Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:23 (GMT +7)
Sớm giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp đất rừng ở Quảng Phong
Thứ 2, 06/11/2023 | 09:24:26 [GMT +7] A A
Trồng rừng ổn định hàng chục năm nay, trước hàng loạt vụ việc liên quan đến tranh chấp đất rừng tại địa phương, hơn 20 hộ dân tại các thôn 6, 7, 8, 9 xã Quảng Phong (Hải Hà) nộp hồ sơ đến chính quyền địa phương với mong muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với thửa đất gia đình đang sản xuất thì “tá hỏa” với thông tin những thửa đất này đã được cấp cho một số hộ dân khác vào năm 2009 và 2014.
Dẫn chúng tôi đi “mục sở thị” những thửa đất rừng đã canh tác hàng chục năm, anh Hà Văn Liêu, thôn 8, xã Quảng Phong, vô cùng bức xúc chỉ cho chúng tôi những thửa rừng của những hộ dân giáp ranh với thửa rừng gia đình đang canh tác, thửa thì đã được cấp GCNQSDĐ, thửa thì chưa được cấp với lý do đang tranh chấp, trồng lấn trên GCNQSDĐ của người khác…
Chỉ tay vào đồi keo đã trồng được 3 năm, anh Liêu cho biết: Từ năm 2013, do không có đất canh tác, gia đình tôi thấy đất khu vực này cây keo không có người sử dụng. Vào thời điểm đó, khu vực này hoàn toàn là bụi rậm, cây bụi nên gia đình tôi mới đi phát để trồng cây keo. Khi mới phát xong, trồng rừng, gia đình cũng sợ vào đất của Tổng đội thanh niên xung phong, nhưng đến khi trồng xong cũng không thấy Tổng đội thanh niên xung phong có ý kiến gì nên gia đình tôi đã trồng keo từ năm 2013 đến nay và đã thu hoạch đươc 2 vụ keo và tiếp tục trồng vụ 3 được hơn 3 năm. Trước tình trạng tranh chấp đất rừng tại địa phương, năm 2020, tôi có làm đơn đề nghị UBND xã Quảng Phong xem xét làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ. Thời điểm đó, UBND xã Quảng Phong trả lời tôi rằng thửa đất gia đình tôi đang canh tác trùng với đất đã được cấp cho Tổng đội thanh niên xung phong. Đến năm 2023, tôi và các hộ dân có đơn kiến nghị đến UBND xã, thì lại được UBND trả lời là thửa đất gia đình tôi đang canh tác trùng với thửa đất đã cấp cho ông Phạm Văn Giáo và bà Nguyễn Thị Hợi trú tại khu phố Chu Văn An, thị trấn Quảng Hà (Hải Hà).
Cũng giống với gia đình anh Hà Văn Liêu, 17 hộ dân khác tại các thôn 6, 7, 8, 9 xã Quảng Phong cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Các hộ dân này đều cho rằng, do không có đất rừng sản xuất, thấy đất trống, các hộ dân đã khai hoang để trồng rừng từ những năm 2006 đến 2013. Các hộ sản xuất ổn định và đã khai thác được từ 1 đến 3 vụ keo và hiện cũng đang trồng vụ mới. Trong quá trình sản xuất không có tranh chấp với ai. Chỉ đến khi gửi đơn lên UBND xã Quảng Phong đề nghị cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất đang canh tác thì mới biết là thửa đất các gia đình đang canh tác trùng với thửa đất đã được cấp GCNQSDĐ cho một số hộ dân khác vào năm 2009 và 2014.
Theo anh Hà Văn Liêu, năm 2022, UBND xã Quảng Phong có yêu cầu gia đình anh và các hộ dân khác tại thôn 8 phối hợp với Trung tâm đo đạc bản đồ đo xác định các thửa đất mà các hộ dân đang trồng cây đề nghị cấp GCNQSDĐ có trùng với đất đã được cấp GCNQSDĐ của hộ khác để xác định diện tích, gia đình tôi đã thuê đo đạc hết 2,5 triệu đồng. Tôi và 17 hộ dân khác ở các thôn 6, 7, 8, 9 đã gửi đơn và kiến nghị 1 lần đến Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, 2 lần đến UBND huyện và UBND xã Quảng Phong nhưng đến nay chưa có câu trả lời về kết quả giải quyết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phong, cho biết: Trong tháng 5/2023, UBND xã Quảng Phong có nhận được 2 đơn kiến nghị của 2 nhóm hộ dân: Đơn của 1 nhóm gồm 18 hộ dân thuộc các thôn 6, 7, 8, 9 đề nghị cấp với tổng diện tích 83.375,7m2. Trong đó có 16 hộ trùng vào GCNQSDĐ đã cấp cho hộ ông Hà Duy Khiên và bà Nguyễn Thị Hồng Nhiên trú tại khu phố Ngô Quyền, thị trấn Quảng Hà (Hải Hà) với diện tích 65.833,9m2 và 2 hộ trùng vào GCNQSDĐ đã cấp cho hộ ông Phạm Văn Giáo và bà Nguyễn Thị Hợi trú tại khu phố Chu Văn An, thị trấn Quảng Hà (Hải Hà) với diện tích 17.541,8m2. 1 đơn khiếu nại của nhóm 5 hộ dân thôn 8 với tổng diện tích 66.436,3m2. Trong đó, gồm 4 hộ có đất trùng vào GCNQSDĐ đã cấp cho hộ bà Đỗ Thị Duyên và ông Vũ Văn Tần trú tại thôn 8, xã Quảng Chính (Hải Hà) với diện tích 58.207m2 và 1 hộ có đất trùng vào GCNQSDĐ đã cấp cho hộ ông Phạm Văn Giáo và bà Nguyễn Thị Hợi trú tại khu phố Chu Văn An, thị trấn Quảng Hà (Hải Hà) với diện tích: 8.229,3m2.
Ngay sau khi có chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, UBND xã Quảng Phong đã rà soát toàn bộ hiện trạng sử dụng đất của các hộ dân tại 2 đơn kiến nghị, khiếu nại nói trên và hồ sơ cấp GCNQSDĐ của các hộ dân đã được cấp GCNQSDĐ trùng với đất hơn 20 hộ dân đang sản xuất và báo cáo UBND huyện; xin ý kiến tham gia của các phòng, ban chuyên môn nhưng không nhận được ý kiến tham gia của các phòng, ban. Qua xác minh, hầu hết các hộ dân có đơn kiến nghị đều cho rằng đất họ đang sản xuất là đất khai hoang từ năm 2000 đến năm 2013, trong quá trình sản xuất không có tranh chấp. Còn đối với các GCNQSDĐ, hiện nay xã đang từng bước tiến hành công tác đối thoại, hòa giải để báo cáo UBND huyện có phương án giải quyết. Để giải quyết dứt điểm vụ việc, xã đã có văn bản đề nghị UBND huyện giao Thanh tra huyện thanh tra quy trình, thủ tục cấp GCNQSDĐ.
Ông Hồ Đức Quang, Chủ tịch UBND huyện Hải Hà, cho biết: Để giải quyết dứt điểm đơn thư kiến nghị, khiếu nại của các hộ dân tại xã Quảng Phong, UBND huyện đã giao UBND xã Quảng Phong phối hợp với các phòng, ban chuyên môn rà soát lại toàn bộ hiện trạng sử dụng đất của các hộ dân có đất trùng lấn với đất của các hộ dân đã được cấp GCNQSDĐ. Đồng thời rà soát toàn bộ đơn thư, kiến nghị của người dân, giao Thanh tra huyện thanh tra toàn bộ quy trình, thủ tục cấp GCNQSDĐ để có phương án giải quyết cụ thể, tận gốc vấn đề, ổn định đời sống nhân dân.
Hữu Việt
Liên kết website
Ý kiến ()