Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:18 (GMT +7)
Sóng thần Covid-19 càn quét châu Á, hàng loạt nước áp phong tỏa
Thứ 7, 10/07/2021 | 09:42:22 [GMT +7] A A
Nhiều quốc gia châu Á buộc phải tăng cường các biện pháp hạn chế, kể cả phong tỏa để đối phó diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, trong bối cảnh số ca mắc mới tăng vọt và tỷ lệ tiêm chủng cho dân còn thấp.
Đông Nam Á mạnh tay chống dịch
Dù đã thoát khỏi cảnh điêu đứng vì các làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 bùng phát hồi năm ngoái, nhưng Đông Nam Á đang đối mặt với tình trạng gia tăng số ca mắc và tử vong cao chưa từng thấy, buộc chính phủ các nước phải có những hành động mạnh mẽ hơn nhằm khống chế dịch.
Tại Thái Lan, chỉ trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 9.276 ca nhiễm mới và 72 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 317.506 người, trong đó 2.534 bệnh nhân không qua khỏi. Quốc gia Đông Nam Á này cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu giường điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 do nhiều trường hợp phải nằm viện lâu hơn. Hơn 700 trường hợp đang phải dùng máy thở.
Để ứng phó, Chính phủ Thái Lan hôm 9/7 thông báo sẽ phong tỏa thủ đô Bangkok và 9 tỉnh trong vòng 2 tuần, bắt đầu từ ngày 12/7 để dập dịch. Lệnh giới nghiêm sẽ được triển khai từ 21h hôm trước - 4h sáng hôm sau tại cả 10 tỉnh, thành nói trên và các cư dân được yêu cầu ở nhà, không ra ngoài trừ khi thực sự cần thiết như đi làm hay thăm khám y tế.
Theo thống kê của báo New York Times, cho đến hiện tại, Thái Lan đã tiêm được gần 12 triệu liều vắc ngừa Covid-19, tương đương khoảng 4,6% dân số được chủng ngừa đầy đủ nếu mỗi cá nhân cần tiêm đủ 2 liều.
Tại Malaysia, tổng số ca mắc tính đến sáng 10/7 là 817.838 người, tăng 9.180 trường hợp so với một ngày trước đó và là mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Đây là lần thứ hai số ca nhiễm mới ở Malaysia vượt mức 9.000 ca/ngày, sau lần tăng lên 9.020 ca hôm 29/5.
Chính phủ Malaysia đang áp phong tỏa toàn diện kể từ đầu tháng 6 nhằm làm chậm lại tốc độ lây lan của virus. Thủ tướng Muhyiddin Yassin khẳng định, các biện pháp hạn chế sẽ không được nới lỏng chừng nào các ca nhiễm mới trong ngày không giảm xuống dưới con số 4.000. Nước này hiện ghi nhận tổng cộng 5.980 trường hợp tử vong vì dịch.
Bộ Y tế Myanmar mới đây cũng thông báo cho tái đóng cửa các trường đào tạo cơ bản, bao gồm cả các trường tư và tu viện Phật giáo từ ngày 9 - 23/7. Nhà chức trách mới chỉ dỡ bỏ biện pháp chống dịch này vào tháng trước. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Myanmar có thêm 4.320 ca mắc và 64 bệnh nhân tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên 184.375 người, bao gồm 3.685 bệnh nhân thiệt mạng.
Tại "ổ dịch" lớn nhất khu vực là Indonesia, trước khi buộc phải thực thi các biện pháp hạn chế quy mô lớn, Chính phủ Indonesia đã cho triển khai các biện pháp phong tỏa quy mô nhỏ, phân theo các khu vực “đỏ, vàng và xanh”. Trong đó, khu vực màu đỏ có nguy cơ cao nhất và bị áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.
Giới chức Indonesia ngày 9/7 đã áp lệnh hạn chế với 15 khu vực mới trên toàn quốc nhằm ngăn chặn hệ thống y tế trên đảo Java sụp đổ khi nguồn oxy điều trị tại các bệnh viện cạn kiệt dần. 4 trong 5 khu nghĩa trang dành riêng cho bệnh nhân Covid-19 tử vong tại thủ đô Jakarta đã gần kín chỗ.
Tính đến sáng 10/7, quốc gia này ghi nhận gần 2,5 triệu ca mắc với 64.631 người đã tử vong. Nhà chức trách đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng đại trà với gần 49,5 triệu liều vắc xin đã được tiêm, tương đương khoảng 5,4% người dân được tiêm đủ liều.
Tại Campuchia, dù nước này đã hoàn tất chiến dịch tiêm chủng ở Phnom Penh và bắt đầu mở rộng chương trình ra các tỉnh trên toàn quốc, chính quyền thủ đô vẫn quyết định ngưng mọi hoạt động và dịch vụ "nguy cơ cao", bao gồm cả các quán bar, karaoke, sàn nhảy, sòng bạc, công viên, bảo tàng, khu nghỉ dưỡng, rạp chiếu phim, trung tâm thể thao, ... thêm 14 ngày, kể từ 0h ngày 10/7. Các cuộc tụ họp riêng tư từ 15 người trở lên đều bị cấm.
Campuchia hiện là nước có tỷ lệ chủng ngừa vắc xin Covid-19 cho dân cao thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Theo báo Khmer Times, chính phủ nước này đặt mục tiêu hoàn thành tiêm phòng cho 10 triệu người trưởng thành vào tháng 11 năm nay và đến thời điểm hiện tại đã tiêm được hơn 3,5 triệu liều, tương đương khoảng 22% dân số được chủng ngừa đầy đủ. Tính đến sáng 10/7, Campuchia ghi nhận tổng cộng 59.045 ca mắc, trong đó 855 bệnh nhân đã thiệt mạng.
Đông Bắc Á nâng mức đối phó
Khu vực Đông Bắc Á cũng đang vật lộn đối phó với làn sóng lây nhiễm mới do sự hoành hành của biến thể Delta. Cả Nhật và Hàn Quốc đều cho tăng cường các biện pháp chống, nhưng đều cố gắng tránh triển khai phong tỏa diện rộng.
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga mới đây thông báo, sắc lệnh khẩn cấp mới sẽ có hiệu lực ở Tokyo từ ngày 12/7 - 22/8. Ông Suga giải thích, số người dương tính với SARS-CoV-2 ở thủ đô đang gia tăng và các biện pháp khẩn cấp, vốn ít nghiêm ngặt hơn lệnh phong tỏa toàn diện, sẽ giúp khống chế dịch cũng như giảm áp lực cho hệ thống bệnh viện đang vật lộn cung cấp đủ giường điều trị cho các bệnh nhân. Quyết định được đưa ra khi chỉ còn không đầy 3 tuần trước Thế vận hội Olympic Tokyo khai mạc.
Trong 24 giờ qua, Nhật ghi nhận thêm 2.264 ca mắc và 20 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên gần 814.000 người, bao gồm xấp xỉ 15.000 ca tử vong.
Tại Hàn Quốc, nhà chức trách cũng quyết định nâng các biện pháp hạn chế tại thủ đô Seoul lên mức cao nhất từ ngày 12/7, sau khi nước này ghi nhận thêm 1.316 ca mắc mới, trong đó 1.236 ca lây nhiễm trong nước. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ khi xứ sở kim chi ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào ngày 20/1 năm ngoái. Tổng số ca bệnh tại nước này hiện là 165.344, trong đó 2.036 ca đã tử vong
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 10/7 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 186,8 triệu người, trên 4 triệu ca tử vong. Song, hơn 170,8 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
- Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 34,7 triệu ca mắc và 622.667 bệnh nhân không qua khỏi.
- Chính phủ Hà Lan đã cho tái áp đặt các biện pháp hạn chế đối với các nhà hàng, câu lạc bộ đêm và lễ hội âm nhạc nhằm đối phó với số ca mắc Covid-19 tăng mạnh ở giới trẻ, chỉ khoảng 2 tuần sau khi nhà chức trách cho dỡ bỏ chúng hôm 26/6. Thủ tướng Mark Rutte cho biết, quyết định tái áp hạn chế sẽ có hiệu lực từ sáng 10/7 cho tới ngày 14/8.
- Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh châu Phi vừa trải qua tuần tàn khốc của đại dịch COVID-19, song cảnh báo đây chưa phải là tình hình tồi tệ nhất, khi làn sóng dịch thứ 3 đang lan rộng tại lục địa đen.
- Gladys Berejiklian, Thủ hiến bang New South Wales, Australia tuyên bố siết chặt các biện pháp phong tỏa từ ngày 9/7, khi làn sóng dịch mới đang càn quét bang này. Theo bà Berejiklian, chỉ khi số ca mắc mới trong cộng đồng giảm về 0, New South Wales mới dỡ bỏ những hạn chế trên.
- Chính phủ Fiji cho biết, nước này sẽ coi việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 là điều kiện bắt buộc đối với các công, viên chức và cả người lao động trong lĩnh vực tư nhân. Nhiều lao động có thể bị mất việc nếu không đáp ứng quy định này. Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Frank Bainimarama nhấn mạnh, mọi chủ thuê lao động và nhân viên trong lĩnh vực tư nhân cần phải tiêm ít nhất một liều vắc xin tính đến ngày 1/8, trong khi thời hạn đối với các công, viên chức là trước ngày 15/8.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()