Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 14:52 (GMT +7)
Số ca mắc mới ở Malaysia chạm mốc kỷ lục, biến thể Delta đã xuất hiện tại 96 quốc gia
Thứ 6, 02/07/2021 | 09:10:18 [GMT +7] A A
Đến sáng 2/7, thế giới có trên 183,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 3,96 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 34,5 triệu ca mắc và hơn 620.400 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 9.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 1/7, nước này ghi nhận hơn 42.900 ca mắc mới COVID-19 và 790 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 30,4 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 400.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, hơn 518.200 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 18,5 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Ngày 1/7, Chứng nhận kỹ thuật số miễn nhiễm COVID-19, còn gọi là "hộ chiếu vaccine", bắt đầu có hiệu lực trên toàn Liên minh châu Âu (EU) nhằm tạo điều kiện cho việc đi lại thuận lợi hơn, đúng thời điểm châu Âu bước vào kỳ nghỉ hè sau hơn một năm chống chọi với đại dịch. Tuy nhiên, giới chức y tế EU cho rằng, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 với tốc độ lây nhiễm nhanh đang đe dọa phải hạn chế áp dụng cơ chế trên hoặc có thể kích hoạt điều khoản "ngừng khẩn cấp" việc sử dụng chứng chỉ.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố bản cập nhật dịch bệnh hàng tuần, trong đó cho biết, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 vốn được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ đã xuất hiện ở 96 quốc gia, tăng thêm 11 quốc gia so với tuần trước đó.
Theo WHO, biến thể Delta, còn được gọi là "đột biến kép" vì nó mang hai đột biến, sẽ nhanh chóng phổ biến và "bao phủ" các ca bệnh trên toàn cầu. Châu Phi đã ghi nhận nhiều đợt bùng phát mới của biến thể Delta, đặc biệt là tại Tunisia, Mozambique, Uganda, Nigeria và Malawi.
Tại châu Âu, biến thể Delta đang trên đà lây lan diện rộng ở nhiều nước như Pháp, Đức, Italia hay Bồ Đào Nha. Tại vùng England (Anh), số ca nhiễm biến thể này đã nhanh chóng vượt số ca nhiễm biến thể Alpha trước đó và chiếm đến 95% số ca bệnh.
Trong khi đó, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cảnh báo, Delta đã cho thấy khả năng lây lan mạnh hơn, tăng 60% so với biến thể Alpha và gây bệnh nặng hơn, đặc biệt ở những người chưa tiêm vaccine.
Pháp có thể đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới do sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Delta. Hiện 20% số ca COVID-19 ở Pháp là do nhiễm biến thể Delta. Chính phủ Pháp cho rằng, có nguy cơ cao dịch bùng phát trở lại vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới. Tuy nhiên, mức độ lây nhiễm sẽ ở mức vừa phải hơn so với các đợt trước do vaccine sẽ giúp giảm thiểu tác động.
Từ tháng 4, Pháp đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế trên toàn quốc. Chỉ có một số địa phương ở vùng Tây Nam hiện đang phải siết chặt kiểm soát vì xuất hiện biến thể Delta. Hiện Pháp ghi nhận trên 5,77 triệu người mắc COVID-19, mức cao thứ tư trên thế giới và hơn 111.000 trường hợp tử vong.
Thủ đô Moscow của Nga đã khởi động chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những lao động nhập cư đang làm việc tại Nga, trong đó đa phần đến từ khu vực Trung Á. Vaccine được sử dụng trong chương trình tiêm phòng này là vaccine Sputnik V. Để được tham gia tiêm phòng, những người này sẽ phải được chủ sử dụng lao động giới thiệu. Chi phí cho một mũi tiêm là 1.300 Ruble (gần 18 USD) và dự kiến sẽ do chủ sử dụng lao động chi trả.
Đồng thời, ngày 1/7, chính quyền Moscow đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi nhắc lại. Bộ Y Tế Nga cho biết, đây là biện pháp khẩn cấp để kiềm chế tình trạng bùng phát số ca mắc mới do biến thể Delta. Bộ Y tế Nga khuyến nghị, các cơ sở y tế bắt đầu tiêm mũi nhắc lại cho những người đã tiêm cách đây 6 tháng hoặc lâu hơn. Nga là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi nhắc lại.
Nga ngày 1/7 ghi nhận thêm 672 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca không qua khỏi do COVID-19 ở Nga ở mức cao kỷ lục.
Lực lượng đặc nhiệm chống dịch COVID-19 của Chính phủ Nga cũng xác nhận 23.543 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ ngày 17/1, đưa tổng số người nhiễm bệnh ở nước này lên trên 5,5 trường hợp, bao gồm gần 135.900 bệnh nhân không qua khỏi. Trong số các ca mắc mới ghi nhận, có 7.597 người ở thủ đô Moscow. Giới chức y tế Nga cho rằng, số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt do sự lây lan biến thể Delta.
Cùng ngày, Chính phủ Bồ Đào Nha đã áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm tại một số thành phố lớn do lo ngại tình trạng gia tăng số ca nhiễm COVID-19. Lệnh giới nghiêm được áp dụng tại 45 thành phố có nguy cơ cao, bao gồm cả thủ đô Lisbon, thành phố Porto và thành phố du lịch Albufeira. Các nhà hàng và quán cà phê phải đóng cửa lúc 22h30.
Các nhà chức trách nước này đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng đối với những người từ 18 đến 29 tuổi. Tới nay, 31% dân số Bồ Đào Nha đã được tiêm chủng đầy đủ.
Scotland đã ghi nhận gần 2.000 ca mắc mới COVID-19 liên quan đến Euro 2020. Đây là những người đã từng tới Anh để xem trận đấu giữa Anh - Scotland diễn ra vào ngày 18/6. Những khán giả này từng có mặt tại sân vận động Wembley hoặc tập trung tại những khu vực fanzone đông đúc dành cho người hâm mộ. Họ nằm trong độ tuổi từ 20 - 39, chủ yếu là nam giới.
Theo cơ quan y tế Scotland, việc truy vết tiếp xúc khó có thể cho biết một người có thể mắc COVID-19 trong khi tụ tập theo dõi trận đấu hay không, tuy nhiên nó có thể xác định người cần cách ly để ngăn chặn sự lây lan của virus. Trong số hơn 32.000 ca mắc COVID-19 từ ngày 11 - 18/6 tại Scotland, 6% là là những trường hợp từng tụ tập theo dõi bóng đá.
Chính phủ Indonesia thông báo sẽ áp dụng lệnh hạn chế hoạt động cộng đồng khẩn cấp từ ngày 3 - 20/7 với mục tiêu giảm số ca xuống còn 10.000 ca/ngày. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh quốc gia này liên tục ghi nhận kỷ lục mới về số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong hai tuần qua.
Theo đó, Indonesia dự kiến sẽ phong tỏa 121 quận/huyện và thành phố trên đảo Java và Bali. 100% công chức, nhân viên làm việc trong các lĩnh vực không thiết yếu phải làm việc tại nhà. Các trung tâm thương mại, đền thờ Hồi giáo, công viên và phòng trưng bày phải đóng cửa. Cửa hàng tiện ích, siêu thị, chợ truyền thống được mở cửa đến 20h hàng ngày và hoạt động tối đa 50% công suất.
Các quán ăn chỉ được bán đồ mang về. Phương tiện giao thông công cộng hoạt động ở mức 70% công suất. Du khách nội địa đi đường dài trước khi sử dụng phương tiện công cộng như máy bay, tàu hỏa phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19, giấy xét nghiệm PCR có kết quả âm tính.
Ngày 1/7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã công bố các biện pháp khẩn cấp tại đảo Java và Bali nhằm hạn chế sự lây lan biến thể Delta trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng vọt trong những tuần gần đây. Cùng ngày 1/7, Indonesia khởi động chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, bắt đầu tại một trường trung học công lập tại khu vực trung tâm thủ đô Jakarta. Trong giai đoạn đầu, các cơ quan chức năng dự kiến tiêm vaccine cho 100 trẻ em với sự phối hợp giữa Sở Y tế thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Giáo dục Jakarta. Trẻ em sẽ được tiêm vaccine CoronaVac do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất và đang được sử dụng rộng rãi trong chương trình tiêm chủng toàn quốc được triển khai vào ngày 13/1 vừa qua.
Thái Lan ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp, với 57 trường hợp được thông báo không qua khỏi trong ngày 1/7. Nước này cũng ghi nhận thêm 5.533 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số người nhiễm từ trước tới nay lên 264.834 ca, trong đó có 2.080 bệnh nhân tử vong. Phần lớn các ca mắc mới và tử vong ở Thái Lan được ghi nhận kể từ đầu tháng 4 khi làn sóng thứ 3 dịch COVID-19 bùng phát.
Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan đang kêu gọi các quán ăn và nhà hàng tuân thủ những hạn chế về phục vụ tại chỗ nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời cảnh báo khả năng sớm xảy ra đợt lây nhiễm thứ 4. Dự kiến, vào đầu tháng 10 tới, các bệnh viện tư nhân tại Thái Lan sẽ nhận được vaccine COVID-19 của hãng Moderna. Và trong quý IV/2021, người dân Thái Lan sẽ có cơ hội lựa chọn tiêm vaccine dịch vụ phòng COVID-19 nếu không muốn chờ vaccine miễn phí của Chính phủ. Truyền thông sở tại đưa tin, giá tiêm dịch vụ vaccine của Moderna là 3.400 Baht (khoảng 106 USD) cho hai liều, bao gồm cả phí dịch vụ và bảo hiểm.
Ngày 1/7, Malaysia ghi nhận 9.988 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ ngày 6/6 và là ngày thứ 3 liên tiếp trên mức 6.000 ca sau 5 ngày liên tiếp trên mức 5.000 ca. Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham cho biết, bang Selangor tiếp tục là địa phương có số ca mắc mới cao nhất cả nước với 2.885 ca, tiếp đó là lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur (988) ca và bang Nigeri Sembilan (692). Tới nay, Malaysia có tổng cộng 758.967 ca mắc COVID-19.
Malaysiathông báo, bắt đầu từ ngày 3/7 sẽ siết chặt hạn chế đi lại và hoạt động kinh doanh tại thủ đô Kuala Lumpur và bang lân cận Selangor. Quyết định đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Các biện pháp này sẽ kéo dài trong 2 tuần. Chỉ có các hoạt động kinh doanh thiết yếu, trong đó có các nhà máy sản xuất lương thực và những đồ thiết yếu hàng ngày được phép hoạt động.
Thủ tướng Malaysia cho biết, các biện pháp hạn chế trên toàn quốc sẽ không được nới lỏng cho đến khi số ca nhiễm giảm xuống dưới 4.000 ca/ngày. Ngoài ra, Chính phủ nước này còn ra lệnh đóng cửa thêm nhiều nhà máy ở Selangor có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.
Cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 tại Campuchia đang ở mức cao điểm khi số ca mắc mới mỗi ngày ở mức 1.000 trường hợp trong 2 ngày trở lại đây, trong khi số ca tử vong ở mức cao nhất và cao thứ hai kể từ khi dịch bùng phát.
Bộ Y tế Campuchia ngày 1/7 xác nhận, trong 24 giờ qua có thêm 999 ca mắc mới (bao gồm 132 người nhập cảnh và 867 trường hợp lây nhiễm cộng đồng) và 26 người tử vong vì COVID-19. Hiện tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 tại nước này lần lượt là 51.384 người và 628 bệnh nhân.
Trong thông điệp được phát trên truyền hình quốc gia sáng 1/7, Thủ tướng Campuchia Hun Sen bày tỏ lo ngại về biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang lây lan khắp thế giới và có thể làm làn sóng dịch thứ 3 tại Campuchia kéo dài hơn, trong khi nhiều nước phải phong tỏa các thành phố để ngăn biến thể này lan nhanh và tránh tình hình trở nên nghiêm trọng.
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, đặc biệt là biến thể virus Delta mới, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ngày 1/7 đề nghị, người nước ngoài tạm ngừng các chuyến đi qua lại biên giới Campuchia trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh rằng, không chỉ việc đi lại qua biên giới với Việt Nam mà việc qua lại biên giới với các nước như Thái Lan và Lào cũng nên dừng lại nếu không cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Người đứng đầu Chính phủ Campuchia công bố các biện pháp phòng chống biến thể Delta gồm: tăng cường quản lý cửa khẩu biên giới đường bộ, đường thủy và đường không, đặc biệt tiến hành xét nghiệm nhanh tại các cửa khẩu biên giới, cách ly đúng, tăng cường và cung cấp đủ các cơ sở cách ly, đặc biệt tại các tỉnh giáp biên giới Thái Lan.
Ngày 1/7, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo, nước này sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi đầu tiên của hãng Moderna (Mỹ) cho người từ 55 - 59 tuổi bắt đầu từ ngày 26/7 và những người từ 50 - 54 tuổi bắt đầu từ ngày 9/8. Trong khi đó, vaccine của hãng AstraZeneca (Anh) sẽ được tiêm cho những người trên 50 tuổi từ tháng 7.
Kể từ khi Hàn Quốc tiến hành chiến dịch tiêm chủng hồi cuối tháng 2 vừa qua, đến nay, hơn 15,3 triệu người đã được tiêm vaccine mũi đầu tiên, chiếm khoảng 29,9% trong tổng số 51,3 triệu dân.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()