5/8/1964 của quân và dân vùng Mỏ, thưa ông?
- Đại tá Phùng Ngọc Hùng: Tự vệ ngành Than được trang bị súng máy 12,7 ly; 14,5 ly. Sau 5/8/1964, đại đội Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai còn có pháo 37 ly.
Còn diễn biến và kết quả trận đánh ở tỉnh ta, hai tốp máy bay địch gồm 8 máy bay cất cánh từ tàu sân bay lao vào đánh phá căn cứ của Hải quân ta ở Bãi Cháy (vị trí nay là trụ sở Công ty Xăng dầu B12). Các tàu 134 và 227 bộ đội Hải quân vừa đánh trả vừa cơ động vượt ra ngoài vịnh. Trong đợt không kích thứ ba của máy bay địch, khẩu đội súng máy phòng không 14,5 ly do Trung đội phó Trương Thanh Luyện chỉ huy đã bắn rơi tại chỗ một máy bay A4D (Chim ưng nhà trời). Trung úy Alvarez, nhảy dù rơi xuống biển, là phi công Mỹ đầu tiên bị bắt sống ở miền Bắc. Các Đại đội 141 và 143 pháo cao xạ 88 ly (Tiểu đoàn 217) phối hợp với bộ đội Hải quan và dân quân tự vệ bắn rơi chiếc máy bay thứ hai. Ngay sau trận đánh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm, khen ngợi chiến công đầu của Tiểu đoàn 217. Thủ tướng căn dặn: “Thắng lợi của chúng ta rất lớn nhưng mới chỉ là trận đầu. Ta phải rút kinh nghiệm để chiến đấu giỏi hơn, giành thắng lợi lớn hơn”.
- PV: Theo ông, những nguyên nhân chủ yếu nào đem lại chiến thắng lịch sử của Quảng Ninh, ngày 5/8/1964?
- Đại tá Phùng Ngọc Hùng: Trước hết là ý chí dám đánh và biết đánh thắng. Việc thành lập Quân khu Đông Bắc ngay sau khi thành lập tỉnh Quảng Ninh, tôi xin nhắc lại là quyết định sáng suốt của Bộ Chính trị. Từ đó ta mới có thế và lực mạnh, sẵn sàng đương đầu với quân đội vào hang mạnh nhất thế giới. Cũng còn phải đề cập tới hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ đội Phòng không, Hải quân, Công an nhân dân vũ trang và dân quân tự vệ.
- PV: Xin được hỏi ông câu kết. Trong thời gian làm chuyên gia quân sự Việt Nam tại Cu Ba, ông thấy bạn đánh giá như thế nào về nghệ thuật quân sự của ta?
- Đại tá Phùng Ngọc Hùng: Bạn chia sẻ chân tình rằng, về ý chí và trang thiết bị quốc phòng của Cu Ba không gì phải lo. Cu Ba rất ngưỡng mộ “Chiến tranh nhân dân” của Việt Nam.
- PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện bổ ích và lý thú này. Kính chúc ông sức khỏe và an lành.
Đại tá Phùng Ngọc Hùng trong suốt ba năm làm chuyên gia quân sự Việt Nam tại Cu Ba đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở tỉnh Villa Clara. Ông vinh dự được trao tặng Huân chương chiến sĩ Quốc tế hạng Nhì của Cu Ba và Huân chương Chiến công hạng Nhì của Việt Nam.
|
Thu Hoài
Liên kết website
Ý kiến ()