Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:48 (GMT +7)
“Sự chuyển đổi lớn nhất là nhận thức của người dân và du khách”
Chủ nhật, 26/05/2024 | 16:54:03 [GMT +7] A A
Đi tiên phong trong toàn tỉnh với Chương trình Cô Tô không rác thải nhựa, cho đến nay, huyện đảo này đã có những kết quả đáng khích lệ. Chiến lược giữ cho huyện đảo xanh, không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa cũng nằm trong định hướng phát triển du lịch sinh thái bền vững, chất lượng cao mà Cô Tô đang theo đuổi. Để có thêm những góc nhìn toàn diện hơn về cách làm của huyện, vừa qua, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quang Ngạn (ảnh), Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Cô Tô.
- Thưa ông, chương trình Cô Tô không rác thải nhựa đã chuyển sang một giai đoạn mới với mục tiêu của huyện là hoàn toàn không có rác thải nhựa. Vậy theo ông thì Cô Tô đã đạt được điều gì quan trọng nhất cho tới nay?
+ Sự chuyển đổi lớn nhất, trước nhất chính là nhận thức của người dân và du khách. Chúng tôi làm phải gắn với lợi ích người dân thì mới hiệu quả, bởi vì ở đây gần như tất cả các hộ dân đều làm du lịch, nếu mà môi trường ô nhiễm thì khách không đến nữa, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của bà con nên họ mới tích cực đồng hành cùng chính quyền.
Thêm nữa là phải có sự chỉ đạo quyết liệt. Chương trình này từ năm 2015 đã có ý tưởng đưa ra rồi, tới năm 2018 thực hiện nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn vì làm không bài bản. Chính vì vậy, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025, đã đưa vào trong Nghị quyết. Sau đó, đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” đã được Ban Thường vụ Huyện uỷ ban hành theo Quyết định 175-QĐ/HU ngày 4/6/2021 (gọi tắt là Đề án 175 - PV). Chúng tôi đã tập trung, tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan thông tấn báo chí từ trung ương cho tới tỉnh để tuyên truyền từ người dân tới khách du lịch. Cùng với đó có những giải pháp đặc biệt như là đưa chương trình vào tất cả các trường học từ cấp mầm non tới THPT trên địa bàn, để thay đổi nhận thức của lớp trẻ, qua đó tác động đến người lớn, các gia đình…
- Việc triển khai gắn với thay đổi nhận thức, thay đổi một thói quen hẳn là không dễ dàng?
+ Ban đầu, việc triển khai gặp phải phản ứng rất lớn, nhất là khi vận động mọi người chuyển từ túi nilon khó phân huỷ sang túi nilon sinh học, vì liên quan tới lợi nhuận. Rất nhiều lần, cuối cùng chúng tôi phải xã hội hoá, mua lại túi nilon của các hộ tiểu thương, tính ra hàng chục tấn chứ không ít. Xong lại đưa một cơ sở sản xuất túi nilon sinh học ra ngoài này để chắp mối với bà con. Dần dần cứ làm như thế. Chúng tôi giao cho Uỷ ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện làm chủ đề án này và trực tiếp là tôi chỉ đạo.
Chúng tôi xác định là phải ngăn chặn từ xa, từ sớm. Huyện đã thành lập các tổ công tác vào các bến cảng tại huyện Vân Đồn để tuyên truyền, đồng thời đổi túi nilon khó phân huỷ sang túi nilon sinh học cho bà con trước khi xuống tàu ra đảo, ra tới Cô Tô chúng tôi tiếp tục rà soát một lần nữa.
Việc làm của huyện, bước đầu người dân cũng chưa ủng hộ tích cực ngay đâu, đặc biệt là các doanh nghiệp. Để các nhà hàng, khách sạn vào cuộc, chúng tôi đã giao Phòng Văn hoá, Thông tin và Du lịch cùng Hiệp hội Du lịch thực hiện, thông qua đó thì các hoạt động đều được mọi người đồng tình tham gia. Huyện uỷ cũng có Quy định 08 về nêu gương cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc thực hiện Đề án, đặc biệt lấy nòng cốt đảng viên 213. Khi triển khai thì chúng tôi triển khai đồng loạt như thế.
Hằng tuần, Thường trực Huyện uỷ giao ban, kiểm đếm công việc. Đặc biệt nữa là từ việc đưa vào trường học, các cháu học sinh đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của bố mẹ, ông bà. Chúng tôi xác định, khoảng 10 năm nữa, thế hệ này sẽ tạo ra chuyển biến căn bản. Vì vậy, nếu duy trì quyết tâm, việc thực hiện Đề án sẽ thành công.
Bên cạnh đó thì cũng cần có sự chỉ đạo chung của Nhà nước, vì mỗi Cô Tô “đơn thương độc mã” khó làm được. Cô Tô là huyện đảo nên có những thuận lợi, dễ kiểm soát hơn chứ như trong đất liền là còn rất nhiều cái khó. Vừa rồi trong hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh, trong phương hướng về vấn đề vệ sinh môi trường, trong đó có chỉ đạo là các xã đảo, tuyến điểm du lịch không sử dụng túi nilon, khiến chúng tôi rất vui.
- Cô Tô có sự hợp tác, liên kết với 12 huyện đảo trong cả nước, vậy khi triển khai Đề án 175 liệu có tham khảo kinh nghiệm từ các huyện đảo?
+ Rút kinh nghiệm khi xây dựng Đề án từ trước năm 2020 cho tới khi ban hành, Cô Tô đã cử rất nhiều đoàn cán bộ đi các đảo như Cù Lao Chàm, Phú Quý, Côn Đảo học tập kinh nghiệm. Mỗi đảo có một thế mạnh riêng và khi Cô Tô triển khai Đề án 175 thì các huyện đảo lại ra đây học tập kinh nghiệm.
Gần nhất là ngày 19/3 vừa qua, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) tổ chức Chương trình trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và học tập, triển khai mô hình “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”, có 3 đơn vị là Cồn Cỏ (Quảng Trị), Phú Quốc (Kiên Giang) và Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) ra đây trao đổi kinh nghiệm. Nghĩa là, Cô Tô thai nghén từ 2015, 2018 thực hiện không thành công và đã đi học tập các mô hình, xem rồi cũng học được một số thứ. Về mình mới xây dựng lại mô hình nhưng tóm lại là phải có vai trò lãnh đạo của Đảng thì chương trình mới có hiệu quả cao được như bây giờ.
- Chương trình Cô Tô không rác thải nhựa đã đi được một chặng đường dài, vậy giai đoạn tiếp theo sẽ là gì?
+ Giai đoạn 1 trước kia là vậy rồi, huyện tập trung cho vận động không sử dụng túi nilon khó phân huỷ, hạn chế đồ nhựa dùng một lần. Tới thời điểm này, Cô Tô sẽ đi sâu vào việc phân loại rác tại nhà. Theo đó, vận động bà con mua thùng rác 2 ngăn, 1 ngăn là rác vô cơ, 1 là rác hữu cơ để ở phía trước nhà, ngoài vỉa hè. Vậy là ngoài gia đình sử dụng thì du khách đi qua cũng có thể bỏ rác vào. Cô Tô có lượng rác từ vỏ hải sản rất nhiều, ăn xong đổ đấy, nắng lên bốc mùi, rồi chó mèo tới cào bới ra, rất mất vệ sinh, mỹ quan. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa rồi huyện quy định bà con phải để thùng rác trong nhà và đổ rác theo giờ quy định nên đã khắc phục được tình trạng trên. Mình làm là phải sát sao, thấy có gì bất cập phải xử lý ngay.
Về truyền thông thì Cô Tô được sự ủng hộ rồi, nhưng chỉ cần một trận gió to là rác thải đại dương lại trôi dạt vào các bãi biển rất nhiều, làm không xuể nên việc du khách đưa lên mạng xã hội là không tránh khỏi. Tuy nhiên, Cô Tô cũng đã làm chủ việc phòng ngừa xử lý khủng hoảng truyền thông mạng xã hội, không để bị động. Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 175 đã lập 1 nhóm zalo, đến nay, tất cả các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu của Cô Tô đều có trong nhóm, với tổng số gần 200 người. Hằng ngày, thôn nào, khu nào dọn vệ sinh xong là chụp ảnh đưa lên, ai cũng nhìn được cả, thế là tạo một phong trào thi đua giữa các thôn, khu với nhau rất hiệu quả.
- Như ông nói về việc phân loại rác tại nhà là chuyển sang một cách làm khác để tạo điểm nhấn rõ nét hơn. Vậy huyện có hỗ trợ hay tuyên truyền, có chế tài xử phạt thế nào để người dân tự giác thực hiện việc đó không?
+ Không có hỗ trợ gì cả, từ trước tới giờ chúng tôi toàn tuyên truyền, vận động để người dân vào cuộc. Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có đưa ra những chế tài, tuy nhiên chúng tôi từ khi làm tới giờ cũng chỉ nhắc nhở, chưa xử phạt một trường hợp nào làm mất vệ sinh môi trường cả. Giờ các xã, tuyến phố còn có camera an ninh, cũng hỗ trợ rất tốt cho công tác quản lý về vệ sinh môi trường.
Cô Tô có nguồn quỹ đất không quá lớn, tuy nhiên rác mà không đốt được thì phải chôn lấp, mà như tôi đã nói vỏ hải sản của Cô Tô rất nhiều, rác này chủ yếu chôn lấp, vì vậy vẫn cần phải phân loại rác tại nhà cho đến khi có thể áp dụng những công nghệ xử lý cao hơn, như biến thành phân bón, vật liệu xây dựng… Nhưng trước mắt là nâng cao ý thức cho người dân đã. Chúng ta ép bà con ngay không được, phải làm từng bước một, chủ yếu vận động người dân thôi. Chỉ có cán bộ, đảng viên làm theo Quy định 08 và Đề án 175 của Huyện uỷ là phải chấp hành nghiêm.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()