Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:43 (GMT +7)
Sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp
Thứ 2, 14/11/2022 | 17:05:19 [GMT +7] A A
Vào thời điểm này hằng năm, số ca mắc sốt xuất huyết trong cả nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng đã gần như không còn. Thế nhưng năm nay, dù đã là tháng 11, số người phải nhập viện do bệnh này vẫn có chiều hướng gia tăng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 292 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết, 112 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 87 trường hợp. Đặc biệt tại Hà Nội, trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh. Nếu như đầu tháng 9, số ca mắc trong khoảng 500 - 700 ca/tuần, thì đến cuối tháng 10, ghi nhận 1.200 - 1.400 ca/tuần. Từ đầu năm đến nay, toàn TP Hà Nội ghi nhận gần 11 nghìn ca mắc, 12 ca tử vong; số ca mắc tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Theo thống kê của CDC Hà Nội, số mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp.
Còn tại Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã ghi nhận 456 ca sốt xuất huyết. Trong đó từ đầu tháng 9 đến nay, số ca mắc tăng đột biến, với 352 ca, chiếm 90% tổng số ca mắc. Số ca mắc rải rác ở nhiều huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đặc biệt Hạ Long là địa phương có số ca mắc nhiều nhất.
Theo nhận định của ngành Y tế, dịch sốt xuất huyết năm nay diễn biến phức tạp, bất thường hơn mọi năm, số ca mắc tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đặc biệt, chu kỳ của dịch sốt xuất huyết bùng phát thành dịch sau 5 năm một lần. Theo chu kỳ năm 2022 sốt xuất huyết có thể lại bùng phát thành dịch.
Với tình hình thời tiết diễn biến thất thường thuận lợi cho muỗi phát triển thì hiện vẫn đang là thời gian cao điểm của sốt xuất huyết. Tuy nhiên, thực tế người dân vẫn còn đang rất chủ quan, lơ là trong việc phòng chống căn bệnh nguy hiểm này. Trong khi đó để đẩy lùi được bệnh sốt xuất huyết thì sự vào cuộc của người dân, mỗi gia đình là vô cùng quan trọng. Người dân nên thường xuyên kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, diệt bọ gậy ở bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch…
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh phải hết sức chú ý theo dõi, nhận biết các dấu hiệu cảnh báo của bệnh sốt xuất huyết, gồm: Vật vã, lừ đừ; đau bụng nhiều; nôn ói nhiều; gan to và đau; chảy máu chân răng, mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, tiểu ra máu, nước tiểu ít… Nếu có một trong các dấu hiệu này, người dân cần nhập viện để theo dõi điều trị nội trú vì có nguy cơ diễn tiến nặng, thậm chí tử vong nếu không được xử trí điều trị kịp thời.
Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm. Hiện dịch vẫn còn đang diễn biến phức tạp, vì vậy để dịch không bùng phát rất cần sự chung tay, vào cuộc của người dân trong phòng chống, đặc biệt là thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế trong việc diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, ngủ màn chống muỗi đốt.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()