Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:16 (GMT +7)
Sớm phủ sóng di động tại tất cả các điểm "lõm" trên địa bàn tỉnh
Thứ 2, 13/07/2020 | 08:08:20 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đã và đang nỗ lực xóa vùng “lõm” sóng di động tại các xã vùng sâu, vùng xa, nhằm đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân. Đây là vấn đề bạn đọc rất quan tâm. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã trao đổi với ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Giám đốc Sở TT&TT. |
- Xin ông cho biết về việc phủ sóng di động tới các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để đảm bảo thông tin liên lạc đã được thực hiện thế nào trong thời gian qua?
+ Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc sử dụng các nguồn lực để đầu tư hạ tầng cho các khu vực khó khăn của tỉnh, trong đó có hệ thống thông tin liên lạc. Tuy nhiên, do đặc thù địa bàn phức tạp, nên một số khu vực tại các thôn, bản của các xã vùng sâu, vùng xa còn thiếu, yếu sóng di động. Nhằm đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân, Sở TT&TT đã chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT và đơn vị liên quan nghiên cứu, khảo sát, xây dựng kế hoạch phủ sóng các điểm “lõm" sóng điện thoại di động trên địa bàn tỉnh.
Để sớm đạt mục tiêu xóa những vùng "lõm" trên, Sở TT&TT đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo sát sao các sở, ngành, địa phương, nhanh chóng triển khai và rút ngắn các thủ tục không cần thiết liên quan đến công tác GPMB và thẩm định hồ sơ, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp viễn thông sớm đầu tư, xây dựng các trạm thu phát sóng di động (BTS). Để gỡ khó, tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông một phần kinh phí đầu tư trạm BTS (30-100% tùy từng trạm).
Với sự vào cuộc tích cực của tỉnh, các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp viễn thông, từ năm 2017 đến tháng 11/2019, tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông đầu tư xây dựng 12 trạm BTS, với tổng vốn đầu tư trên 21 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có một số trạm BTS khác đã được các doanh nghiệp viễn thông chủ động đầu tư xây dựng bằng nguồn kinh phí của đơn vị. Các trạm này đều nằm ở những thôn, xã đặc biệt khó khăn như: Thôn Làng Mô (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ); bản Ngàn Vàng (xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu)... Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thông tin liên lạc, nâng cao đời sống cho nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh xã hội.
- Việc xóa vùng “lõm” sóng di động có những khó khăn gì, thưa ông?
+ Việc phủ sóng di động tới các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh có rất nhiều khó khăn. Do đặc thù địa bàn phức tạp, hơn 80% đất đai là đồi núi gập ghềnh, nhiều khu vực dân cư sống phân tán, nên việc chọn vị trí phù hợp để xây dựng trạm BTS là vấn đề hết sức nan giải. Trung bình suất đầu tư cho một trạm BTS ở các khu vực này từ 1,6-1,9 tỷ đồng (cao gấp 4-5 lần so với đầu tư ở khu vực đồng bằng). Kinh phí đầu tư ban đầu lớn, khả năng thu hồi vốn thấp, một số hộ dân cản trở, nên khó có thể đầu tư đồng loạt các trạm BTS.
Việc chia sẻ hạ tầng dùng chung giữa các doanh nghiệp viễn thông chưa đạt được sự thống nhất cao. Ngoài ra, việc đầu tư còn gặp nhiều trở ngại trong khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định nguồn kinh phí hỗ trợ và GPMB. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 vừa qua cũng tác động không tốt đến kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông xây dựng trạm BTS, hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, thời gian chuẩn bị đầu tư...
- Vậy mục tiêu xóa toàn bộ vùng “lõm” sóng di động sẽ được thực hiện thế nào?
+ Hiện nay, toàn tỉnh còn 34 điểm tại 8 địa phương đang "lõm" sóng di động. Trong đó, một số điểm đã và đang được đầu tư xây dựng trạm BTS, đảm bảo phát sóng trong thời gian gần nhất. Như điểm thôn Nà Pá, xã Quảng An, huyện Đầm Hà, hiện tại VNPT Quảng Ninh đang thi công xây dựng trạm BTS, dự kiến phát sóng trong tháng 8/2020. Hay tại Tiên Yên, VNPT Quảng Ninh đang thi công hoàn thiện cơ sở hạ tầng trạm BTS tại thôn Nà Cam, xã Đại Thành và các thôn Bắc Buông, Khe Chanh, xã Hà Lâu đảm bảo đưa vào hoạt động trước ngày 30/8/2020.
Trong 6 tháng cuối năm 2020, Sở TT&TT sẽ đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng và phát sóng 4 trạm BTS cấp thiết tại thôn Ngàn Vàng (vị trí đặt trạm tại thôn Phá Lạn), Ngàn Chuồng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu; thôn Bản Buông, xã Hà Lâu, trạm Khe Và, xã Yên Than, huyện Tiên Yên.
Các vị trí "lõm" sóng khác sẽ giãn, hoãn sang năm 2021 và các năm tiếp theo (sắp xếp theo thứ tự ưu tiên) để triển khai thực hiện cho phù hợp với nguồn ngân sách của tỉnh. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp viễn thông xây dựng phương án, báo cáo Tập đoàn trong việc xây dựng trạm BTS tại các điểm còn "lõm" sóng. Với sự hỗ trợ của tỉnh, các sở, ngành, địa phương, cùng quyết tâm của các doanh nghiệp viễn thông vì mục tiêu phát triển cộng đồng, sẽ sớm phủ sóng di động tại tất cả các điểm trên địa bàn tỉnh.
- Xin cảm ơn ông!
Cao Quỳnh (Thực hiện)
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()