Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:36 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIV Sôi nổi, trách nhiệm trong thảo luận tổ
Thứ 5, 08/12/2022 | 11:18:00 [GMT +7] A A
Trên cơ sở gợi ý của đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trong sáng nay, HĐND tỉnh đã chia thành 5 tổ thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề liên quan đến mục tiêu phát triển KT-XH năm 2023, chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và dự thảo các nghị quyết được xem xét, quyết nghị tại kỳ họp. Qua thống kê đã có 70 lượt đại biểu tham gia phát biểu, trong đó có 40 đại biểu HĐND tỉnh.
Tháo gỡ điểm nghẽn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Thảo luận về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, thảo luận tại Tổ số 1 cho rằng, thực hiện nhiệm vụ năm 2023, tỉnh Quảng Ninh có những thời cơ, thuận lợi mới, đan xen với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu liên quan lạm phát, giá cả tăng cao, thắt chặt tín dụng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, những tác động của thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ, vốn trái phiếu doanh nghiệp...; biến động chính trị - an ninh thế giới; tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của dịch bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Vì vậy để đạt được con số tăng trưởng kinh tế trên 10%, các đại biểu cần nhìn nhận, đánh giá tình hình, thảo luận kỹ về vai trò đóng góp của 3 khu vực kinh tế: Dịch vụ, công nghiệp – xây dựng, nông-lâm-thủy sản đối với tăng trưởng kinh tế. Trong đó, khu vực nào sẽ giữ vai trò chủ đạo? Cùng với đó, tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023.
Đồng tình cao với gợi ý của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu Tổ thảo luận số 1 đều cho rằng, với bối cảnh hiện nay có thể thấy rằng dư địa duy nhất để tạo ra tăng trưởng năm 2023 là khu vực dịch vụ. Vì vậy bên cạnh phát huy những kết quả đã có, cần phải có thêm sản phẩm du lịch mới, nâng cấp sản phẩm sẵn có; thúc đẩy phát triển kinh tế đêm.
Cùng với đó, các đại biểu đề nghị cần phải có giải pháp để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các KKT, KCN bởi hiện nay Quảng Ninh không chỉ là địa phương có diện tích KCN, KKT lớn nhất cả nước; hạ tầng tốt nhất, nhất là năng lực hạ tầng giao thông vượt trội đang cực kỳ hấp dẫn với các chủ đầu tư khi lựa chọn đầu tư tại Quảng Ninh. Trong năm 2023 cũng cần quan tâm đến các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thông qua nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, giảm nghèo bền vững.
Tham gia thảo luận tại Tổ số 2, đại biểu Nguyễn Văn Hồi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, khẳng định: Năm 2023 là năm có tính bản lề, có ý nghĩa quan trọng để góp phần hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Đại biểu đề nghị, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành Than và Điện - 2 ngành kinh tế trụ cột để có thể kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, năm 2023, các địa phương cần chú trọng quan tâm phát triển ngành du lịch. Trong đó, TP Móng Cái cần nghiên cứu để phát triển du lịch vùng biên, TX Quảng Yên phát triển du lịch tâm linh. Chỉ khi có thêm các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch chiến lược, nâng chất lượng cơ sở hạ tầng thì mới không bỏ lỡ cơ hội để thu hút khách.
Đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, tham gia thảo luận tại Tổ số 3, cho rằng: Các đại biểu HĐND tỉnh cần nâng cao tính phản biện, phải tham gia trực tiếp vào các tờ trình, dự thảo nghị quyết, đảm bảo nghị quyết chặt chẽ, khoa học, sớm đi vào thực tiễn. Liên quan đến Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu đề nghị bổ sung một số giải pháp về công tác quản lý đất đai liên quan đến chương trình hành động của Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; triển khai thực hiện đúng theo quy định của luật đầu tư công, trước ngày 30/7 hàng năm, đề nghị UBND cấp tỉnh phải báo cáo HĐND về dự kiến danh mục đầu tư công của năm sau để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư theo đúng quy định.
Liên quan dự toán ngân sách và cơ chế, biện pháp điều hành, đề nghị Sở Tài chính tính toán lại dự toán theo đúng chỉ tiêu biên chế được giao năm 2023; các đơn vị liên quan làm rõ nguồn vốn 977 tỷ đồng phân cho 3 chương trình mục tiêu, trong đó phân bổ rõ tỷ lệ phân bổ cho phát triển sản xuất; xem xét lại hiệu quả đầu tư dự án dữ liệu thông tin đất đai; bổ sung thêm thực hiện tiến hành rà soát các trường hợp thuê đất 1 lần đã có quyết định nhưng chưa triển khai để thực hiện điều chỉnh cho phù hợp.
Đại biểu Tô Văn Hải, Tổ đại biểu Vân Đồn - Cô Tô, tham gia thảo luận Tổ số 4, phân tích rằng, năm vừa qua, mặc dù lượt khách du lịch đến địa bàn cao, nhưng khách nước ngoài không đạt kế hoạch, do đó, năm 2023 cần đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch, nhất là tập trung đầu tư cho những sản phẩm mới, hấp dẫn, đa dạng hơn để thu hút du khách. Cũng liên quan đến nội dung kích cầu du lịch, đại biểu Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch nhận định rằng với tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, thì mục tiêu lượng khách đến với Quảng Ninh, nhất là du khách nước ngoài trong năm tới cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, chúng ta cũng phải cạnh tranh rất nhiều với các tỉnh, thành khác. Do đó, ngoài những chính sách căn cơ của tỉnh như là đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về nhân lực du lịch, tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư thì các địa phương, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới sản phẩm du lịch và nâng cấp cơ sở lưu trú trên địa bàn, quy mô hơn và tập trung quảng bá, xây dựng hình ảnh.
Đại biểu Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, tham gia thảo luận tại Tổ số 5, cho rằng. Trong kế hoạch vốn, phải nghiên cứu một cách tổng thể, có dự kiến về mức thu, chi ngân sách để làm căn cứ cho các nhiệm vụ tiếp theo… Đối với việc đầu tư các công trình cần phải đảm bảo các yêu cầu về chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đầu tư, tránh trường hợp chậm phân khai vốn đầu tư công, chậm tiến độ triển khai các dự án.
Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư
Theo đánh giá của các đại biểu HĐND tỉnh, công tác thu hút đầu tư, nhất là đối với địa bàn KCN, KKT trên địa bàn tỉnh chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, chưa đạt được các mục tiêu phát triển đề ra. Các đại biểu thảo luận tại các tổ đều thẳng thắn chỉ rõ những nguyên nhân tồn tại, hạn chế và đề xuất những biện pháp dựa trên tình hình thực tế tại địa phương.
Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trong năm tới, đại biểu Nguyễn Hồng Dương, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tham gia thảo luận tại Tổ số 1, yêu cầu cần phải xem xét nâng cao vai trò, hiệu quả của cơ quan quản lý KCN, KKT, cơ quan hỗ trợ và xúc tiến đầu tư vào các KKT, KCN. Đánh giá để có giải pháp hoàn thiện hạ tầng đường kết nối từ cao tốc vào các KCN; có cơ chế hỗ trợ hạ tầng điện, hạ tầng nước đến chân hàng rào. Cùng với đó cần có chính sách thu hút vào các KCN, KKT đủ mạnh, nhất là các chính sách hỗ trợ liên quan đến chân hàng rào và trong hàng rào các khu công nghiệp như hỗ trợ đào tạo nhân lực trong KCN để đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Tổ đại biểu huyện Bình Liêu, tham gia thảo luận tại Tổ số 3, cho rằng: Cơ chế chính sách thu hút đầu tư chưa thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư, đơn cử như tại huyện Bình Liêu, KKT cửa khẩu Hoành Mô mặc dù đã có sự quan tâm nhưng cơ chế chính sách tại đây chưa hấp dẫn, vẫn còn những vướng mắc liên quan đến quy hoạch, cần phải điều chỉnh, mất nhiều thời gian. Cán bộ làm công tác thu hút đầu tư ở cấp huyện trình độ, năng lực còn hạn chế. Từ những tồn tại này, đại biểu Hạnh đề nghị tỉnh cần ban hành được chính sách thu hút đầu tư thật sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư tại các địa phương.
Còn đại biểu Nghiêm Xuân Cường, Tổ đại biểu TP Uông Bí, tham gia Tổ thảo luận số 3, đánh giá: Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư ở các địa phương còn yếu, phụ thuộc nhiều vào cấp tỉnh, chưa chủ động trong triển khai công tác xúc tiến đầu tư. Giải pháp được đại biểu Cường đưa ra, đó là cần nhanh chóng hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch tỉnh, từ đó làm căn cứ cho các địa phương lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, triển khai công tác xúc tiến, thu hút đầu tư.
Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, Tổ đại biểu TP Cẩm Phả tham gia Tổ thảo luận số 4, cho rằng, hiện Cẩm Phả có dự án nhà máy điện khí LNG, hiện nhà đầu tư đang hoàn tất thủ tục, hồ sơ đầu tư trình các bộ, ngành phê duyệt. Công tác GPMB đã được thành phố triển khai tích cực, tuy nhiên, chỉ khi nhà đầu tư được phê duyệt chủ trương đầu tư, thì thành phố mới có cơ sở để GPMB, do đó, đề nghị UBND tỉnh có giải pháp để thành phố triển khai sớm công tác GPMB đảm bảo phục vụ nhà đầu tư triển khai.
Đại biểu Phạm Văn Thể, Tổ đại biểu TX Đông Triều, thảo luận tại Tổ số 5, nhấn mạnh, thời gian qua, trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp, phát huy hết nội lực và huy động tối đa các nguồn lực để duy trì sản xuất, cố gắng giữ doanh nghiệp, giữ người lao động. Dự báo trong thời gian tới, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và cần có giải pháp tháo gỡ để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất cần sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn tích cực từ các cấp chính quyền trong tỉnh bằng các giải pháp cụ thể, sát nhất với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Qua đó, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, cũng như tạo niềm tin để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, đầu tư mới góp phần vào sự phát triển chung trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu HĐND tỉnh. Đại biểu Nguyễn Thị Vân Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP Hạ Long, Tổ đại biểu TP Hạ Long, tham gia thảo luận Tổ số 1, đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hưởng chế độ bảo trợ xã hội cho người cao tuổi từ đủ 75 đuổi đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, không được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng và bổ sung thêm đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế từ đủ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi. Bởi hiện nay, trên địa bàn TP Hạ Long còn nhóm đối tượng người cao tuổi không có lương hưu, không được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi ở 21 phường là khoảng 4.000 người; nhóm đối tượng từ đủ 65 tuổi đến dưới 70 tuổi không có thẻ bảo hiểm y tế khoảng khoảng 3.500 người. Hầu hết các đối tượng này đều có hoàn cảnh khó khăn, hết tuổi lao động và không có thu nhập gì khác. Vì vậy đề nghị hỗ trợ nhóm đối tượng này để đảm bảo công tác an sinh xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hạ Long, Tổ đại biểu TP Hạ Long, tham gia thảo luận Tổ số 1, cho rằng: Qua nghiên cứu nội dung dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh, tôi thấy việc ban hành chính sách trên là rất cần thiết đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Qua đó kích cầu và tăng tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư, tạo động lực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, góp phần tăng tỷ lệ trẻ ra lớp trên địa bàn tỉnh, giảm bớt khó khăn, gánh nặng kinh tế cho các gia đình công nhân lao động và các KCN có con em trong độ tuổi mầm non, góp phần nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên để Nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả và đi vào đời sống, tránh phát sinh sai sót, tiêu cực và trục lợi chính sách, các cấp ngành cùng vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội các cấp cần phải tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.
Đại biểu Tô Văn Hải, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, Tổ đại biểu Vân Đồn - Cô Tô, tham gia thảo luận Tổ số 4, cho rằng, hiện nay mục tiêu tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 70% ở các vùng nông thôn thì thuận lợi hơn, tuy nhiên, để có được chỉ tiêu này ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo rất khó khăn. Nếu như không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì mục tiêu này rất khó đảm bảo, ngoài ra thì cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, Tổ đại biểu Vân Đồn - Cô Tô cũng phân tích, hiện trên địa bàn huyện Cô Tô không tuyển được bác sĩ chính quy nào, do đó, đề nghị tỉnh quan tâm ban hành thêm chính sách đặc thù để thu hút nhân tài đến làm việc tại các địa bàn vùng biển đảo, khó khăn. Ngoài ra tỉnh cũng cần quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ và vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là cần sớm ban hành quy định xử lý vi phạm về phân loại rác thải, nếu chưa triển khai đồng bộ toàn tỉnh thì có thể nghiên cứu, thí điểm ở các địa phương tuyến đảo.
Nhóm PV
Liên kết website
Ý kiến ()