Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:06 (GMT +7)
Số ca mắc mới ở Lào giảm mạnh, làn sóng trẻ mắc COVID-19 phải nhập viện tại Mỹ tăng cao
Thứ 2, 03/01/2022 | 07:55:16 [GMT +7] A A
Đến sáng 3/1, thế giới có trên 290,27 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,45 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 55,92 triệu ca mắc và gần 847.300 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 23.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Thế giới đã bước sang năm thứ ba phải chống chọi với đại địch COVID-19. Mỹ đang trải qua đợt tăng ca mắc mới nhanh chưa từng thấy. Chỉ trong một tuần qua, Mỹ đã 4 lần ghi nhận kỷ lục số ca nhiễm mới hàng ngày. Trong khoảng thời gian đó, nước Mỹ có thêm 2,7 triệu người mắc mới và 9.000 cư dân tử vong. Tổng thống Joe Biden cho biết, vẫn còn hàng chục triệu người Mỹ chưa tiêm chủng và tập trung phần lớn tại các vùng nông thôn.
Biến thể Omicron với khả năng lây nhiễm cao đang đẩy làn sóng trẻ em nhập viện lên mức cao kỷ lục tại Mỹ. Đây là cảnh báo mới của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ. Hãng tin AP trích số liệu cho biết, hiện mỗi ngày có khoảng 370 trẻ em tại Mỹ phải nhập viện vì mắc COVID-19, tăng 66% so với tuần trước đó. Các bác sĩ thành phố New York cho biết, số trẻ em nhập viện vì mắc COVID-19 trong 2 tuần qua đã tăng 4 - 5 lần so với khoảng thời gian trước kỳ nghỉ cuối năm. Mặc dù các dấu hiệu ban đầu cho thấy, tỷ lệ bệnh nặng gây ra bởi biến chủng mới Omicron có thể không cao, nhưng nhiều em nhập viện trong tình trạng đáng lo ngại.
Chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci ngày 2/1 cho rằng, nước này đang chứng kiến mức tăng số ca mắc mới COVID-19 "gần như thẳng đứng" do sự lây lan của biến thể Omicron. Ông cho rằng, tốc độ lây nhiễm hiện nay là "thực sự chưa từng có tiền lệ".
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 2/1, nước này ghi nhận tổng cộng trên triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ ba thế giới với hơn bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Mặc dù dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan nhanh ở nhiều quốc gia nhưng Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lạc quan rằng, đại dịch COVID-19 có thể kết thúc trong năm nay nếu tỷ lệ tiêm chủng vaccine toàn cầu tăng và các nước cùng hợp tác để kiềm chế dịch bệnh lây lan.
Theo một nghiên cứu mới nhất, biến thể Omicron tuy lây lan nhanh nhưng lại gây bệnh nhẹ hơn so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 do phổi ít bị tổn thương hơn. Tờ The New York Times đã công bố kết quả thử nghiệm trên chuột và chuột hamster cho thấy, biến thể Omicron gây ít tổn thương hơn ở mũi, họng và khí quản so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cũng có nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron có tải lượng virus trong phổi chỉ bằng 1/10 hoặc thấp hơn so với các biến thể khác.
Ban phòng chống dịch COVID-19 của Liên bang Nga cho biết, trong ngày 1/1, số ca nhiễm mới COVID-19 theo ngày của nước này lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 20.000 trường hợp trong vòng hơn 3 tháng qua. Ngày 1/1, Nga ghi nhận 19.751 ca nhiễm mới COVID-19 ở 85 địa phương, 9,3% trong số này không có biểu hiện lâm sàng. Nga cũng ghi nhận thêm 847 ca tử vong trong ngày 1/1. Trong khi đó, ngày 21/1, Nga báo cáo 18.233 ca mắc mới cùng 811 người thiệt mạng vì COVID-19
Các địa phương có số ca mắc mới trong ngày nhiều nhất là thủ đô Moscow, thành phố St. Petersburg, tỉnh Moscow. Đến ngày 2/1, Nga đã ghi nhận hơn 10,5 triệu trường hợp mắc COVID-19 và tổng số người tử vong là hơn 310.500 trường hợp.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Olivier Veran, thời gian cách ly đối với những người nhiễm đã tiêm đủ vaccine sẽ được giảm từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, và có thể chấm dứt cách ly sau 5 ngày nếu có xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, những người chưa tiêm phòng vẫn phải cách ly 10 ngày nếu nhiễm virus, và có thể hết cách ly sau 7 ngày nếu có kết quả âm tính.
Trả lời phỏng vấn của báo Le Journal du Dimanche, ông Veran cũng cho rằng, biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm quá cao, đến mức cần tái áp dụng "phong tỏa nghiêm ngặt". Trước đó, trong thông điệp mừng năm mới, Tổng thống Emmanuel Macron dự báo, vài tuần tới sẽ rất khó khăn, nhưng cho biết ông không có ý định siết chặt các biện pháp phòng dịch hơn nữa.
Ngày 2/1, Bộ trưởng Giáo dục Vương quốc Anh Nadhim Zahawi cho biết, các học sinh trung học ở vùng England được khuyến nghị đeo khẩu trang đi học khi các em trở lại trường học vào tuần tới sau kỳ nghỉ Giáng sinh, trong bối cảnh gia tăng tình trạng lây nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Chính phủ Anh đã yêu cầu những người lãnh đạo của các đơn vị công có phương án đề phòng trường hợp xấu nhất là 25% nhân viên phải nghỉ ở nhà cách ly trong những tuần tới. Ông Zahawi không loại trừ khả năng khuyến nghị học từ xa, tùy thuộc số ca mắc COVID-19 trong các học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, ông khẳng định trong tháng này, việc học và thi trực tiếp sẽ vẫn diễn ra như kế hoạch.
Bộ Y tế Australia ngày 2/1 cho biết, số ca nhiễm mới giảm trong ngày 2/1 nhưng số ca nhập viện đã tăng tại bang New South Wales, làm dấy lên lo ngại rằng hệ thống y tế quốc gia có thể quá tải. Cụ thể, số ca nhiễm mới tại New South Wales, bang đông dân nhất Australia, đã giảm từ 22.577 ca xuống còn 18.278 ca do số người đi xét nghiệm trong ngày đầu năm mới giảm 1/4. Tuy nhiên, số ca nhập viện đã tăng 18%, lên 1.066 ca cùng ngày.
Trong khi đó, tại bang Victoria, số ca nhiễm theo ngày vẫn trên 7.000 ca và bang Queensland ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục là 3.587 ca.
Viện Y tế quốc gia Italy (ISS) ngày 31/12/2021 đã công bố báo cáo mới nhất cho biết, biến thể Delta vẫn chiếm đa số ở Italy với 79% số ca mắc mới, trong khi Omicron có khả năng lây nhiễm cao nhưng ít nghiêm trọng hơn chiếm 21%. Báo cáo cũng cho biết, trong toàn bộ 20 vùng của Italy, sự khác biệt dao động từ 3% - 65%.
Báo cáo trên được công bố trong bối cảnh số liệu chính thức của Bộ Y tế Italy cho thấy, trong ngày cuối cùng của năm 2021, nước này đã ghi nhận 144.243 ca nhiễm mới COVID-19, tăng so với 126.888 ca của một ngày trước đó. Trong ngày 31/12, Italy đã thực hiện 1.224.025 xét nghiệm, so với 1.150.352 xét nghiệm ngày 30/12, với tỷ lệ dương tính đã tăng từ 11,03% lên 11,78%. Số ca phải cấp cứu tăng thêm 34, lên 1.260 và số người nhập viện tăng 284, lên 11.150.
Theo số liệu tính đến ngày 31/12, khoảng 5,5 triệu người Italy vẫn chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Chiếm tỷ lệ cao nhất là những người trong độ tuổi 5-19 (có tới 49% chưa tiêm vaccine). Tuy nhiên, một phần lý do là trẻ trong độ tuổi 5-11 mới được tiêm vaccine đại trà từ ngày 16/12.
Ngày 2/1, Tổng vụ trưởng Bộ Y tế Israel Nachman Ash cho rằng, đợt gia tăng số ca mắc mới COVID-19 do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể dẫn đến miễn dịch cộng đồng ở nước này.
Biến thể Omicron lây lan nhanh đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới chứng kiến các đợt tăng mạnh số ca mắc mới. Theo số liệu thống kê của hãng tin Reuters, trong thời gian từ ngày 24/12 - 30/12/2021, trung bình mỗi ngày trên toàn thế giới có khoảng hơn 1 triệu ca mắc mới, mức cao kỷ lục. Tuy vậy, số ca tử vong không tăng nhiều. Điều này mang lại hy vọng, biến thể mới có thể không nguy hiểm bằng các biến thể trước.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đến nay, Israel đã ghi nhận khoảng gần 1,4 triệu ca mắc. Ngày 2/1, nước này có thêm 1.407 ca mắc mới. Tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 tại Israel trong thời gian gần đây tăng mạnh, với số ca bệnh mới mỗi ngày vào khoảng 5.000 người. Giáo sư Eran Segal của Viện Khoa học Weizmann dự báo, số ca lây nhiễm tại Israel trong vòng 2 tuần tới sẽ tăng vọt lên mức hơn 30% (1/3) tổng dân số 9,5 triệu người của nước này.
Bộ Y tế Lào ngày 2/1 cho biết, trong 24 giờ qua qua, nước này ghi nhận 684 ca mắc mới COVID-19 tại 17 tỉnh, thành phố và 6 người tử vong. Có 3 ca lây nhiễm mới là người nhập cảnh. Theo Bộ Y tế Lào, ngày 2/1, sau 4 ngày liên tục ghi nhận ở mức 4 con số, số ca mắc mới tại nước này đã xuống mức 3 con số, giảm 339 trường hợp so với ngày 1/1. Thủ đô Vientiane cũng ghi nhận số ca lây nhiễm cộng đồng giảm 253 trường hợp so với ngày 1/1 nhưng vẫn đứng đầu cả nước với 121 bệnh nhân trong một ngày. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 112.767 ca, trong đó có 380 người tử vong.
Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Lào vừa bổ sung danh sách công dân các quốc gia được phép nhập cảnh nước này theo Chương trình "Vùng xanh du lịch". Theo đó, sẽ có thêm công dân từ 14 nước được phép nhập cảnh vào Lào theo chương trình du lịch nói trên, gồm Brunei, Indonesia, Philippines, Na Uy, Thụy Sĩ, Phần Lan, Israel, Ireland, Hungary, Áo, New Zealand, Ba Lan, Đan Mạch và Bỉ. Trước đó, Lào đã công bố danh sách công dân 17 quốc gia được nhập cảnh nước này từ đầu năm 2022, trong đó có Việt Nam.
Giới chức y tế Hàn Quốc cho biết, bắt đầu từ ngày 3/1 tới sẽ áp dụng "giấy thông hành vaccine" tại nhiều điểm công cộng trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng nhanh gần đây. Đáng chú ý là giấy thông hành này sẽ chỉ có hiệu lực bắt đầu từ thời điểm đủ 6 tháng sau khi tiêm các mũi cơ bản hoặc tiêm mũi tăng cường.
Theo quy định mới, người đã hoàn thành tiêm chủng vào ngày 6/7/2021 trở về trước sẽ được phép sử dụng giấy thông hành này để đến các điểm công cộng như nhà hàng, quán cà phê, nhà hát, trường luyện thi hoặc những cơ sở đa năng trong phòng kín. Những người chưa tiêm phòng sẽ cần trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus trong vòng 48 giờ trước khi vào các địa điểm trên.
Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch áp dụng một hệ thống giấy thông hành cho giới trẻ từ tháng 3 sau một giai đoạn tạm hoãn thực hiện một tháng. Quy định cũng bao gồm việc phạt hoặc thậm chí truy tố người vi phạm, bắt đầu từ ngày 10/1.
Theo vtv.vn
- Messi mắc Covid-19
- Quảng Ninh: Một người cao tuổi mắc COVID-19, có nhiều yếu tố bệnh nền tử vong
- Thông tin báo chí về tình hình dịch Covid-19 tại Quảng Ninh ngày 2/1/2022
- Ngày 2/1: Cả nước có 16.948 ca COVID-19 mới, Hà Nội lần đầu vượt mốc 2.000 ca
- Kiểm soát chặt người nhập cảnh để giám sát và phòng chống COVID-19 biến thể Omicron
Liên kết website
Ý kiến ()