Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:56 (GMT +7)
Sơn La trồng thành công “quốc bảo” sâm Ngọc Linh
Thứ 5, 09/12/2021 | 22:31:22 [GMT +7] A A
Sâm Ngọc Linh, một loại dược liệu quý được coi là cây “quốc bảo” trồng nhiều tại 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Không ít người đã đầu tư tiền của để mang loại dược liệu quý này trồng tại các tỉnh nhưng đều thất bại. Vậy mà tại Sơn La, loại dược liệu quý này đã được trồng thành công không chỉ bằng cây giống mà còn thành công bằng gieo từ hạt.
Câu chuyện trồng thành công cây sâm Ngọc Linh ở Sơn La, đặc biệt là gieo trồng được bằng hạt đang là chủ đề bàn thảo của nhiều người. Bởi khi nhắc tới cây sâm Ngọc Linh, nó như một thứ xa xỉ và quá cao xa với nhiều người khi mà giá trị kinh tế của mỗi kg loại dược liệu này khá lớn, không phải ai cũng dám bỏ tiền ra để mua về dùng hoặc đầu tư tiền của để trồng ở những vùng đất chưa từng có ai thử nghiệm.
Ăn rừng, ngủ rừng để học cách trồng
Khu trồng sâm Ngọc Linh được nhắc tới nằm dưới những tán rừng già tại bản Sam Ta, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn. Đây là khu trồng sâm Ngọc Linh với đủ các loại cây từ 2 đến 7 năm tuổi. Tuy nhiên, để có được một khu trồng sâm Ngọc Linh thành công như này, ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Thành Long (thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã phải mất hơn 10 năm lang thang khắp các cánh rừng già hay những vườn sâm giống gốc trên tít rừng sâu Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam để học cách trồng, chăm sóc.
Nhớ lại những ngày ăn rừng, ngủ rừng để học kỹ thuật trồng và tìm hiểu về cây sâm Ngọc Linh, ông Nguyễn Chí Long nói: Cách đây 15 năm, tình cờ trong một lần ngồi trò chuyện cùng một đồng đội về cây sâm Ngọc Linh và tôi đã bị cuốn hút bởi loại dược liệu này. Đặc biệt là sau khi mua về cho người thân trong gia đình và bản thân dùng càng thêm quyết tâm hơn bởi giá trị của loại thảo dược này rất tốt cho sức khỏe.
Ông Long chia sẻ thêm: Lúc đó nghĩ, tại sao vùng Sơn La có đầy đủ các yếu tố về khí hậu, độ cao… cho cây Sâm Ngọc Linh sinh trưởng mà lại bỏ phí đi như vậy. Thế là tôi đã quyết tâm học hỏi và mang về trồng ở Sơn La. Sau đó, nhiều năm liên tục tôi đã lang thang khắp các cánh rừng trồng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam. Sau này, lại tiếp tục ăn rừng, ngủ rừng khắp các cánh rừng già thuộc các xã vùng cao của Sơn La để trồng thử nghiệm từ hạt giống cho đến các cây giống từ 1 đến 3 năm tuổi...
Nhiều năm liên tục, những ai biết được kế hoạch trồng sâm Ngọc Linh của ông Long, ai nấy cũng đều lắc đầu cười và không tin loại cây dược liệu quý được coi là cây “quốc bảo” của Việt Nam lại có thể trồng được thành công trên vùng đất Sơn La, đặc biệt lại còn gieo trồng bằng hạt. Bởi để cây sâm Ngọc Linh sống được ở vùng đất Sơn La, ngoài việc đòi hỏi kỹ thuật, công chăm sóc thì vấn đề vốn đầu tư và thời gian cũng là câu chuyện đáng để nghĩ tới mà không phải ai cũng dám đầu tư.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, thông tin: Thời điểm tôi còn đang là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, khi đó nghe doanh nghiệp trình bày về kế hoạch trồng sâm Ngọc Linh cũng thấy bất ngờ. Bởi không phải doanh nghiệp nào ở vùng Tây Bắc này cũng dám đầu tư vào loại cây dược liệu khó trồng này. Trồng sâm Ngọc Linh bằng hạt thì ít nhất cũng phải 8 năm mới cho thu hoạch củ, thậm chí là 10 năm và chưa biết chất lượng củ khi đó có bảo đảm không. Trong khi việc trồng sâm Ngọc Linh như vậy chính là một sự đánh đổi đầy mạo hiểm.
Thành quả và hướng mở trong tương lai
Tiếp tục bỏ ngoài tai và chỉ cười trừ trước những lời khuyên can thực tâm của mọi người, suốt từ năm 2009, ông Nguyễn Thành Long đã mua hàng nghìn cây giống từ 1 đến 3 năm tuổi “lặng lẽ” mang lên các cánh rừng già của Sơn La trồng để có cơ sở đánh giá.
Những ngày lang thang, ăn ngủ khắp các cánh rừng để trồng thử cây giống từ huyện biên giới Sông Mã, Sốp Cộp hay vùng cao Bắc Yên, Thuận Châu..., cuối cùng ông Nguyễn Chí Long đã dừng chân ở bản vùng cao Sam Ta của huyện Mai Sơn để thử sức với cây sâm Ngọc Linh khi gieo trồng thành công bằng hạt giống với tỷ lệ hạt nảy mầm và phát triển tốt đạt trên 90%.
Bản Sam Ta là một bản vùng cao, nằm cheo leo trên những đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ với điểm cao nhất là 2.000 m so với mặt nước biển. Tuy nhiên, số lượng hàng nghìn cây giống đã cất công mang từ tận Quảng Nam về trồng trước đó tại các cánh rừng của Sơn La cũng chỉ còn lại gần 200 cây. Bởi do trồng trong rừng không ai trông coi lên bị nhổ trộm.
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, cho biết: Đến thời điểm này có thể khẳng định cây sâm Ngọc Linh trồng được ở Sơn La. Như cây gần 2 năm tuổi nhổ lên đã cho củ bằng nửa ngón tay cái. Hiện tại doanh nghiệp đang có gần 10.000 cây sâm Ngọc Linh được gieo bằng hạt từ tháng 11/2019 và trồng bằng cây giống giờ đã có độ tuổi từ 2 đến 7 năm tuổi.
Về mẫu trồng bằng cây giống và củ gieo bằng hạt gửi về Viện Dược liệu, Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ dược liệu được đánh giá chất lượng rất tốt, bảo đảm đủ các tiêu chuẩn của sâm Ngọc Linh khi hàm lượng, định lượng trong củ sâm trồng ở Sơn La ngang với sâm Việt Nam.
Sơn La là một trong những tỉnh của vùng Tây Bắc có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp cho sự phát triển của nhiều loại cây dược liệu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc trồng cây dược liệu chủ yếu mang tính tự phát, theo hình thức cá thể, sản xuất bằng kinh nghiệm và chưa theo định hướng cụ thể... dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế, chưa bắt kịp được với nhu cầu thị trường.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết thêm: Tỉnh Sơn La luôn khuyến khích và ủng hộ các tập thể, cá nhân phát triển các vùng trồng cây dược liệu, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh. Trên cơ sở kết quả đánh giá, khảo nghiệm từ phía các cơ quan chuyên môn, tỉnh Sơn La sẽ đề xuất nhân rộng mô hình trồng sâm Ngọc Linh này theo quy mô lớn. Đồng thời, sẽ giao cho các cơ quan chuyên môn chuẩn bị các thủ tục theo đúng quy định để tiến tới xây dựng thương hiệu cũng như chỉ dẫn địa lý cho củ sâm Ngọc Linh trồng tại Sơn La.
Với kết quả đánh giá chất lượng sâm Ngọc Linh trồng ở Sơn La ngang như sâm Việt Nam sẽ là cơ sở để Sơn La đưa cây sâm Ngọc Linh thành cây trồng mà người dân các xã vùng cao khó khăn của Sơn La có thể dựa vào đó để nâng cao thu nhập. Trước mắt tại bản Sam Ta, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ miễn phí cho các hộ trong bản cây giống 1 năm tuổi để trồng. Đồng thời, tỉnh Sơn La sẽ tiến tới việc tăng diện tích và nhân rộng mô hình này, giúp đồng bào các dân tộc vùng cao làm giàu từ trồng cây dược liệu nói chung, cây sâm Ngọc Linh nói riêng.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()