Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 10:20 (GMT +7)
Số hóa không gian văn hóa, học tập tại Bảo tàng Quảng Ninh
Chủ nhật, 17/11/2024 | 10:15:30 [GMT +7] A A
Ứng dụng khoa học công nghệ, các nền tảng số… tạo không gian tham quan, học tập thú vị, khơi gợi sự tò mò, là cách Bảo tàng Quảng Ninh làm để thu hút du khách, kích thích hứng thú học tập của học sinh.
Bảo tàng Quảng Ninh vừa đưa hệ thống Audio guide (thuyết minh tự động) vào phục vụ du khách dịp đầu tháng 9/2024. Đây là hình thức số hóa, chuyển đổi các thông tin về hiện vật ở các không gian trưng bày của Bảo tàng thành bài thuyết minh tự động, cung cấp cho du khách qua tai nghe. Nhân dịp này, đơn vị đã tổ chức cho gần 200 học sinh các trường trên địa bàn TP Hạ Long cùng nhân dân, đại biểu thưởng thức, trải nghiệm các hoạt động tham quan, học tập.
“Không chỉ có Audio guide, Bảo tàng còn thường xuyên đổi mới, xây dựng môi trường học tập, khám phá lịch sử văn hóa hấp dẫn, dễ tiếp cận thông qua công nghệ số, để việc học không giới hạn trong nhà trường. Các ứng dụng số này là cách làm thiết thực tạo trải nghiệm, không gian tìm tòi, học tập, lôi cuốn các em học sinh. Đây là nhiệm vụ thường xuyên và cũng là cách làm góp phần xây dựng xã hội học tập, hưởng ứng phong trào học tập trong Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024" - ông Nguyễn Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, chia sẻ.
Theo đó, nhằm tạo môi trường chơi mà học, thúc đẩy phong trào học tập sâu rộng, Bảo tàng Quảng Ninh thời gian qua đã tiên phong ứng dụng công nghệ, các nền tảng số... nhằm tạo tiện nghi, dễ tiếp cận và sự mới mẻ cho du khách, đặc biệt là học sinh. Trong đó, nổi bật là số hóa hoạt động bảo tàng qua số hóa thông tin, cảm ứng một chạm tiếp cận thông tin, sử dụng thuyết minh tự động Audio guide, các mô hình CLB online...
Trước hết, số hóa được thể hiện trong các hoạt động trưng bày, giúp du khách, các em học sinh dễ dàng tiếp cận thông tin. Hiện Bảo tàng có hơn 9.000 hiện vật ở các không gian trưng bày khác nhau. Ngoài cách tiếp cận truyền thống, Bảo tàng cho phép du khách tiếp cận mỗi không gian này qua tương tác với bảo tàng ảo, các màn hình cảm ứng, Audio guide....
Số hóa bằng đa phương tiện kết nối không gian trưng bày với di tích thực là cách Bảo tàng thực hiện để làm sinh động cho không gian trưng bày. Đơn cử như tại khu trưng bày di tích Yên Tử đã trang bị màn hình trực tuyến kết nối trực tiếp với cảnh quan thật ở Yên Tử, như Tháp Tổ Huệ Quang, các ga cáp treo…
Cách làm này cho phép truyền hình ảnh trực tiếp của các địa điểm này gắn với thuyết minh, trưng bày ở không gian di tích Yên Tử, tạo sự sinh động cho không gian tham quan này. Gần đây, Bảo tàng còn số hóa, cung cấp toàn bộ thông tin về hồ sơ đề cử Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới qua màn hình cảm ứng một chạm cho khách quan tâm tới chủ đề này.
Đặc biệt, Bảo tàng Quảng Ninh còn ứng dụng công nghệ số trong các mô hình giáo dục riêng biệt cho học sinh. Đó là chương trình học lịch sử online do Bảo tàng Quảng Ninh cùng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và hơn 30 bảo tàng, di tích trên toàn quốc phối hợp thực hiện. Đây là mô hình lớp học trực tuyến qua phần mềm Zoom kết nối các học viên và chuyên gia. Tham gia lớp học, ngoài kiến thức, các em có thể trao đổi, nêu ý kiến với các chuyên gia, bạn học khác. Với trung bình 40 buổi/năm cho đối tượng học sinh cấp 1 và 2, đây là kho kiến thức, tài liệu khổng lồ với học sinh, đặc biệt là các bạn yêu lịch sử.
Bằng cách làm tương tự, Bảo tàng đã tổ chức các mô hình CLB lịch sử, Giờ học lịch sử, Giờ học lịch sử online... để kéo gần học sinh với lịch sử, văn hóa. Các bài giảng, câu chuyện lịch sử được số hóa sinh động, kể qua trình chiếu hoặc triển khai trực tiếp linh hoạt theo thời gian biểu của học sinh ở trường. Cụ thể, lịch học trực tiếp sẽ áp dụng trong 2 học kỳ ở trường và chuyển sang online trong 3 tháng hè.
Ngoài ra, đơn vị cũng liên tục thực hiện giới thiệu hiện vật, câu chuyện lịch sử liên quan tới trưng bày ở Bảo tàng qua hệ thống của trang web và các trang mạng xã hội như Fanpage trên facebook, Linkedin, Instagram, Tiktok, Youtube… Qua đó, kiến thức được truyền tải sinh động thông qua hình ảnh, video ngắn, vừa phù hợp với xu thế vừa dễ tiếp cận, tiếp thu với học sinh.
Được biết, thời gian tới, Bảo tàng sẽ triển khai các ứng dụng 3D Mapping; cải tiến nâng cấp website, số hoá hiện vật, cập nhật dữ liệu hiện vật trên nền tảng số, ứng dụng thuyết minh bằng mã QR… Như vậy có thể thấy, ứng dụng số đã và đang tạo nên những "kênh" thông tin đa dạng, thú vị hơn, đồng thời đem lại cho du khách, đặc biệt là học sinh trải nghiệm mới mẻ, tiếp cận dễ dàng.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()