Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:59 (GMT +7)
Số phận xe vi phạm nồng độ cồn, nếu chủ phương tiện không đến lấy
Thứ 2, 15/01/2024 | 15:28:43 [GMT +7] A A
Các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đều có thể bị tạm giữ xe. Nếu chủ phương tiện không đến lấy, số phận của những chiếc xe này sẽ ra sao?
Luật sư Nguyễn Thu Trang, Văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho biết, Điều 11 Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định, cá nhân có phương tiện bị tạm giữ có trách nhiệm nhận lại phương tiện, theo đúng thời hạn ghi trong quyết định tạm giữ.
Nếu hết thời hạn, chủ phương tiện không đến lấy xe sẽ bị xử lý theo Điều 17 Nghị định 138/2021/NĐ-CP (xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề hết thời hạn tạm giữ). Theo đó:
Việc xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề hết thời hạn tạm giữ được thực hiện theo quy định tại các khoản 4, 4a và khoản 4b Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Người ra quyết định tạm giữ phương tiện tiếp tục quản lý, bảo quản phương tiện khi đã quá thời hạn tạm giữ mà người vi phạm chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm trong thời gian thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng cho đến khi phương tiện đó bị tịch thu, xử lý theo quy định.
Sau khi phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Khoản 4, 4a và khoản 4b Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định như sau:
Đối với phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì được xử lý như sau:
Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 2 lần.
Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện.
Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.
Hết thời hạn 1 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu phương tiện vi phạm hành chính;
Đối với phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.
Như vậy, theo quy định của pháp luật khi hết thời hạn bị tạm giữ xe do vi phạm nồng độ cồn, người vi phạm có trách nhiệm nhận lại xe. Nếu không đến lấy xe, phương tiện có thể bị tịch thu sung công quỹ.
Theo Laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()