Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:19 (GMT +7)
Sống trách nhiệm vì một Quảng Ninh xanh, sạch, đẹp
Thứ 4, 14/02/2024 | 13:23:17 [GMT +7] A A
Nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn đặt môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; là yêu cầu sống còn, điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Đã có rất nhiều giải pháp được những người trẻ Vùng mỏ thực hiện, nhằm thể hiện trách nhiệm cá nhân, góp phần thay đổi hành vi của cả cộng đồng.
Thay đổi hành vi từ thế hệ trẻ
Phân loại rác thải, đổi đồ dùng cũ để tái chế, hạn chế rác thải ra môi trường, đó là cách thức không mới. Đổi pin lấy cây xanh là một hình thức như thế. Không xét về khía cạnh kinh tế, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bởi pin là một trong các loại rác nguy hại. Những viên pin đã qua sử dụng, được các em nhỏ cất gọn vào chai và gửi đến các đơn vị thu gom xử lý, thay vì vứt vào thùng rác như trước, đổi lại, các em được nhận về cây cảnh nhỏ, hoặc túi hạt giống như một sự khuyến khích. Điều này đã ươm mầm thói quen và tình yêu thiên nhiên đối với trẻ nhỏ.
Một trong những người “truyền lửa”, anh Nguyễn Đăng Huy, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Sở TN&MT, đã thành lập nhóm “Vì một Hạ Long xanh”. “Chương trình đổi pin không hướng mục đích lợi nhuận, điều chúng mình mong muốn là mọi người sẽ hiểu hơn về tác hại của pin, giảm rác thải năng lượng, cũng như tích cực trồng nhiều cây xanh. Bạn thử nghĩ xem, khi tự tay trồng và nhìn cây tươi tốt, thêm lớn mỗi ngày, điều đó thật truyền cảm hứng biết bao” - anh Huy chia sẻ.
Cùng ý tưởng với anh Huy, chị Nguyễn Việt Hà (phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long) đã lan tỏa lối “sống xanh” trong cộng đồng người dùng mạng xã hội facebook. Để rồi sau 4 năm thành lập, fanpage Trạm xanh - 5R Station Halong của chị đã trở thành địa chỉ quen thuộc để những người yêu môi trường, yêu lối “sống xanh” thường xuyên chia sẻ những bài viết, kiến thức bổ ích. Từ những vỏ hộp sữa, vỏ gói mì tôm, túi nilon… nếu biết cách, hoàn toàn có thể trở thành những vật dụng hữu ích cho cuộc sống của con người.
Biến ý tưởng ấy thành hiện thực, rác thủy tinh vốn phải mất cả triệu năm mới phân hủy, nay thành những bức tranh sống động, độc đáo, là những gì mà chàng trai 9x Hứa Duy Thanh (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) đã làm được sau 3 năm kiên trì nghiên cứu. Để có nguyên liệu làm tranh, Thanh đã thu gom các mảnh vỡ từ chai lọ, không ngại biến ngôi nhà của mình giống như cửa hàng phế liệu. Thanh chia sẻ, nếu làm tranh bằng cách đập vỡ lọ thủy tinh, mục đích tốt đẹp ban đầu đã không còn nữa. Điều mà chàng trai 9x ấy hướng đến chính là truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần giảm thiểu rác thải đến cả cộng đồng, vì một môi trường sống an toàn cho tất cả mọi người.
Vì một cộng đồng xanh
Mỗi cá nhân một hành động đẹp, sẽ tạo nên một cộng đồng đẹp. Đó cũng là mục đích mà huyện Cô Tô đang hướng tới khi thực hiện bắt buộc tất cả du khách không mang túi nilon và đồ nhựa dùng một lần ra đảo. Để làm được điều này, Cô Tô đã triển khai Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”, nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đến môi trường biển đảo, góp phần phát triển du lịch một cách bền vững.
Quảng Ninh có đường bờ biển dài, thực hiện các biện pháp phòng chống rác thải nhựa xâm hại vùng biển có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Không chỉ Cô Tô, tại TP Hạ Long, tỉnh đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long”, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời tiếp tục triển khai chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”, nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ cảnh quan môi trường và các giá trị Di sản, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Với chương trình này, các tổ chức, cá nhân đang có hoạt động du lịch, dịch vụ trên Vịnh cam kết không sử dụng, mua bán các sản phẩm từ nhựa dùng một lần; thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Mỗi người một suy nghĩ, một trách nhiệm, hãy hành động ngay từ hôm nay, “sống xanh” theo cách của chính mình. Chẳng cần phải to tát, lớn lao, chẳng cần phải là những đề án, kế hoạch, đó có thể là những việc làm rất nhỏ xuất phát từ mỗi cá nhân, để rồi bằng cách nào đó, lan tỏa, làm thay đổi nhận thức, hành vi của cả cộng đồng. Đó sẽ là nền tảng vững chắc, ý nghĩa để môi trường ngày càng xanh hơn, vì cuộc sống tốt đẹp hơn mỗi ngày.
Thu Hoài
Liên kết website
Ý kiến ()