Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:25 (GMT +7)
Sử dụng nước sạch ở các vùng nông thôn
Thứ 4, 22/03/2023 | 15:01:13 [GMT +7] A A
Nhiều năm qua, người dân xã Tràng Lương (TX Đông Triều) sử dụng nguồn nước tự chảy các khe suối, các giếng khoan để sinh hoạt. Thời gian gần đây, do nhiều nguyên nhân, nguồn nước này không đảm bảo về trữ lượng, chất lượng, ảnh hưởng tới đời sống người dân xã.
Ông Lê Văn Độ, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Triều, cho biết: Vấn đề của Tràng Lương là thiếu hệ thống thiết bị công trình trữ, chứa, dẫn nước, lọc và kiểm định chất lượng nước. Nguồn nước hiện phụ thuộc vào tự nhiên, trong khi đó nguồn sinh thủy từ các cánh rừng để giữ nước mặt đang bị tác động, các giếng khoan hình thành tự phát; chưa có một công trình nghiên cứu hoặc quy hoạch nước ngầm của đơn vị chức năng làm cơ sở để người dân có thể khai thác nguồn nước lâu dài, bền vững.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện công tác cấp nước sạch cho người dân nông thôn chủ yếu dựa vào 4 mô hình: Nhà máy nước sạch nông thôn do đơn vị chức năng của Sở NN&PTNT quản lý, khai thác, vận hành; các vùng nước sạch do Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh cung ứng; các địa phương lấy nước từ các công trình trữ, chứa, dẫn nước được xây dựng từ các nguồn vốn 135, 196, nông thôn mới, giao cho tổ cộng đồng dân cư quản lý; người dân tự phát dẫn nước từ các khe, suối, khoan giếng ngầm để sử dụng.
Qua khảo sát, trong 4 mô hình cấp nước trên, các mô hình có đơn vị chuyên môn quản lý, vận hành cho hiệu quả cao, đảm bảo chất lượng và trữ lượng. Tại xã Hiệp Hòa (TX Quảng Yên), khoảng 80% số hộ dân đang sử dụng nguồn nước cấp ổn định từ Nhà máy nước sạch nông thôn Hiệp Hoà. Đây là địa phương có nhiều làng nghề về thực phẩm, bởi vậy yêu cầu về sử dụng nguồn nước đạt chất lượng để sản xuất, ý thức của người dân trong việc sử dụng nguồn nước sạch được nâng cao.
Mặc dù các mô hình cấp nước chuyên nghiệp đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn nước sạch đề ra, tuy nhiên ở nhiều vùng nông thôn, số hộ dân sử dụng nguồn nước này chưa cao. Theo đánh giá khảo sát của Sở NN&PTNT mới đây, tỷ lệ sử dụng nước sạch vùng nông thôn đạt dưới 70%; càng ở những xã, thôn vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ sử dụng nước sạch càng thấp.
Đối với các mô hình cấp nước giao cho tổ cộng đồng dân cư quản lý; cấp nước tự phát do người dân tự dẫn về từ các khe suối, giếng khoan không đảm bảo cả về chất lượng và trữ lượng lớn. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, nguồn nước giếng khoan có khả năng nhiễm những vi khuẩn có hại, hóa chất hoặc các chất có hại cho sức khoẻ; nguồn nước khe suối thường có độ đục lớn và bị nhiễm bẩn bề mặt. Bởi vậy để đảm bảo nguồn nước cho người dân, tốt nhất vẫn là sử dụng nguồn cấp từ các đơn vị chuyên môn quản lý vận hành, có kiểm định định kỳ, tiến tới sử dụng nước sạch thay cho nước hợp vệ sinh hiện nay.
Quảng Ninh đặt chỉ tiêu hết năm 2023 có 70% số người dân nông thôn dùng nước sạch, đến năm 2025 là 95%. Từ bức tranh nước sạch nông thôn hiện nay đặt ra bài toán đầu tư công trình, thiết bị; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức sử dụng nước sạch của người dân.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()