Kinh tế Việt Nam được Standard Chartered đánh giá có các dấu hiệu phục hồi kể từ quý II. Trong tháng cuối cùng của quý III, ngân hàng này cho biết, dữ liệu có thể sẽ cải thiện đôi chút so với tháng 8 nhờ doanh số bán lẻ.
Tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 9 được kỳ vọng duy trì mạnh ở mức 8,2% so với cùng kỳ; xuất khẩu được dự đoán giảm 6,2%; nhập khẩu giảm 7%; tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng lên 3,2%. Thặng dư thương mại có thể thu hẹp xuống 1,3 tỷ USD Mỹ. Lạm phát có thể tăng trở lại lên 3,2% so với cùng kỳ (lạm phát tháng 8 đạt 3%).
Giá dịch vụ giáo dục, nhà ở và thực phẩm đã đẩy lạm phát lên gần đây, trong khi áp lực từ lĩnh vực giao thông vận tải đã giảm bớt. Việt Nam đã đón khoảng 7,8 triệu du khách nước ngoài trong 8 tháng đầu năm 2023, gần đạt mục tiêu cả năm là 8 triệu du khách.
Standard Chartered lưu ý, quá trình hồi phục của nền kinh tế vẫn cần được theo dõi khi hoạt động thương mại vẫn đang suy giảm; sản xuất có thể tiếp tục mờ nhạt trong một thời gian và triển vọng phục hồi FDI vẫn chưa rõ ràng.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered, cho biết, áp lực về giá suy giảm sẽ tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách tập trung vào tăng trưởng, song những lo ngại mới về sự trở lại của lạm phát trong nửa cuối năm có thể gây ra những tác động.
"Khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi, chúng ta sẽ không còn cần nhiều sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ", ông nói.
Ngân hàng này giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 ở mức 5,4% - tức thấp hơn mục Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đưa ra (6,5%).
Thực tế, nhiều tổ chức trong nước, quốc tế, đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay dao động dưới mức 6%. Ví dụ trường Fulbright Việt Nam đưa ra dự báo khoảng 5,5-5,9%; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 5,8% (từ mức 6,5% đưa ra trước đó); Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng UOB lần lượt 4,7% và 5,2% trước những áp lực lớn từ tổng cầu bên ngoài giảm mạnh, tác động đến xuất khẩu.
Ý kiến ()