Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:08 (GMT +7)
Sốt ở trẻ em: Nhận biết các loại bệnh thường gặp và cách chăm sóc
Thứ 7, 17/09/2022 | 16:50:01 [GMT +7] A A
Sốt là hiện tượng tăng nhiệt độ cơ thể trên mức bình thường, là phản ứng tự nhiên của cơ thể để chống lại sự tấn công của virus hay vi khuẩn nào đó. Khi phát hiện có sự xâm nhập của các tác nhân gây hại, hệ miễn dịch của trẻ sẽ được kích hoạt, nhiệt độ cơ thể được giải phóng, gây ra hiện tượng sốt.
Sốt ở trẻ do nguyên nhân nào?
Sốt ở trẻ có nhiều nguyên nhân gây, thường gặp nhất là do nhiễm trùng, gồm nhiễm vi khuẩn và virus. Khi trẻ sốt cao có thể gây khó chịu, thậm chí co giật. Chính vì vậy, để biết chính xác trẻ sốt phải đo thân nhiệt bằng nhiệt kế, nếu khi đo nhiệt độ ở nách từ 37.5 độ C trở lên mới được đánh giá trẻ bị sốt.
Các nguyên nhân hay gặp khi trẻ bị sốt
- Sốt virus
Sốt virus hay còn gọi là tình trạng sốt do nhiễm các loại siêu vi trùng khác nhau như: Rhinovirus, Coronavirus, Adenovirus, virus cúm, Enterovirus… Khi bị sốt virus, trẻ thường có các biểu hiện như: Nhiệt độ cơ thể tăng, có thể lên đến 40°C, với tần suất liên tục hoặc ngắt quãng. Trẻ thường mệt mỏi, đau nhức, có thể kèm theo viêm đỏ hầu họng, chảy nước mũi, ngạt mũi, ho, đỏ mắt, thậm chí nổi cả ban ở da…
Sốt virus thường cấp tính, kéo dài 3 - 5 ngày, ít khi quá 7 ngày và tự khỏi, nhưng cũng có thể kèm theo các triệu chứng khác, gây diễn biến nặng. Có nhiều loại virus có thể gây bệnh cảnh rất nặng, đe dọa tính mạng của trẻ hoặc để lại di chứng nặng nề như virus gây viêm não Nhật Bản, virus gây bệnh tay - chân - miệng, virus Dengue gây sốt xuất huyết, virus Rota gây tiêu chảy mất nước…
- Sốt cảm cúm
Sốt cảm cúm là loại thường gặp ở trẻ em, rất dễ lây từ người này sang người khác. Trẻ mắc bệnh cúm sẽ có các triệu chứng như: Sốt cao, có khi lên tới 39 - 40 độ C, thân nhiệt không ổn định, có cảm giác ớn lạnh hoặc rét run, nhức đầu, ù tai, chóng mặt, hoa mắt, hắt hơi, sổ mũi, ho, khàn tiếng... Đau nhức cơ bắp, đặc biệt là ở lưng, tay và chân.
Trẻ thường lây nhiễm khi người bệnh ho, hắt hơi làm phát tán virus vào tay, chân, quần áo và các vật dụng xung quanh, trẻ vô tình tiếp xúc với người bệnh hoặc các vật dụng trên, sau đó tay trẻ lại tiếp xúc với mắt, mũi, miệng của mình, tạo điều kiện cho virus cúm xâm nhập vào cơ thể.
- Sốt cảm lạnh
Cảm lạnh là bệnh phổ biến ở trẻ em, trẻ dễ bị mắc bệnh và triệu chứng thường kéo dài hơn người lớn. Thông thường, cảm lạnh lây truyền từ người này sang người khác, bằng tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc với virus trong môi trường, dễ lây nhất trong 2 - 4 ngày đầu.
Khi trẻ sốt cảm lạnh không như sốt cảm cúm, vì là bệnh của viêm đường hô hấp trên do virus gây ra, nên thường có các biểu hiện như: Hắt hơi, sổ mũi, ho. Trẻ sốt, mệt mỏi, đau đầu, đau rát họng, đau nhức cơ, biếng ăn. Nước mũi của trẻ đặc quánh lại, có màu vàng hoặc xanh.
- Sốt vi khuẩn
Thông thường nếu trẻ sốt do vi khuẩn thường do đường tiêu hóa, hô hấp. Nếu sốt do vi khuẩn trẻ thường có các triệu chứng như: Nhiệt độ cơ thể tăng cao, nhịp thở tăng, môi khô, mắt trũng khi có dấu hiệu mất nước, ớn lạnh, rét run và các dấu hiệu đặc trưng khác của bệnh nhiễm khuẩn đang mắc phải.
Bên cạnh đó, cảm sốt cũng là dấu hiệu của các bệnh như viêm phổi, kiết lỵ…
- Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết ở trẻ là loại sốt có tỷ lệ tử vong cao ở trẻ nhỏ. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt, bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Đặc trưng của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng. Nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Giai đoạn đầu trẻ thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục, trẻ quấy khóc… cha mẹ có thể quan sát thấy các vết chấm xuất huyết dưới da, thậm chí trẻ có thể bị chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam… cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị.
Chăm sóc đúng khi trẻ bị sốt
Khi nghi ngờ trẻ sốt cần kiểm tra thân nhiệt chính xác cho con bằng kẹp nhiệt độ, xem trẻ sốt bao nhiêu độ. Cha mẹ cần lưu ý không được tự chẩn đoán nhiệt độ cho trẻ bằng cách sờ tay lên trán hoặc má trẻ. Vì áp tay cảm nhận nhiệt độ không nhạy, trẻ có thể bị sốt cao lên đến 39 - 40 °C, nhưng cha mẹ vẫn cảm thấy sốt nhẹ.
Nếu trẻ sốt, cha mẹ cần mặc quần áo thoáng mát cho trẻ, sau đó lau người trẻ bằng khăn ấm và ướt.
Về dinh dưỡng cần cho trẻ uống nhiều nước, vì trẻ dễ bị mất nước khi bị sốt. Bổ sung nước cho trẻ bằng cách cho trẻ uống các loại nước ép từ rau, củ, quả giàu dưỡng chất và vitamin…
Về chế độ ăn cần lưu ý đến dinh dưỡng, cho trẻ ăn cháo mềm dễ nuốt, tăng cường bổ sung các loại nước ép trái cây giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin nhóm B và vitamin C.
Nếu trẻ sốt trên 38,5°C, cha mẹ nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt đúng liều hướng dẫn, hai liều liên tiếp cần cách nhau ít nhất 4 - 6 giờ. Nếu trên 3 ngày mà trẻ vẫn còn sốt trên 38 - 39°C, ngủ lơ mơ, dùng thuốc hạ sốt không hạ, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()