Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:48 (GMT +7)
Sớm tháo gỡ khó khăn cho người nuôi trồng thủy sản ở Vân Đồn
Thứ 7, 21/09/2024 | 08:27:03 [GMT +7] A A
Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất nặng nề cho người nuôi trồng thủy sản (NTTS) của huyện Vân Đồn. Nhiều người gần như mất trắng toàn bộ tài sản sau bao năm tích cóp, đang đứng trước khó khăn không thể trả nợ gốc và lãi ngân hàng. Đây là bài toán đặt ra cho các cấp, các ngành cần sớm triển khai các gói hỗ trợ, khoanh nợ, giãn nợ và cho vay mới với lãi suất thấp, đảm bảo cho người NTTS có thể vực dậy trong thời gian ngắn nhất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương.
Theo ước tính, cơn bão số 3, đã gây thiệt hại khoảng 32.112 tấn thủy sản trên địa bàn huyện Vân Đồn đến kỳ thu hoạch (hàu 25.638 tấn, cá 636 tấn, hải sản khác 5.840 tấn); ngoài ra, còn gây thiệt hại cho 2.000ha hàu và 3.500 ô lồng nuôi cá mới thả giống. Tổng thiệt hại dự kiến đối với NTTS của người dân trên địa bàn huyện Vân Đồn trên 2.200 tỷ đồng.
Gia đình anh Phạm Văn Long, thị trấn Cái Rồng có 200 ô lồng nuôi cá lồng bè đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch. Cơn bão số 3 đổ bộ đã khiến cho gần 100 ô lồng nuôi cá của gia đình anh bị sóng, gió đánh vỡ, toàn bộ số lượng cá trong những ô lồng này thoát ra biển.
Anh Long chia sẻ: Mỗi ô lồng của gia đình tôi thả nuôi 150 con cá song, thời điểm bão vào, lượng cá trong mỗi ô lồng tương đương khoảng 9 tạ. Gần 100 ô lồng của gia đình bị mất trắng, tương đương khoảng 90 tấn cá song, giá trị thiệt hại ước tính khoảng trên 20 tỷ đồng. Những ô lồng còn lại không bị sóng, gió đánh tan thì cá cũng bị sóng đánh trầy xước vảy, để lâu sẽ chết. Gia đình đành phải bán vội với giá thành rẻ để gỡ lại phần nào.
Cùng cảnh ngộ với gia đình anh Long, gia đình anh Từ Văn Tiến, thị trấn Cái Rồng có 5 giàn nuôi hàu sữa và 100 ô lồng nuôi cá song đang trong chu kỳ thu hoạch cũng bị bão số 3 đánh tan, tổng giá trị sản phẩm nuôi trồng thiệt hại ước trên 21 tỷ đồng. Anh Tiến, cho biết: Toàn bộ tài sản trên đất liền của gia đình đã được cầm cố vay ngân hàng để có vốn NTTS, cơn bão số 3 đã lấy đi toàn bộ, khiến gia đình chúng tôi đứng trước nguy cơ không trả được nợ và lãi ngân hàng, giờ không biết phải giải quyết thế nào.
Bão số 3 đã gây thiệt hại rất nặng nề cho người NTTS trên địa bàn huyện Vân Đồn. Điều quan trọng vào lúc này, người NTTS mong muốn đó là các cấp, các ngành cần có cơ chế, chính sách khoanh nợ, hoãn, giãn thu nộp lãi suất ngân hàng và cho vay mới với lãi suất thấp nhất; đồng thời vận dụng các chính sách của trung ương, tỉnh để hỗ trợ một phần thiệt hại cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Thìn, HTX NTTS Vân Hải, cho biết: Người dân Vân Đồn bao đời nay bám biển, sống vì biển, làm giàu từ biển. Cơn bão số 3 với sức tàn phá khủng khiếp đã đẩy nhiều người NTTS tại đây vào cảnh trắng tay. Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng hết sức để vực dậy, từng bước tháo gỡ khó khăn, tuy nhiên, để làm được điều đó, người dân chúng tôi rất cần sự chung tay hỗ trợ sớm của các cấp, các ngành, tạo điều kiện để chúng tôi được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi mới, lãi suất thấp, thậm chí lãi suất 0 đồng.
Trước những mất mát của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và đối với người NTTS nói riêng, được biết, tại Kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề) tới đây, HĐND tỉnh sẽ xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra. Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại khoanh nợ, hoãn, giãn nộp lãi suất ngân hàng, tiền thuế và triển khai các gói vay mới ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão.
Ông Trần Văn Thiên, HTX hàu sữa Vân Đồn, cho biết: Được biết, thông tin HĐND tỉnh tới đây sẽ họp bàn và xem xét về các chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão số 3, người dân trên địa bàn huyện Vân Đồn rất vui mừng, phấn khởi và mong ngóng sớm được đón nhận những dòng vốn hỗ trợ này, nhất là đối với những hộ NTTS. Khi dòng vốn hỗ trợ này được triển khai cùng với vốn vay mới từ ngân hàng, chúng tôi quyết tâm, đồng lòng sẽ khôi phục lại nghề nuôi biển ở Vân Đồn một cách bền vững hơn.
Sớm khôi phục lại nghề nuôi biển ở Vân Đồn là rất cấp thiết. Việc trước mắt cần làm lúc này là các cấp, các ngành cần sớm triển khai các gói hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người NTTS được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đồng thời rút gọn thủ tục, thời gian giao, cho thuê mặt biển và định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận, sử dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại trong NTTS.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()