Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:59 (GMT +7)
Hưởng ứng Ngày Môi trường (5/6) và Ngày Đại dương thế giới (8/6) Sử dụng đất đá thải làm vật liệu san lấp: Đảm bảo ích kinh tế theo hướng tuần hoàn
Thứ 6, 03/06/2022 | 16:10:56 [GMT +7] A A
Vừa giải bài toán khan hiếm nguồn vật liệu san lấp cho các công trình trọng điểm, vừa xử lý môi trường các bãi thải mỏ, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với TKV xây dựng phương án sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp. Qua đó, giải quyết khó khăn về diện đổ thải, giảm bớt chi phí bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.
Ngoài hơn 1,2 tỷ m3/năm đất đá thải, mỗi năm ngành than có trên 100 triệu m3 đất đá thải mỏ không có khoáng sản đi kèm phải đổ. Những bãi thải mỏ vì thế cứ cao thêm, tồn tại rất nhiều năm, tạo thành những "quả bom đất" lơ lửng phía trên những khu dân cư. Hằng năm, TKV đã trích 1-1,5% chi phí sản xuất để giải quyết tồn tại từ những bãi thải mỏ.
Theo thống kê giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh cần 640 triệu m3 đất đá cho hoạt động san lấp dự án trọng điểm. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp với ngành than, làm việc với các bộ, ngành Trung ương để tận thu nguồn vật liệu đất đá thải mỏ trên địa bàn làm vật liệu san lấp. Tháng 10/2020, Bộ TN&MT đã có văn bản số 5526/BTNMT-ĐCKS thống nhất chủ trương để UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét khai thác, sử dụng đất đá tại bãi thải tại mỏ than Núi Béo với trữ lượng khoảng 700.000 m3 để làm vật liệu san lấp mặt bằng cho dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả giai đoạn 1. Đây được coi là giải pháp tối ưu giúp giảm áp lực khu đổ thải của các mỏ, vừa tận thu được nguồn đất đá làm vật liệu san lấp, mang lại lợi ích kinh tế theo hướng tuần hoàn.
Về phía TKV, hiện nay, Công ty Chế biến than Quảng Ninh (đơn vị được giao chủ trì thực hiện) đã hoàn thành quy hoạch tổng thể các địa điểm có thể lấy đất đá thải mỏ có thể phục vụ san lấp; hoàn tất phương án thu hồi và sử dụng đất đá thải mỏ tại mỏ Suối Lại (Công ty Than Hòn Gai - TKV) làm vật liệu san lấp; làm việc với chính quyền địa phương, các sở, ngành chức năng về tiến độ triển khai phương án này.
Ông Đinh Tú Anh, Phó Giám đốc Công ty Chế biến than Quảng Ninh, cho biết: Chúng tôi đã được cấp giấy phép khai thác 3,5 triệu m3 đất đá thải mỏ ở Suối Lại, sẵn sàng cung cấp vật liệu san lấp, tôn tạo mặt bằng cho các dự án ở TP Hạ Long và TX Quảng Yên. Chúng tôi cũng đang hoàn thiện hồ sơ để xin cấp phép khai thác 18,2 triệu m3 đất đá ở bãi thải Đông Cao Sơn để phục vụ các dự án trên địa bàn TP Cẩm Phả và huyện Vân Đồn. Hồ sơ xin cấp phép hơn 10 triệu m3 đất đá ở bãi thải của Công ty Than Mạo Khê để cung cấp cho dự án đường ven sông của tỉnh và các dự án trên địa bàn TX Đông Triều đang được gấp rút triển khai.
Đất đá thải mỏ làm nguyên vật liệu san lấp và nguyên vật liệu nguồn vào để sản xuất những loại sản phẩm khác sẽ giúp sử dụng tiết kiệm chi phí tài nguyên đất san lấp và tạo nguyên vật liệu mới cho quy trình sản xuất khác. Chủ trương sử dụng nguồn đất đá thải mỏ để san lấp mặt phẳng những dự án bất động sản, khu công trình xây dựng sẽ đạt được đa tiềm năng theo hướng tích cực góp thêm phần giảm áp lực đè nén về diện tích quy hoạnh bãi thải; giảm ô nhiễm nguồn nước, môi trường sinh thái …
Theo bà Trần Thu Hà, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản & biến đổi khí hậu (Sở TN&MT), tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị với Trung ương, xem xét sửa đổi Luật Khoáng sản theo hướng coi đất đá thải mỏ không phải là khoáng sản đi kèm than mà chỉ là chất thải rắn công nghiệp để việc giải quyết thủ tục được nhanh chóng, tạo điều kiện cho việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()