Những dự báo về nắng nóng lịch sử bao trùm các khu vực của châu Á, châu Âu và Mỹ.
Tất cả chuyên mục
Sóng nhiệt hoành hành khắp thế giới cuối tuần qua, đe dọa phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ, làm bật lên hậu quả của tình trạng nóng lên toàn cầu.
Những dự báo về nắng nóng lịch sử bao trùm các khu vực của châu Á, châu Âu và Mỹ.
Tại Nhật Bản, nhà chức trách đã đưa ra cảnh báo say nắng đối với hàng chục triệu người thuộc 20 trong 47 quận của nước này khi nhiệt độ gần chạm mức cao kỷ lục, thiêu đốt các khu vực rộng lớn và mưa xối xả trút xuống những khu vực khác.
Đài truyền hình quốc gia NHK cảnh báo nắng nóng có thể đe dọa đến tính mạng, với nhiệt độ ở thủ đô Tokyo và một số nơi khác lên tới gần 40 độ C.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho hay nhiệt độ cao nhất từ trước tới nay tại nước này là 41,1 độ C, lần đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Kumagaya vào năm 2018. Tuy nhiên, kỷ lục này có thể sẽ bị phá vỡ.
Hôm 16/7, một số nơi phải đương đầu với nhiệt độ cao nhất trong hơn 4 thập kỷ, trong đó có thị trấn Hirono ở tỉnh Fukushima với mức nhiệt 37,3 độ C.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cảnh báo một đợt nắng nóng "lan rộng và ngột ngạt" ở các bang miền nam và miền tây dự kiến đạt đỉnh điểm, với hơn 80 triệu người bị ảnh hưởng.
Thung lũng Chết của California, một trong những nơi nóng nhất Trái Đất, cũng có khả năng ghi nhận kỷ lục mới, với nhiệt độ có thể vượt quá 54 độ C.
Nam California đang phải chiến đấu với nhiều đám cháy rừng, trong đó, một đám cháy ở quận Riverside đã thiêu rụi hơn 3.000 ha rừng và buộc chính quyền địa phương phải ra lệnh sơ tán.
Tại châu Âu, người dân Italy được khuyến cáo chuẩn bị cho "đợt nắng nóng gay gắt nhất của mùa hè và cũng là một trong những đợt nắng nóng khắc nghiệt nhất mọi thời đại".
Những dự đoán về mức nhiệt cao lịch sử trong những ngày tới khiến Bộ Y tế Italy đưa ra cảnh báo đỏ đối với 16 thành phố, trong đó có Rome, Bologna và Florence.
Nhiệt độ có thể lên tới 40 độ C ở Rome vào ngày 17/7 và 42-43 độ C vào ngày 18/7, phá vỡ kỷ lục 40,5 độ C được thiết lập vào tháng 8/2007.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu cảnh báo Sicily và Sardinia có thể phải hứng chịu nhiệt độ lên tới 48 độ C, "mức cao nhất từng được ghi nhận ở châu Âu".
Tại Vatican, 15.000 người đã bất chấp nhiệt độ oi bức để nghe Giáo hoàng Francis chủ trì một buổi cầu nguyện, sử dụng ô và quạt cầm tay để làm mát.
Thành cổ Acropolis ở Athens, một trong những điểm thu hút khách du lịch hàng đầu Hy Lạp, đã đóng cửa sang ngày thứ ba vì thời tiết nắng nóng.
Tại Romania, nhiệt độ dự kiến chạm mức 39 độ C vào ngày 17/7 trên hầu hết đất nước.
Ở Tây Ban Nha, cơ quan dự báo thời tiết cảnh báo một đợt sóng nhiệt mới sẽ tấn công nước này từ ngày 17/7 đến 19/7, khiến nhiệt độ tăng lên trên 40 độ C ở quần đảo Canary và khu vực miền nam Andalusia.
Ngoài nắng nóng, một số khu vực ở châu Á còn hứng chịu mưa xối xả.
Tại Hàn Quốc, lực lượng cứu hộ ngày 16/7 phải vật lộn để tiếp cận những người bị mắc kẹt trong một đường hầm ngập nước, sau khi mưa lớn kéo dài 4 ngày qua gây ra lũ lụt và lở đất khiến ít nhất 37 người thiệt mạng và 9 người mất tích.
Ở miền bắc Nhật Bản, một người đàn ông được tìm thấy đã chết trong chiếc ôtô bị ngập nước, một tuần sau khi 7 người thiệt mạng trong thời tiết tương tự ở phía tây nam nước này.
Ở miền bắc Ấn Độ, những cơn mưa gió mùa không ngừng đã giết chết ít nhất 90 người, sau cái nóng thiêu đốt. Lũ lụt và sạt lở đất xảy ra khá phổ biến trong các đợt gió mùa ở Ấn Độ, nhưng các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của chúng.
Trung Quốc ngày 16/7 đưa ra một số cảnh báo về nhiệt độ, với mức nhiệt dao động từ 40 đến 45 độ C ở vùng sa mạc Tân Cương và 39 độ C ở khu vực miền nam Quảng Tây.
Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry đã đến Trung Quốc để tái khởi động các cuộc đàm phán bị đình trệ giữa hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã xác định khí hậu là một lĩnh vực hợp tác tiềm năng với Bắc Kinh, bất chấp những căng thẳng ở các lĩnh vực khác.
Nhiều nhà khoa học nhấn mạnh hiện tượng nóng lên toàn cầu, liên quan đến tình trạng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, là nguyên nhân chính khiến các đợt nắng nóng ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn.
Ý kiến ()