Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:51 (GMT +7)
Sống chung an toàn với Covid-19
Thứ 2, 15/05/2023 | 10:39:48 [GMT +7] A A
Sau gần 3 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, tác động tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu, nặng nề về tính mạng con người, tài sản, phát triển kinh tế - xã hội của hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thì đến nay đại dịch này đã chính thức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Ủy ban Khẩn cấp của WHO lần đầu ban bố mức cảnh báo cao nhất về Covid-19 là vào ngày 30/1/2020, khoảng 6 tuần trước khi WHO bắt đầu sử dụng từ đại dịch để gọi Covid-19. Việc này giúp nâng cao sự chú ý của quốc tế đối với mối đe dọa y tế chung và tăng cường sự hợp tác về vắc xin cũng như các phương pháp điều trị.
Việc WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu có nhiều lý do như: Ủy ban Khẩn cấp về Covid-19 của WHO đã đưa ra những bằng chứng rằng Covid-19 đã giảm rủi ro đối với sức khỏe con người chủ yếu là nhờ khả năng miễn dịch từ nhiễm bệnh và tỉ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên toàn cầu ngày càng cao. Cùng với đó, độc lực của vi rút gây bệnh cũng có sự ổn định tương đối, kể cả với các biến thể phụ đang lưu hành của Omicron và các biến thể phụ trước đó. Dù vi rút SARS-CoV-2 có tiếp tục tiến hóa với các biến thể nhưng nó không liên quan đến mức độ nghiêm trọng và không gây ra yếu tố bất ngờ. Ngoài ra, tỷ lệ nhập viện và tử vong có chiều hướng giảm, không còn gây căng thẳng cho các hệ thống y tế như trước. Đặc biệt là sự cải thiện tình trạng bệnh của ca lâm sàng, cải thiện việc quản lý ca bệnh lâm sàng… Những yếu tố này đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ nhập viện và tử vong do Covid-19.
Theo số liệu của WHO, hơn 765 triệu ca nhiễm Covid-19 đã được ghi nhận từ đầu đại dịch và gần 7 triệu người tử vong. Châu Âu có số ca nhiễm lớn nhất nhưng châu Mỹ có số tử vong cao nhất. Số ca tử vong tại Mỹ chiếm khoảng 1/6 toàn cầu. Số ca nhiễm đạt đỉnh vào tháng 12/2022 khi biến thể Omicron càn quét khắp các châu lục, đặc biệt là tại Tây Thái Bình Dương. Hàng tỉ liều vắc xin đã được tiêm trên toàn cầu và số tử vong đang ở mức rất thấp so với các đợt đỉnh.
Còn đối với Việt Nam, kể từ đầu dịch đến nay nước ta ghi nhận gần 11.600.000 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.120 ca nhiễm). Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là trên 43.201 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN). Việt Nam cũng là nước triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sớm, tỷ lệ tiêm cao với tổng số liều vắc xin đã được tiêm là trên 266,3 triệu liều.
Theo các chuyên gia y tế, mặc dù WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng điều đó không có nghĩa Covid-19 không còn, chấm dứt hoặc chỉ là bệnh cúm thông thường mà chúng ta không có hành động gì. Thực tế những ngày qua cho thấy, tại Việt Nam số ca ghi nhận mỗi ngày từ 1.500 đến gần 3.000 ca. Như ngày 13/5, cả nước ghi nhận 1.738 ca mắc Covid-19 mới; ngày 12/5 có 2.439 ca mắc mới; ngày 11/5 có 2.823 ca mắc mới… Hiện số ca mắc mới Covid-19 ở Việt Nam có xu hướng tăng, tuy nhiên tình hình dịch vẫn được kiểm soát, đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế. Những trường hợp nặng và tử vong phần lớn vẫn là người có bệnh nền, người già, người chưa tiêm chủng, người suy giảm miễn dịch... Những trường hợp này bệnh có thể diễn biến nặng nếu nhiễm các vi rút gây bệnh truyền nhiễm khác như cúm chứ không riêng gì với Covid-19.
Việc Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu là một thông tin hết sức vui mừng, thế nhưng thực tế dịch bệnh này vẫn tiềm ẩn những nguy cơ đòi hỏi chúng ta phải thích ứng linh hoạt, sống chung an toàn với Covid-19, trong đó việc đánh giá nguy cơ, đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp là vô cùng quan trọng. Điều này giúp kiểm soát tốt, không bất ngờ trước diễn biến của dịch, sẵn sàng ứng phó phù hợp theo từng mức độ, kiểm soát dịch một cách bền vững, qua đó đảm bảo chăm sóc tốt nhất sức khoẻ cho người dân.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()