Giữa tháng 5, công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia gửi thông báo tới những người sáng lập công ty khởi nghiệp với độ dài 52 trang. Hầu hết nội dung trong đó cảnh báo về những chông gai đang đón chờ phía trước, như lạm phát, lãi suất tăng, các vấn đề về chuỗi cung ứng... Thông báo cũng nhấn mạnh các quỹ đầu tư mạo hiểm khó có thể giải cứu, khiến các startup nguy cơ cao bị rơi vòng xoáy tử thần.
Nhiều công ty khởi nghiệp đã nghe theo khuyến cáo. Theo thống kê của chuyên trang theo dõi các đợt cắt giảm nhân sự Layoffstracker, hơn 10.000 nhân viên ở các startup đã bị cho thôi việc kể từ đầu tháng 6. Tính từ đầu năm, con số lên đến 40.000 người.
Nạn nhân mới nhất là các công ty liên quan đến lĩnh vực tiền số, với làn sóng sa thải được đánh giá là "tàn sát". Ngày 14/6, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất ở Mỹ Coinbase cho biết đã sa thải 1.100 nhân viên một cách đột ngột: cắt quyền truy cập của họ vào tài khoản email và khóa họ khỏi kênh Slack của công ty. Sàn này cũng hủy hơn 300 lời mời làm việc đã đưa ra trước đó.
Trước đó một ngày, hai nền tảng BlockFi và Crypto.com cũng giảm hàng trăm việc làm. Một sàn giao dịch tiền điện tử khác là Gemini cũng sa thải 10% nhân viên hồi đầu tháng. Tính chung, hơn 2.000 nhân viên của các startup tiền điện tử đã mất việc kể từ đầu tháng 6.
Làn sóng sa thải nhân sự ở lĩnh vực tiền số chỉ diễn ra trái ngược với sự "cưng chiều" trước đó. Năm 2021, các công ty tiền số là con cưng của các nhà đầu tư mạo hiểm. Sau khi Coinbase thực hiện IPO thành công, các công ty khác cũng đẩy mạnh tuyển dụng với tham vọng tương tự.
Trước khi gửi thông báo nghỉ việc cho hơn một nghìn nhân sự, Coinbase tập trung vào việc phát triển siêu tốc, trong đó mở rộng quy mô nhân viên từ 1.250 người vào đầu năm 2021 lên khoảng 5.000 người năm 2022. "Tôi nhận thấy rõ chúng tôi đang tuyển dụng quá mức", Brian Armstrong, CEO Coinbase, viết trên blog ngày 14/6. "Chúng tôi đã phát triển quá nhanh".
Phó giáo sư David A. Kirsch, phụ trách giảng dạy ở lĩnh vực chiến lược và kinh doanh tại Trường Kinh doanh Robert H. Smith của Đại học Maryland, cho rằng các startup tiền số đúng là đã phát triển quá nhanh và giờ phải lãnh hậu quả. "Có thể ví tiền điện tử là con chim hoàng yến trong mỏ than. Tuy nhiên, nhiều công ty đã đánh giá quá mức về tiềm năng, dẫn đến rơi vào vòng xoáy tử thần", Kirsch nói.
Kirsch đã dành nhiều năm để nghiên cứu về sự đổ vỡ của các lĩnh vực liên quan đến tài chính. Trong cuốn Bong bóng và Sự cố nói về các chu kỳ bùng nổ trong công nghệ do ông là tác giả, ông nói rằng "bong bóng" có xu hướng vỡ đầu tiên trong các lĩnh vực có đòn bẩy và tăng trưởng cao. Chẳng hạn, năm 2000, giá trị của hầu hết các công ty thương mại điện tử đã biến mất sau thời gian ngắn, như Pets.com và eToys.com phá sản nhanh chóng dù ra mắt rầm rộ và hoành tráng.
"Ngày nay, các công ty khởi nghiệp về tiền số đang phơi bày kết quả tương tự", Kirsch nhận xét. "Chúng ta có thể thấy, sự sụp đổ trong lĩnh vực này đang diễn ra đầu tiên khi nói về công nghệ".
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác cho rằng vấn đề tăng trưởng và suy giảm trong giới tiền số là bình thường. Họ gọi giai đoạn khó khăn này là "mùa đông crypto" - thuật ngữ chỉ thời kỳ ảm đạm của thị trường khi giá các đồng coin liên tục giảm và khó phục hồi trong thời gian dài, đồng thời hàng loạt tin xấu ập đến như trộm cắp, lừa đảo và các lệnh cấm của các nhà quản lý.
"Khi giá Bitcoin tăng, mọi người hào hứng, dẫn đến nhiều công ty khởi nghiệp, dự án đầu tư vào hệ sinh thái hơn. Nhưng khi giá Bitcoin giảm mạnh như nửa đầu năm nay, không ít công ty khởi nghiệp biến mất. Điều này diễn ra theo chu kỳ, nên có thể xem đây là sự tăng trưởng không ổn định trong một bức tranh ổn định", Chris Dixon, chuyên gia của quỹ Andreessen Horowitz, nói.
Tuy nhiên, Kirsch phản bác quan điểm này. Theo ông, các "mùa đông crypto" trước đây có quy mô nhỏ vì chưa nhiều người tham gia. Còn ngày nay, không ít nhân vật nổi tiếng như Elon Musk, Matt Damon hay Tom Brady đầu tư vào tiền số sẽ khiến lĩnh vực này gặp khó nhiều hơn.
"Tôi xem thời gian tới là 'kỷ băng hà crypto' hơn là mùa đông crypto", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia có cùng nhận định là toàn bộ lĩnh vực tiền số không thể biến mất kể cả khi bong bóng vỡ. Thực tế, sau năm 2000, hầu hết các công ty thương mại điện tử sụp đổ, nhưng một vài trong đó như Amazon trở nên lớn mạnh. Trong tương lai, sự suy giảm của startup tiền số có thể tạo ra cơ hội cho những công ty khác nắm bắt xu thế để trở thành các "Amazon trong lĩnh vực tiền điện tử".
Ý kiến ()