Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 02:39 (GMT +7)
Dự án CCN Phương Nam: Gỡ vướng công tác GPMB
Thứ 3, 12/04/2022 | 15:06:40 [GMT +7] A A
Tháng 3/2021, CCN Phương Nam (phường Phương Nam, TP Uông Bí) đã được chính thức thành lập tại Quyết định số 729/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Theo kế hoạch, Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh (đơn vị chủ đầu tư) sẽ đưa CCN Phương Nam vào hoạt động trong tháng 3/2022. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc triển khai xây dựng CCN Phương Nam vẫn gần như dậm chân tại chỗ do chưa có mặt bằng sạch.
CCN Phương Nam có diện tích gần 63ha với tổng vốn đầu tư trên 545 tỷ đồng. Trong đó, có 75% diện tích là đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất; phần còn lại để xây dựng các công trình giao thông, cây xanh, trung tâm quản lý điều hành, dịch vụ tổng hợp. Việc thành lập CCN Phương Nam sẽ tạo quỹ đất có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, giúp TP Uông Bí và khu vực lân cận có điều kiện thuận lợi trong bố trí các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất lắp ráp cơ khí, sửa chữa thiết bị… theo hướng chuẩn liên kết ngành, đa ngành. Đồng thời phục vụ cho việc di dời gần 200 cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố ra khỏi khu dân cư.
Xác định đây là một trong 25 dự án trọng điểm, tạo động lực cho phát triển KT-XH của địa phương, TP Uông Bí đặt tiến độ kết thúc công tác GPMB dự án xong trước ngày 31/12/2021. Do đó, ngay sau khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, thành phố đã rà soát các hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án, thành lập Ban Chỉ đạo công tác GPMB, huy động nhân lực trong tất cả các ngày lễ tết để tập trung thực hiện công tác GPMB.
Mặc dù đã rất nỗ lực, song đến hết tháng 3/2022, TP Uông Bí mới ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án đạt 54/63 hộ. Tuy nhiên, trong 54 hộ đã được phê duyệt phương án bồi thường thì mới có 19 hộ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao đất để thực hiện dự án. Còn lại 35 hộ dân vẫn chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB và chưa bàn giao đất. Với 35 hộ dân này, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đã liên tục ra thông báo về việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB đến các hộ gia đình, tuy nhiên đến nay các hộ vẫn chưa đồng thuận.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được xác định là do sau khi TP Uông Bí thực hiện xóa bỏ lò vôi thủ công, một số hộ gia đình chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất lớn. Việc chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm được các hộ đầu tư xây dựng trên diện tích đất trồng cây hằng năm, đất do UBND phường Phương Nam quản lý… không đúng mục đích sử dụng của đất và xây dựng sau ngày 1/7/2014, nên không được bồi thường, hỗ trợ.
Trên cơ sở khối lượng dự kiến tổng kinh phí là 29,2 tỷ đồng, chủ đầu tư CCN Phương Nam đã quyết định hỗ trợ 30% công trình NTTS xây dựng sau ngày 1/7/2014 (tương đương 8,8 tỷ đồng). Tuy nhiên, các hộ dân vẫn không đồng thuận về việc hỗ trợ 30% các công trình nuôi tôm. Nhiều hộ dân khác chưa nhận tiền bồi thường GPMB do không đồng thuận xác định nguồn gốc đất có một phần là đất của UBND phường Phương Nam quản lý, một số hộ có ý kiến công trình nuôi tôm sau 1/7/2014, tính theo đơn giá đắp thủ công thay vì tính đơn giá bờ đầm tính hỗn hợp...
Để làm rõ các vướng mắc trên và tìm phương án giải quyết hợp lý, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đã phối hợp với UBND phường Phương Nam nhiều lần mời các hộ dân lên làm việc cụ thể nhưng đến nay các hộ dân không hợp tác, không phối hợp để giải quyết.
Ông Bùi Xuân Tờ, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh, cho biết: Để thúc đẩy dự án sớm triển khai, công ty đã rất thiện chí trong việc bổ sung thêm kinh phí hỗ trợ mặt bằng cho người dân gấp 2 lần so với kinh phí ban đầu dự kiến. Hiện số tiền hỗ trợ GPMB đã lên tới trên 60 tỷ đồng. Với một đơn vị có kinh nghiệm trong xây dựng các CCN, chúng tôi chỉ cần 6 tháng để đưa CCN Phương Nam vào hoạt động. Tuy nhiên, do không có mặt bằng nên chúng tôi mới san lấp được 5/62ha (chưa đạt 10% khối lượng công việc). Việc chậm triển khai đã khiến cho công ty thiệt hại rất lớn, ảnh hưởng đến việc luân chuyển nguồn vốn, giá cả thi công thì ngày càng tăng cao, chưa kể còn mất thêm rất nhiều chi phí để chi trả cho một bộ máy thường trực ở địa phương.
Rõ ràng với bất kỳ một địa phương nào, CCN đều đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thúc đẩy công nghiệp, phát triển KT-XH. Với riêng TP Uông Bí, một địa phương mất rất nhiều năm “chật vật” trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào CCN và có tới gần 200 cơ sở tiểu thủ công nghiệp phải di dời ra khỏi khu dân cư thì việc đưa CCN Phương Nam vào hoạt động sẽ tạo động lực phát triển công nghiệp không chỉ riêng cho TP Uông Bí mà là cả hành lang kinh tế khu vực phía Tây của tỉnh, bởi nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp vào đây là rất lớn. Đồng thời, sẽ giúp cho chủ đầu tư giảm tải những “gánh nặng” về tài chính và đảm bảo môi trường đầu tư.
Ông Nguyễn Hữu Đoàn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, cho biết: Đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức làm việc với từng hộ gia đình, xem xét cụ thể từng phương án, đối thoại, giải thích về nguồn gốc đất, chính sách, đơn giá. Những nội dung kiến nghị liên quan đến nguồn gốc đất sẽ yêu cầu UBND phường xác minh làm rõ; kiến nghị liên quan đến chính sách, khối lượng trong phương án sẽ do trung tâm và Phòng TN-MT thành phố xem xét, giải thích. Đối với những nội dung kiến nghị có cơ sở, trung tâm sẽ chỉnh sửa phương án, bổ sung để lãnh đạo thành phố trực tiếp phê duyệt phương án thay thế, bổ sung để có cơ sở chi trả tiền kịp thời. Đồng thời, hoàn thiện, khép kín hồ sơ trình UBND thành phố ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với một số hộ đã đối thoại, giải thích về nguồn gốc đất, chính sách, đơn giá nhưng vẫn không đồng ý nhận tiền và bàn giao đất.
Hy vọng rằng với những giải pháp cụ thể, phù hợp, dự án CCN Phương Nam sẽ có những chuyển động tích cực, sớm hoàn thiện và đi vào hoạt động, góp phần vào sự phát triển KT-XH chung của địa phương.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()