Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:06 (GMT +7)
Song hành cùng doanh nghiệp phát triển
Thứ 5, 01/02/2024 | 15:51:29 [GMT +7] A A
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh có nhiều hoạt động thiết thực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Để giữ ổn định nền kinh tế trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo sát sao trong triển khai các hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã kịp thời triển khai nhiều chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hỗ trợ lãi suất vay bằng vốn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP (ngày 20/5/2022) của Chính phủ. Tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ giải quyết thủ tục về đầu tư và hỗ trợ triển khai các dự án, nhất là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó quan tâm công tác GPMB, cấp giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường, thủ tục PCCC… Các ngân hàng thương mại đã triển khai cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay với lãi suất ưu đãi; thực hiện các giải pháp giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ ngân hàng nhằm chia sẻ, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn…
Đặc biệt, năm 2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 155/NQ-HĐND (ngày 12/7/2023) về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững năm 2025. Nghị quyết đề ra 7 mục tiêu cụ thể và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế. Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, thể hiện sự quan tâm của tỉnh trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Hưởng lợi từ chính sách này, nhiều doanh nghiệp, HTX trong tỉnh rất phấn khởi trước sự quan tâm của tỉnh đã có những hỗ trợ kịp thời, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho doanh nghiệp, HTX vượt khó khăn, bắt kịp xu thế phát triển trong tình hình mới.
Bên cạnh triển khai các quyết sách, giai đoạn 2021-2023, cấp tỉnh đã tổ chức 11 hội nghị gặp mặt doanh nghiệp; định kỳ thứ 7 hằng tuần lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì tổ chức các phiên Cafe doanh nhân; các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên trực tiếp kiểm tra, đôn đốc thực địa dự án. Cùng với đó, các sở, ban, ngành, địa phương cũng thường xuyên triển khai các hội thảo, hội nghị gặp mặt, nắm bắt vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp theo các chuyên đề để tuyên truyền, hướng dẫn chính sách mới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, HTX. Riêng năm 2023, HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với đại diện doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tổ chức 2 phiên giải trình về tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân nguồn kinh phí sự nghiệp cho lĩnh vực y tế, giáo dục và công tác quản lý PCCC trên địa bàn. UBND tỉnh tổ chức 2 hội nghị gặp mặt doanh nhân lần thứ nhất và hội nghị chuyên đề về PCCC. Đến thời điểm này, Sở KH&ĐT đã tổng hợp được 97 kiến nghị, trong đó tất cả kiến nghị được chuyển tới các cơ quan liên quan giải quyết ngay sau tiếp nhận. Trong 97 kiến nghị, có 92 kiến nghị đã được các cơ quan giải quyết, 5 kiến nghị đã có nội dung trả lời.
Thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tiếp cận, tiếp xúc doanh nghiệp để kết nối, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó quan tâm ký kết quy chế phối hợp với một số huyện, thị xã, thành phố và sở, ban, ngành để tạo hành lang cho doanh nghiệp hoạt động... Nhờ đó, những khó khăn của doanh nghiệp, HTX trong các lĩnh vực cơ bản được tháo gỡ, nhất là khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai, gia hạn thực hiện dự án, quy hoạch; PCCC&CNCH; vay vốn ngân hàng duy trì sản xuất; đào tạo truyển dụng lao động...
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, các ngành, đơn vị, địa phương trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, năm 2023 toàn tỉnh có 2.731 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 34.196 tỷ đồng, tăng 3,7% về số doanh nghiệp thành lập mới và tăng 38,8% về vốn đăng ký so với năm 2022. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 17.200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, vốn đăng ký đạt 361.026 tỷ đồng.
Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh ngày 29/1 vừa qua, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Năm 2024, thực hiện chủ đề công tác “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển bền vững doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, trên quan điểm lấy đầu tư công để thúc đẩy, kích hoạt các nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội, thúc đẩy hợp tác công - tư, nội lực là cơ bản, chiến lược - ngoại lực là quan trọng, đột phá; triết lý phát triển bền vững với 4 trụ cột là kinh tế - xã hội - môi trường - an ninh; dựa vào thiên nhiên, con người và văn hóa, kết hợp với xu thế hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ truyền thống, sức mạnh “Kỷ luật và Đồng tâm” gắn với vùng đất mỏ sẽ tạo nên những bản sắc văn hóa riêng của doanh nghiệp, trở thành thương hiệu riêng có của Quảng Ninh. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, HTX, hộ kinh doanh cùng tỉnh tạo đột phá trong phát triển doanh nghiệp. Trong đó, phấn đấu năm 2024 phát triển thêm hơn 2.000 doanh nghiệp mới, để toàn tỉnh có 20.000 doanh nghiệp.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()