Dựa trên dữ liệu của ChatGPT, nhóm khởi nghiệp tại TP HCM phát triển nền tảng VoiceGPT có thể giao tiếp với AI bằng giọng nói, sử dụng miễn phí.
VoiceGPT được startup Tesse (quận Phú Nhuận) cùng 3 kỹ sư lập trình phát triển từ đầu tháng 1 khi ChatGPT tạo ra cơn sốt trên thế giới, trong đó Việt Nam.
Nguyễn Phạm Tuấn Anh, sáng lập Tesse cho biết, thời điểm đó, ChatGPT chưa hỗ trợ người dùng đăng ký tại Việt Nam. Vì thế nhiều người đã bị lừa khi mua tài khoản trên mạng xã hội. Mong muốn có một sản phẩm ChatGPT cho người Việt, các thành viên nhóm liên hệ với OpenAI, đơn vị phát triển sản phẩm, đề xuất phát triển ứng dụng này tại Việt Nam. "Chúng tôi được chấp thuận có thể phát triển ứng dụng nên bắt tay vào xây dựng VoiceGPT", Tuấn Anh chia sẻ.
Nhóm lập trình, thiết kế trang web cho phép người dùng tạo tài khoản trên mạng bằng email và số điện thoại ở Việt Nam, sử dụng được trên máy tính và điện thoại thông minh. Khi người dùng viết câu hỏi, hệ thống máy chủ của VoiceGPT sẽ chuyển tiếp dữ liệu này qua máy chủ của ChatGPT. Khi máy chủ của ChatGPT phản hồi, dữ liệu được đưa về VoiceGPT cung cấp câu trả lời cho người dùng. Theo nhóm, do thông qua máy chủ trung gian, câu trả lời có độ trễ nhất định.
Giao diện VoiceGPT được thiết kế tương tự ChatGPT với các tính năng trực quan, thuận tiện thao tác. Người dùng có thể sử dụng tiếng Việt và tiếng Anh khi sử dụng VoiceGPT. Sản phẩm cũng được tích hợp thêm tính năng vẽ tranh thông qua các gợi ý từ văn bản.
Ngoài giao tiếp với AI bằng văn bản, nhóm phát triển thêm tính năng nói chuyện bằng giọng nói. Để làm được việc này nhóm mua công cụ AI của Google nhận diện giọng nói người dùng chuyển sang văn bản và ngược lại. Khả năng nhận diện giọng nói của VoiceGPT có độ chính xác trên 98% cả tiếng Việt và tiếng Anh.
Sở dĩ nhóm muốn phát triển tính năng giao tiếp bằng giọng nói là muốn giúp một số người không có điều kiện gõ văn bản như người khuyết tật, người không biết chữ, trẻ mẫu giáo hoặc không rảnh tay...
Theo Tuấn Anh, việc OpenAI cho phép các đơn vị khác phát triển ứng dụng dựa trên ChatGPT sẽ giúp các startup phát triển các sản phẩm phục vụ cho lĩnh vực mình. "Nhóm sử dụng giọng nói để giao tiếp với ChatGPT là một tính năng mới có thể khai thác là một ví dụ cho việc phát triển ứng dụng dựa trên nên tảng này", Tuấn Anh chia sẻ.
Hiện Voice GPT có khoảng 70.000 người dùng đăng ký sau hơn 1 tháng ra mắt. Khi sử dụng họ phải đăng ký tài khoản và được một người dùng trong cộng đồng VoiceGPT trên mạng xã hội giới thiệu. Hiện mỗi ngày một tài khoản có thể hỏi 40 câu, một giờ được hỏi tối đa 20 câu. Lý giải điều này, nhóm cho biết, hiện việc sử dụng VoiceGPT nhóm phải trả phí cho nhà cung cấp dựa trên số lượng từ ngữ, nên cần đưa ra giới hạn để người dùng hỏi những câu thật sự cần thiết.
Trải nghiệm VoiceGPT, anh Hoàng Minh (36 tuổi), ngụ TP Thủ Đức cho biết, sản phẩm dễ đăng ký, giao diện dễ sử dụng, tương tự như khi truy cập ChatGPT. Tuy nhiên, sản phẩm có độ trễ khi phản hồi câu hỏi, một số thao tác bị treo phải chạy lại trang web mới được sử dụng tiếp. "Tôi có con trai 5 tuổi rất thích tính năng chat bằng giọng nói vì cháu chưa rành mặt chữ nhưng vẫn có thể sử dụng để khám phá những điều còn thắc mắc", anh Minh nói.
Ông Lê Nhật Quang, Phó giám đốc Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP HCM, đánh giá VoiceGPT là một sản phẩm được phát triển bởi người Việt trên cơ sở mã nguồn OpenAI sẽ thúc đẩy việc phát triển các ứng dụng cho các tác vụ thuần Việt tốt hơn sau này. Tuy nhiên, ông cho rằng VoiceGPT hiện có tốc độ phản hồi khá chậm, một số nội dung bị lặp lại, nên nhóm cần cải thiện những vấn đề này.
Ý kiến ()