Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:16 (GMT +7)
Sống chung với virus: Kinh nghiệm 'lạ' của Italia, Đức, Đan Mạch
Chủ nhật, 19/09/2021 | 15:28:48 [GMT +7] A A
Sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch, nhiều nước đã rút ra được những bài học tốt, trong đó có bài học đáng giá nhất là sống chung với Covid.
Rất nhiều biện pháp khác nhau đã được thực hiện như xét nghiệm nhanh, xét nghiệm PCR, cách ly, phong tỏa, rửa tay, khẩu trang, khoảng cách, tiêm chủng, cấm tụ tập đông người... Nhưng để sống chung được với dịch thì lại phải có những điều kiện nhất định. Tuần Việt Nam giới thiệu bài tổng hợp trích dịch từ các báo của Đức về câu chuyện này để bạn đọc tham khảo.
Italia áp dụng thẻ xanh
Từ 15/10, Italia sẽ là nước đầu tiên trong EU áp dụng rộng rãi thẻ xanh. Theo đó, người làm việc trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp tư nhân từ ngày 15/10 tới, căn cứ nghị quyết của Chính phủ, đều phải có thẻ xanh mới có thể đi làm.
Thẻ xanh này là chứng nhận đã tiêm vắc xin ít nhất 1 mũi hoặc đã khỏi bệnh hoặc có xét nghiệm âm tính. Ai không có thẻ xanh mà vẫn đi làm sẽ bị phạt từ 40-1.000 euro.
Thực ra trong thời gian qua đã có sự vận dụng thẻ xanh ở mức độ khác nhau trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở Italia. Ví dụ, từ tháng 5, nước này đã áp dụng nghĩa vụ phải tiêm chủng cho người làm việc trong ngành y tế. Ai chưa tiêm sẽ phải chuyển sang làm việc khác không tiếp xúc với bệnh nhân hoặc tạm dừng làm việc không lương do không bố trí được việc làm thích hợp.
Từ đầu tháng 8, thẻ xanh cũng được sử dụng để vào bảo tàng, cơ sở thẩm mỹ, nhà hàng và từ đầu tháng 9 để đi tàu hỏa, tàu thủy, xe khách đường dài.
Bắt đầu từ năm học mới, Italia cũng áp dụng thẻ xanh cho đội ngũ giáo viên, nhân viên phục vụ và học sinh, sinh viên.
Thủ tướng Draghi cùng Chính phủ liên minh cương quyết thực hiện chống lại làn sóng thứ 4 của đại dịch theo phương châm “nhiều hơn chút so với sự cần thiết“. Ông dự tính sẽ đưa vào áp dụng nghĩa vụ tiêm chủng cho mọi người từ 12 tuổi trở lên nếu đến cuối tháng 10 không đạt được tỷ lệ hơn 90% người trong độ tuổi này được tiêm. Đến ngày 15/9, Italia đã có 76% dân số trên 12 tuổi tiêm 2 mũi, 82% tiêm 1 mũi và theo số liệu ước đoán cả nước có khoảng 4,5 triệu người làm việc chưa có thẻ xanh.
Cũng cần lưu ý là kể từ ngày 31/1/2020, Italia đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch và đã gia hạn tình trạng khẩn cấp này nhiều lần. Lần gần đây nhất là tiếp tục gia hạn đến 31/12/2021.
Tất nhiên, trong xã hội vẫn có sự phản đối các biện pháp hạn chế này. Từ hơn 2 tháng nay, cứ thứ 7 hàng tuần lại có biểu tình phản đối thẻ xanh ở các thành phố lớn nhưng quy mô không bằng ở Pháp.
Tuy nhiên, theo số liệu điều tra xã hội học, khoảng 4/5 người được hỏi ủng hộ thẻ xanh và cũng có một tỷ lệ cao ủng hộ áp dụng nghĩa vụ tiêm chủng trong cả nước.
Quy tắc 3G trên toàn nước Đức
3G là viết tắt của 3 chữ Geimpfte (người đã tiêm chủng), Genesene (người đã khỏi bệnh) và negativ Getestete (người đã xét nghiệm có kết quả âm tính).
Theo quyết định của Chính phủ Liên bang sau khi thống nhất với các bang, từ ngày 23/8 áp dụng trên toàn nước Đức quy tắc 3G cho tiếp cận bệnh viện, nhà dưỡng lão, thẩm mỹ viện, cơ sở hỗ trợ người tàn tật, hiệu cắt tóc, khách sạn, nhà hàng và các cuộc tụ tập đông người như hội họp, thể thao trong nhà như bể bơi, phòng tập gym... Căn cứ vào quy tắc 3G, từng bang tự quyết định mức độ cụ thể của các biện pháp phòng, chống dịch.
Đồng thời, Đức vẫn áp dụng quy tắc AHA + L: Giữ khoảng cách, rửa tay, đeo khẩu trang và thông gió trong nhà.
Từ ngày 7/9, số lượng người bệnh tại các bệnh viện là thước đo cơ bản cho các biện pháp phòng, chống dịch. Đây là sự thay đổi cơ bản của luật Bảo vệ phòng chống dịch bệnh. Số lượng người nhiễm bệnh mới tính trên 100.000 dân trong 7 ngày, số lượng giường điều trị tích cực và số lượng người đã tiêm chủng cũng cần được coi là các tiêu chí quan trọng trong việc đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch.
Đặc biệt, 14/16 bang sẽ áp dụng quy định thống nhất là học sinh nhiễm bệnh và chỉ học sinh ngồi cạnh trực tiếp sẽ phải cách ly. Sau 5 ngày nếu không có triệu chứng gì thì có thể cho xét nghiệm.
Cũng cần lưu ý thêm về quy định là từ ngày 11/10 sẽ chấm dứt việc xét nghiệm miễn phí cho người dân. Lập luận cơ bản cho quy định này là suốt một thời gian dài đã thực hiện việc xét nghiệm miễn phí và qua đó đã góp phần đáng kể vào phòng, chống dịch. Giờ đây, khi Chính phủ đã lo đủ vắc xin cho tiêm chủng toàn dân thì không còn cần lãng phí tiền đóng thuế của dân vào việc xét nghiệm miễn phí như trước đây nữa.
Tất nhiên vẫn có ngoại lệ đối với những người không thể tiêm chủng được, như phụ nữ có thai, trẻ em và người dưới 18 tuổi. Những người này vẫn được xét nghiệm miễn phí.
Đan Mạch xóa mọi hạn chế về dịch
Từ tháng 9, Đan Mạch đã xóa bỏ mọi quy định, biện pháp có tính hạn chế ban hành trước đây.
Có thể nói đây là kết quả của cả một quá trình phòng, chống dịch. Ngay từ đầu năm nay, học sinh đã được quay lại trường. Rồi sau đó, nhà hàng, quán bar được phục vụ các vị khách có chứng nhận đã tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh hoặc đã xét nghiệm âm tính. Kế đến là cho phép mở cửa trở lại rạp chiếu phim, nhà hát, thẩm mỹ viện. Làm việc tại nhà dần bị bãi bỏ và tiếp theo là bỏ đeo khẩu trang bắt buộc.
Và giờ đây, Đan Mạch bãi bỏ toàn bộ các biện pháp còn lại - một điều đáng ngạc nhiên so với nhiều nước khác. Corona không còn bị coi là một “bệnh xã hội". Nếu coi là bệnh xã hội thì sẽ tạo điều kiện cho việc đưa ra các quy định nhất định, ví dụ như nghĩa vụ đeo khẩu trang, cấm tụ tập đông người...
Hiện tại, mọi người hoàn toàn vô tư đi xem bóng đá, đi quán bar, sàn nhảy mà không cần đến thẻ xanh nữa. Bà Lone Simosen, chuyên gia nghiên cứu về dịch bệnh tại Đại học Roskilde cho rằng: Dịch không hoàn toàn biến mất, nhưng chúng tôi có thể khống chế dịch. Chúng tôi chưa thể chấm dứt việc lây lan virus, nhưng đã có thể khống chế số người nhập viện và số người chết vì dịch.
Lý do chủ yếu là tỷ lệ tiêm chủng cao tại Đan Mạch. Hơn 96% người trên 60 tuổi đã được tiêm chủng. Nước này có 350.000 người nhiễm bệnh, gần 2.600 có bệnh nền đã chết trong đại dịch. Với số dân là 5,8 triệu người, Đan Mạch là nước có tỷ lệ xét nghiệm khá cao: hơn 40 triệu lần xét nghiệm nhanh và PCR.
Từ kinh nghiệm của 3 nước có thể thấy:
- Biện pháp quan trọng nhất là tiêm vắc xin. Tỷ lệ người dân được tiêm chủng cao là điều kiện quyết định để tạo miễn dịch cộng đồng, sống chung với Covid-19, để xóa bỏ nhiều hạn chế đối với đời sống người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Các tiêu chí dựa vào đó để quyết định mức độ mở cửa, tức là mức độ các biện pháp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tỷ lệ tiêm chủng là yếu tố quyết định. Tiêu chí số lượng người nhiễm bệnh mới (tính theo ngày hoặc theo tỷ lệ trên 100.000 người trong 1 tuần...) không còn giữ vai trò quyết định nữa. Nhiều nước đã lấy tiêu chí người nhập viện, số giường bệnh tích cực, số người chết là những tiêu chí mới, quan trọng trong việc đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()