Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:15 (GMT +7)
Sớm đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc
Thứ 6, 05/04/2024 | 06:26:04 [GMT +7] A A
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch phương án phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản, trong đó lĩnh vực thủy sản được quy hoạch không gian sản xuất 100.000ha. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh tổ chức phát triển sản xuất NTTS, hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc.
Quyết tâm phát huy hết lợi thế từ biển, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh tế hộ, nhỏ lẻ, manh mún chạy theo sản lượng sang mô hình liên kết đa chủ thể theo chuỗi giá trị; gắn sản xuất với chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch quan trọng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm: Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh, Quy hoạch không gian biển, Quy hoạch phát triển nông lâm và thủy sản, Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, Quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão.
Trên cơ sở đó, các địa phương đã tiếp tục sắp xếp lại các khu NTTS, bố trí quỹ đất và mặt nước chuyên dùng là 50.000ha để NTTS. Ông Trần Văn Bảo, Giám đốc HTX thủy sản Thắng Lợi (huyện Vân Đồn) chia sẻ: Những người nuôi biển ở Quảng Ninh mong mỏi có cơ chế, chính sách được nhà nước cấp phép nuôi biển, giao mặt nước ổn định, lâu dài để người nuôi trồng yên tâm đầu tư sản xuất. Đến nay, mong mỏi này đang thành hiện thực khi chúng tôi được biết quy hoạch NTTS đã được tỉnh triển khai đến tận cấp xã.
Trong bối cảnh các địa phương vẫn lúng túng trong triển khai quy hoạch không gian biển, Quảng Ninh được Bộ NN&PTNT và các chuyên gia đánh giá là có cách làm, bước đi bài bản nhất trong phát triển NTTS. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam khẳng định: Ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi biển, quy hoạch không gian biển… đều là những cơ sở pháp lý quan trọng nhất để chuyển từ nuôi biển thủ công sang nuôi biển công nghiệp, chuyển từ nuôi ở vùng biển kín ven bờ sang nuôi ở vùng biển mở xa bờ, từ việc kêu gọi động viên ngư dân ra biển sang việc quản lý chặt chẽ nghề nuôi biển, từ việc đơn loài sang nuôi đa loài tích hợp, phát triển riêng đơn ngành sang kết hợp với các ngành kinh tế biển khác… Nếu các địa phương khác đều có sự chủ động như Quảng Ninh thì mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển trên cả nước đạt 280.000ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 0,8 - 1 tỷ USD chắc chắn sẽ sớm hoàn thành.
Sau khi có các quy hoạch, để có thể đơn giản hóa các thủ tục cấp phép và môi trường biển, Sở TN&MT cũng đang tích cực phối hợp với các chủ đầu tư để sớm giao khu vực biển. Ngay trong ngày 1/4, tại Hội nghị "Phát triển nuôi biển bền vững, nhìn từ Quảng Ninh", tỉnh đã tổ chức trao giấy phép NTTS trên biển cho 6 doanh nghiệp, hợp tác xã. Đây là một cố gắng tích cực trong thời gian ngắn và khẳng định các thủ tục hành chính đã được tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan rút gọn, đơn giản hóa về cấp phép NTTS trên biển và giao khu vực biển.
Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, UBND các địa phương cần tiếp tục chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT hỗ trợ chủ đầu tư ngay từ bước lập hồ sơ dự án đầu tư như: Xác định chuẩn xác sự phù hợp của các vị trí NTTS với bản đồ phương án phát triển thủy sản trong Quy hoạch tỉnh; xác nhận hiện trạng và khẳng định không chồng lấn với các quy hoạch, dự án đầu tư khác; xác định rõ diện tích, tọa độ khu vực biển xin giao nằm ngoài đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị liên quan như Ban quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long, Ban quản lý Vịnh Hạ Long, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh,… cũng cần phúc đáp các văn bản tham vấn ý kiến của các chủ đầu tư trong thời gian sớm nhất. Đảm bảo các dự án đều sớm được cấp giấy phép theo đúng quy định.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()