Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:33 (GMT +7)
Sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp: Lợi ích kép
Thứ 5, 14/01/2021 | 08:26:36 [GMT +7] A A
Tháng 10/2020, Bộ TN&MT có Văn bản số 5526/BTNMT-ĐCKS thống nhất chủ trương để UBND tỉnh xem xét, giải quyết việc khai thác, sử dụng đất, đá tại bãi thải tại mỏ than Núi Béo để làm vật liệu san lấp mặt bằng cho Dự án đường bao biển Hạ Long- Cẩm Phả. Đây được cho là hướng đi mới, rất thiết thực, vừa giảm áp lực về khu đổ thải cho các mỏ, vừa tận thu được nguồn vật liệu, mang lại lợi ích kinh tế cho tỉnh theo hướng tuần hoàn.
Dự kiến sẽ có 0,7 triệu m3 đất thải mỏ của mỏ than Núi Béo phục vụ cho Dự án đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả, giai đoạn 1. |
Dự án đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả có chiều dài trên 18km được khởi công xây dựng vào tháng 8/2019. Việc xây dựng tuyến đường này không chỉ góp phần giảm tải cho quốc lộ 18, mà còn mở ra không gian phát triển mới cho 2 thành phố biển là Hạ Long và Cẩm Phả. Theo hồ sơ thiết kế, trong giai đoạn 1 (hiện đang triển khai thi công), nhu cầu sử dụng đất, đá thải để phục vụ cho công tác san lấp lên tới khoảng 1,5 triệu m3; giai đoạn 2 nhu cầu sẽ lên tới 6 triệu m3. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang rất khan hiếm vật liệu san lấp, điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai dự án.
Do đó, việc Bộ TN&MT chấp thuận cho tỉnh sử dụng đất thải mỏ của mỏ than Núi Béo đã phần nào cởi được “nút thắt” này khi dự kiến sẽ có 0,7 triệu m3 đất, đá thải được thu hồi để phục vụ cho giai đoạn 1 của dự án. Ngay sau khi có văn bản đồng ý của Bộ TN&MT, hiện Công ty CP Than Núi Béo đang phối hợp với Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh lập kế hoạch khai thác, thiết kế kỹ thuật thi công, xây dựng biện pháp bảo vệ môi trường và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định. Còn lại giai đoạn 2 dự kiến dự án sẽ sử dụng đất, đá thải của mỏ Nam Khe Tam và Than Cọc Sáu.
Được biết, không chỉ có riêng Dự án đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả có nhu cầu lớn về vật liệu san lấp mà theo thống kê của Sở Xây dựng, trong giai đoạn 2020-2025, nhu cầu đất, cát san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh lên tới trên 100 triệu m3/năm. Đặc biệt, khu vực phía Tây của tỉnh sẽ cần một lượng rất lớn đất, cát để triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn TP Hạ Long và TX Quảng Yên. Trong khi đó, khối lượng đất đã thải tại các mỏ do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc đang hiện hữu rất lớn với trữ lượng gần 1.500 triệu m3, chưa kể, mỗi năm lại phát sinh trên 150 triệu m3. Lượng đất đá này ngày càng có xu hướng tăng lên do các mỏ khai thác xuống sâu, phải mở rộng và tăng hệ số bóc xúc.
Việc sử dụng đất thải mỏ làm vật liệu san lấp sẽ giảm áp lực về khu đổ thải cho các mỏ. Trong ảnh: Bãi thải mỏ Đông Cao Sơn, TP Cẩm Phả. |
Mặt khác, mấy chục năm qua, nhiều bãi đổ thải ở gần các khu dân cư luôn tiềm ẩn không ít nguy cơ mất an toàn do sạt lở khi mưa lớn kéo dài và phát tán bụi ra môi trường. Vì vậy, việc sử dụng đất đá thải tại một số bãi thải đang hoạt động cũng như trong quá trình khai thác tại các mỏ lộ thiên nhằm giải quyết nhu cầu làm vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết và phù hợp. Điều này vừa chủ động được nguồn đất, đá làm vật liệu san lấp, đáp ứng yêu cầu hạ thấp bãi thải mỏ, vừa phù hợp với yêu cầu đầu tư, phát triển bền vững, xu hướng kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, còn giải quyết được khó khăn về diện đổ thải, giảm cung độ vận tải cho mỏ than, giảm bớt chi phí bảo vệ môi trường cho ngành Than.
Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Việc Bộ TN&MT chấp thuận chủ trương này của tỉnh đã mở ra hướng tiếp cận mở để tiến tới hoàn thiện các cơ chế, thủ tục. Từ đó tỉnh có thể đưa đất đá thải mỏ vào sử dụng san lấp đại trà cho các dự án, hạn chế được việc sử dụng những vật liệu san lấp truyền thống như trước đây, có tác động tiêu cực tới cảnh quan, môi trường.
Hiện Sở đang phối hợp với các đơn vị ngành Than để hướng dẫn các đơn vị này hoàn thiện phương án khai thác, sử dụng đất, đá thải làm vật liệu san lấp mặt bằng và báo cáo UBND tỉnh xem xét trong tháng 2/2021. Trong phương án sẽ đặc biệt lưu ý giải quyết dứt điểm các khu vực mỏ, bãi thải mỏ đã dừng đổ thải từ nhiều năm nhưng vẫn chưa hoàn thành cải tạo phục hồi môi trường hoặc gần khu dân cư, có nguy cơ cao về sự cố, sạt lở, mất an toàn, tránh ảnh hưởng đến môi trường và đời sống nhân dân.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()