Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:32 (GMT +7)
Sơn Tùng M-TP đang mất hào quang?
Thứ 4, 13/03/2024 | 10:14:38 [GMT +7] A A
Sau liên tiếp 2 single hoàn toàn bằng tiếng Anh theo đuổi chất nhạc Âu Mỹ, Sơn Tùng quay trở lại với một ca khúc tiếng Việt màu sắc quen thuộc như trước đây.
Sơn Tùng M-TP từ lâu đã là một cái tên bảo chứng cho sức nóng khi phát hành sản phẩm âm nhạc tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong 2 năm liên tiếp, anh phát hành các single hoàn toàn bằng tiếng Anh nhằm mục đích tấn công thị trường nước ngoài nhiều hơn. Anh thậm chí còn không phát hành MV để tập trung vào nền tảng streaming, nhưng chưa thu lại được những thành tựu đáng kể. Điều đó khiến cho phần nào mức độ quan tâm của khán giả trong nước đối với nam ca sĩ cũng giảm sút.
Trong lần trở lại năm 2024 này, Sơn Tùng đã về lại với cách tiếp cận quen thuộc với người yêu nhạc trong nước: phát hành một ca khúc R&B không quá xa lạ, quảng bá cùng một MV có cốt truyện. Khán giả từng yêu mến âm nhạc của Sơn Tùng trước đây sẽ thấy nhiều điểm quen thuộc, gần gũi trong ca khúc này.
Sơn Tùng khi không còn hợp tác với Onionn
Đối với những người hâm mộ Sơn Tùng M-TP lâu năm, Chúng ta của tương lai không hẳn là ca khúc quá mới. Trước đây, trong một buổi livestream, Onionn đã giới thiệu một đoạn ngắn ca khúc này với một bản phối hoàn toàn khác, mang đậm màu sắc house, điện tử.
Tuy nhiên, trong phiên bản chính thức cho Chúng ta của tương lai, đội ngũ sản xuất của M-TP Talent cùng Sơn Tùng quyết định lựa chọn chất liệu R&B quen thuộc. Nó phần nào tương đồng với những ca khúc có tiết tấu chậm giai đoạn trước đây của Sơn Tùng như Chúng ta của hiện tại, Muộn rồi mà sao còn. Xét trong vai trò là ca khúc nối tiếp Chúng ta của hiện tại, ca khúc này đã làm tốt vai trò của mình.
Vẫn là cách phối khí quen thuộc của R&B với những nhịp drum, kick được rải xuyên suốt từ đầu đến cuối, Chúng ta của tương lai không tỏ ra quá hào nhoáng. Nó được giữ ở mức tối giản nhất có thể để đẩy bật lên sáng tác khá chất lượng của Sơn Tùng. Phong cách sáng tác của Sơn Tùng ở đây vẫn không lẫn đi đâu với những mô tả đơn giản, phác thảo một câu chuyện nhẹ nhàng, để sự tập trung của khán giả dồn vào phần giai điệu dễ nghe, dễ nhớ - vốn là điểm mạnh nhất của nam ca sĩ.
Phần chorus của Sơn Tùng lần này không lặp đi lặp lại một câu hát giống nhau như cách Chúng ta của hiện tại hay Muộn rồi mà sao còn đã làm, tuy nhiên trong các câu hát thì phần giai điệu vẫn có sự tương đồng. Đây là một nước đi khá thông minh của Sơn Tùng khi một mặt, anh vẫn đảm bảo được sự dễ nhớ của đoạn hook với người nghe; mặt khác nó giúp bài hát không bị quá đơn điệu khi phần phối khí ở đây đã được giữ ở mức tối giản. Giữa bài, Sơn Tùng cài thêm một đoạn rap cũng khá quen thuộc với người nghe từ thời Muộn rồi mà sao còn. Anh cũng thực hiện phân đoạn này khá ổn.
Tuy nhiên, nếu để so sánh với những ca khúc trước do Onionn sản xuất, Chúng ta của tương lai tỏ ra hơi đơn giản quá mức. Đây là một ca khúc ổn về mặt sáng tác và an toàn, không có gì để chê trách quá nhiều trong mặt sản xuất. Tuy nhiên, nếu để so với tiếng kèn saxophone khá đột phá của Chúng ta của hiện tại, hay sound rực sáng cùng hook viral mạnh mẽ trong Có chắc yêu là đây, Chúng ta của tương lai thiếu một chút điểm nhấn khi không có âm thanh nào đủ ấn tượng hay đoạn hook cũng chưa bùng nổ. Danh tính producer cho ca khúc này cũng không được công khai cụ thể, mà chỉ được Sơn Tùng credit là M-TP Talent team. Ca khúc vẫn thuộc nhóm chất lượng trên thị trường, nhưng so với kỳ vọng của khán giả dành cho một trong những nghệ sĩ lớn nhất Vpop hiện tại, hụt hẫng là điều khó tránh khỏi.
Khác biệt ở đâu?
Sau 2 single tiếng Anh không tạo được sức ảnh hưởng lớn với công chúng, nhiều người tỏ ra nghi ngờ vào vị thế của Sơn Tùng M-TP trên thị trường. Đặc biệt, There’s no one at all còn vướng phải lùm xùm. Tuy nhiên, xét về mặt thành tích, Making my way vẫn có thể coi là thành công khi vào thời điểm ra mắt, sản phẩm dẫn đầu một số bảng xếp hạng trong nước, lượt stream trên các nền tảng trực tuyến vẫn là một con số đáng mơ ước với nghệ sĩ Việt (dẫu không phải quá cao so với Sơn Tùng). Điều đó chứng tỏ, Sơn Tùng đã xây dựng được đội ngũ người hâm mộ khá đông đảo và trung thành.
Lần trở lại này, như đã nắm rõ thế mạnh của bản thân cũng như đã lượng sức mình hơn, Sơn Tùng không cố gắng tấn công thị trường quốc tế. Anh phát hành ca khúc hoàn toàn bằng tiếng Việt, sử dụng chất nhạc đã làm nên thành công của anh tại thị trường trong nước. Những điểm mạnh trong mặt sáng tác, sản xuất của anh vẫn được giữ nguyên như trước đây.
Đặc biệt, khi Vpop hiện tại có thêm những ca sĩ theo đuổi R&B/hiphop với các bản phối thiên điện tử như Sơn Tùng, anh vẫn cho thấy đẳng cấp của mình có sự khác biệt. Trong Chúng ta của tương lai, khi bản phối có một sự chậm rãi từ tốn nhất định, Sơn Tùng hát chắc nốt và rõ lời. Anh cho thấy khả năng kiểm soát bài hát rất vững, những chữ quan trọng như chữ cuối câu, hay phần điệp khúc anh đều hát rõ, nổi bật. Hay cả phần dựng background vocal, người nghe cũng thấy Sơn Tùng rất đầu tư khi luôn có một phần bè khá phức tạp đi xuyên suốt từ đầu bài đến cuối bài, hỗ trợ cho giọng hát. Đây là điểm khác biệt giữa Sơn Tùng và các nghệ sĩ trẻ, khi anh sở hữu kinh nghiệm thể hiện R&B/hiphop nhiều năm và biết cách làm thế nào để một bản thu nghe dày dặn, chắc chắn nhất có thể.
Chúng ta của tương lai dẫu không đạt được những số liệu “khủng” như chính bản thân Sơn Tùng M-TP cách đây vài năm, nhưng đang ở vị trí dẫn đầu với hơn 16 triệu lượt xem sau 5 ngày. Ca khúc có phần an toàn, quen thuộc, nhưng Sơn Tùng cũng đang rất cần củng cố vị thế của mình trên thị trường. Tuy nhiên, để chứng minh cách phát hành single đơn lẻ, đứng ngoài trào lưu làm EP, album của Sơn Tùng vẫn đứng vững trước sự chuyển mình sang streaming của thị trường, cần thêm thời gian để xem Chúng ta của tương lai có phải là nước đi hiệu quả hay không.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()