Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 08:50 (GMT +7)
Số lượng doanh nghiệp tăng gấp hơn 10 lần sau 20 năm
Thứ 2, 14/10/2024 | 14:02:26 [GMT +7] A A
Nếu như năm 2004, Việt Nam có khoảng 92.000 doanh nghiệp hoat động thì đến năm 2024, Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp hoạt động.
Doanh nghiệp tăng cả lượng và chất
Theo số liệu từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Đặc biệt, nếu như năm 2004, số lượng doanh nghiệp hoạt động chỉ có khoảng 92.000 doanh nghiệp, thì sau 20 năm, Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp hoạt động. Bên cạnh đó, còn có đội ngũ gần 30.000 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Tính riêng trong 9 tháng năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 122.000 doanh nghiệp, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 61.103 doanh nghiệp, đồng thời có 163.761 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Theo dự báo của lãnh đạo VCCI, năm 2024 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp lập kỷ lục về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Tính luỹ kế kể từ năm 2000 đến hết năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới sẽ vượt con số 2,1 triệu doanh nghiệp. Nếu tính doanh nhân là lãnh đạo chủ chốt của các doanh nghiệp thì nước ta hiện có đội ngũ doanh nhân đông hàng triệu người.
Trong khi đó, theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - ông Nguyễn Văn Thân: Hiện tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp; có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như Viettel, PVN, Tập đoàn Vingroup, FPT, Thaco, Hòa Phát, TH, Vinamilk...
Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển, tiên phong trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tham gia giải quyết các thách thức, bài toán lớn của quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ...
Bên cạnh tăng lên về số lượng và chất lượng, theo VCCI, hiện nay trong cả nước có khoảng 800 hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân; 100% địa phương có hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh; 53/63 địa phương có hiệp hội doanh nghiệp có tên gọi và giữ vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp của địa phương. Hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động đều tham gia một hoặc một số tổ chức hội doanh nghiệp, qua đó tạo ra mạng lưới liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau.
Vực dậy tinh thần kinh doanh cho doanh nghiệp
Mặc dù vậy, theo khảo sát của VCCI, trên quy mô toàn quốc tính tới tháng 9/2024 cho thấy, chỉ 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Con số này có nhích nhẹ hơn so với mức 27% của năm 2023, song vẫn ở mức thấp thứ 2 trong 18 năm VCCI khảo sát doanh nghiệp.
Như vậy, mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu lấy lại tốc độ tăng trưởng, nhưng tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp còn ở mức thấp so với thời kỳ trước đây, vẫn còn tâm lý e dè.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết: Khảo sát nhanh gần đây cho thấy, tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều, thể hiện niềm tin đã được củng cố, tăng cường, cụ thể tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “tích cực” về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cao gấp 5 lần so với kỳ khảo sát trước.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, tồn tại. Tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; còn có tư duy kinh doanh “thời vụ”, thiếu tầm nhìn chiến lược. Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu. Một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.
Trong bối cảnh đó, để vực dậy tinh thần kinh doanh cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đối với cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung tháo gỡ khó khăn, rà soát, đơn giản hoá các thủ tục hành chính; quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất, theo tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo: "Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể". Đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng trong tiếp cận nguồn lực và chính sách hỗ trợ, không phân biệt các thành phần kinh tế.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường rà soát, sửa đổi ngay các quy định, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… không phù hợp với thực tế, tham vấn chặt chẽ ý kiến cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật. Khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ…
Về phía các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực; kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên; đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối đầu tư kinh doanh, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chủ động đón bắt cơ hội mới, xu thế mới.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần tiếp tục nỗ lực cùng Chính phủ thực hiện các giải pháp góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các giải pháp mang tính đột phá, đổi mới, sáng tạo. Các doanh nghiệp lớn cần nêu gương đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác. Đặc biệt, các doanh nhân, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến…
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()