Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 08/11/2024 19:40 (GMT +7)
Số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Lào tăng mạnh, Ấn Độ dự báo về làn sóng COVID-19 thứ ba
Thứ 4, 25/08/2021 | 08:53:32 [GMT +7] A A
Đến sáng 25/8, thế giới có trên 213,79 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,46 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 38,88 triệu ca mắc và gần 647.700 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm 68.700 hơn người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, số ca nhiễm, nhập viện và tử vong vì COVID-19 ở nước này đang tiếp tục tăng do sự lây lan của biến thể Delta siêu lây nhiễm. Theo báo cáo hàng tuần mới nhất của CDC, số ca nhiễm mới hàng ngày trung bình trong 7 ngày qua (133.056 bệnh nhân) đã tăng 14% so với mức trung bình của tuần trước đó (116.740 người). Tương tự, số ca mới phải nhập viện trong tuần từ ngày 11-17/8 là 11.521 ca, tăng 14,2% so với tuần trước đó (10.088 trường hợp). Các bang Alabama, Florida, Louisiana, Mississippi, Oregon và Washington có số bệnh nhân COVID-19 cao nhất. Trong khi đó, số ca tử vong mới trung bình trong tuần qua (641 ca) đã tăng 10,8% so với tuần trước đó (578 người). Tính trên cả nước, tổng số ca nhiễm biến thể Delta ước tính tăng 98,8%.
Mỹ hy vọng có thể kiểm soát đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2022 căn cứ vào việc có thêm nhiều vaccine ngừa COVID-19 được cấp phép đầy đủ trong những tuần tới. Mới đây nhất, vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) phối hợp với hãng BioNTech (Đức) đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép đầy đủ. Đây là loại vaccine COVID-19 đầu tiên được FDA cấp phép đầy đủ. Các vaccine khác đến nay đều mới chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Theo một cuộc thăm dò, khoảng 30% người dân Mỹ chưa tiêm phòng cho biết họ sẽ sẵn sàng hơn để tiêm vaccine sau khi FDA cấp phép đầy đủ. Dự kiến, FDA có thể cấp phép đầy đủ đối với vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna và hãng Johnson & Johnson trong những tuần tới, cũng như có thể cho phép tiêm vaccine cho trẻ nhỏ vào mùa thu này.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ vừa ra khuyến cáo, người dân không tự ý uống thuốc Ivermectin để điều trị hoặc phòng ngừa COVID-19. Khuyến cáo được đưa ra khi Cơ quan Y tế bang Mississippi thông báo về việc hơn 70% các cuộc gọi gần đây đến trung tâm xử lý ngộ độc của bang xuất phát từ những trường hợp uống Ivermectin, là loại thuốc trị kí sinh trùng của gia súc. Theo Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, Ivermectin không phải là thuốc chống virus và dùng liều lượng lớn thuốc này rất nguy hiểm, có thể gây tác hại nghiêm trọng. Mặc dù chủ yếu dùng cho động vật, Ivermectin đã được phê duyệt sử dụng liều nhỏ ở con người để điều trị hai căn bệnh do giun kí sinh gây ra.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 24/8, nước này ghi nhận hơn 51.000 ca mắc mới COVID-19 và 737 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 32,5 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 435.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Giới nghiên cứu y khoa Ấn Độ cho biết, một làn sóng COVID-19 thứ ba ở nước này có thể đạt đỉnh điểm vào tháng 11 tới nếu một biến thể mới, độc hại hơn biến thể Delta xuất hiện và lây lan vào cuối tháng 9. Đồng thời, trong làn sóng thứ ba COVID-19 này, số lượng ca nhiễm mới có thể không tăng cao như làn sóng COVID-19 thứ hai và nhiều khả năng diễn biến tương tự làn sóng COVID-19 đầu tiên.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 574.900 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 20,58 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Chính phủ liên bang Đức cho biết sẽ hỗ trợ các bang ở nước này 200 triệu Euro để trang bị hệ thống lọc không khí cơ động trong trường học và nhà trẻ. Giới chức Đức cho rằng, cần phải có biện pháp tốt nhất để ảo vệ trẻ em dưới 12 tuổi ở các trường học và nhà trẻ, những đối tượng hiện chưa có vaccine phòng COVID-19. Mục đích của các biện pháp trên là duy trì việc học tại trường cho các em vào mùa thu và mùa đông này. Những thiết bị lọc không khí cơ động có thể giúp các trường học và nhà trẻ tận dụng được không gian an toàn mà việc lưu thông không khí chưa hiệu quả.
Đến nay, Đức ghi nhận tổng cộng trên 3,88 triệu ca mắc COVID-19, bao gồm gần 92.500 người thiệt mạng
Biến chủng Delta đang khiến hệ thống y tế ở nhiều nước quá tải. Pháp vừa ghi nhận số người nhập viện vì COVID-19 và phải điều trị tích cực đang ở mức cao nhất trong vòng hơn 2 tháng qua. Cụ thể, trong 24 giờ qua, số người phải nhập viện vì COVID-19 đã lên mức 11.007 ca. Với tổng số ca nhiễm hơn 6,6 triệu ca, Pháp đang đứng thứ 5 thế giới về mức độ ảnh hưởng của dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế nước này dự báo, làn sóng lây nhiễm thứ 4 có thể lên tới đỉnh điểm trong vài ngày tới, đồng thời bày tỏ sự lo ngại về các tác động khi học sinh trở lại trường.
Tại Anh, Cơ quan Y tế Công cộng England cho biết, trong vòng 7 ngày qua, Anh ghi nhận trung bình 100 ca tử vong/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3. Số liệu chính thức cho thấy, trong ngày 24/8, Anh ghi nhận 174 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19, con số cao nhất kể từ ngày 12/3, trong khi số ca nhiễm mới trong ngày là 30.838. Số ca tử vong tăng mạnh được ghi nhận trong ngày 24/8 một phần do khâu báo cáo số liệu dồn lại trong dịp cuối tuần.
Trong tuần qua, Anh đã ghi nhận tổng cộng 705 trường hợp tử vong vì COVID-19, tăng 8,8%. Con số này tại Anh được tính với những người tử vong sau khi có kết quả dương tính với COVID-19 trong vòng 28 ngày. Dù số ca tử vong hiện thấp hơn nhiều so với mức đỉnh của mùa đông năm 2020 (có tới 1.248 ca được ghi nhận trong ngày 23/1), các nhà khoa học cho rằng, đây là mức tăng đáng chú ý kể từ cuối tháng 5, đầu tháng 6. Các nhà khoa học cảnh báo, tỷ lệ tử vong do COVID-19 sẽ tiếp tục tăng khi hàng triệu học sinh và sinh viên trên khắp nước Anh tựu trường vào tuần tới.
Số liệu của cơ quan trên ngày 23/8 cho thấy, số ca mắc mới (31.914 ca) cũng bắt đầu tăng trở lại sau khi giảm mạnh vào giữa tháng 7. Số trường hợp mắc trung bình trong 7 ngày qua tăng 13% so với tuần trước. Số bệnh nhân nhập viện tăng từ 672 ca vào ngày 31/7 lên 948 người vào ngày 17/8.
Hiện 77% dân số trưởng thành tại Anh đã tiêm hai liều vaccine ngừa COVID-19. Nước này cũng đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế để phòng dịch từ giữa tháng 7, cho phép người dân đi lại, giao lưu và trở lại công sở làm việc.
Thủ tướng New Zealand đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa nghiêm ngặt chống dịch COVID-19 trên toàn quốc thêm 4 ngày nữa. Bà nhấn mạnh, đợt bùng phát dịch hiện nay chưa lên tới đỉnh điểm. Đáng nói là đợt phong tỏa lần này bắt nguồn từ chỉ 1 ca được phát hiện mắc COVID-19 vào tuần trước. Nhiều ý kiến cho rằng, hành động này của New Zealand là quá sớm, khi chỉ vì 1 ca mắc mà đã phong tỏa. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đối với dịch COVID-19, nhất là với biến thể Delta, không có hành động kiểm soát dịch bệnh nào là quá sớm bởi thực tế đã cho thấy, diễn biến dịch là vô cùng khó lường.
New Zealand vốn được đánh giá là quốc gia kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 khi chỉ có 26 ca tử vong trên tổng dân số 5 triệu dân. Tuy nhiên, việc 1 ca nhiễm COVID-19 được phát hiện vào tuần trước đã đặt dấu chấm hết cho 6 tháng không có ca mắc trong cộng đồng nào tại nước này. Một đợt phong tỏa ngắn hạn đã ngay lập tức được thực thi. Và từ đó cho đến nay, chỉ trong vòng 1 tuần, New Zealand đã phát hiện hơn 107 ca mắc.
Chính phủ New Zealand đang cân nhắc khả năng gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc cấp độ 4 sau khi ghi nhận 41 ca mắc mới trong cộng đồng vào ngày 24/8, nâng tổng số người nhiễm trong cộng đồng trên cả nước lên 148 ca.
Ngày 24/8, vùng lãnh thổ thủ đô (ACT) của Australia đã ghi nhận 30 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là một mức cao kỷ lục mới tại thủ đô Canberra bất chấp việc khu vực này đã được phong tỏa 12 ngày qua. Số ca nhiễm trên nâng tổng số ca liên quan đến ổ dịch này lên 167 trường hợp, trong đó có 4 người đang phải điều trị trong bệnh viện.
Tính đến sáng 24/8, bang New South Wales, bang đông dân nhất nước này với thủ phủ là Sydney, đã ghi nhận 753 ca nhiễm mới trong cộng đồng. Trong khi đó, bang Victoria đông dân thứ hai với thủ phủ là Melbourne đã ghi nhận 50 ca nhiễm mới trong cộng đồng. Đến nay, một nửa dân số Australia sống tại các bang New South Wales, Victoria và vùng ACT đang phải phong tỏa.
Israel đã vượt mốc 1 triệu ca mắc COVID-19 kể từ đầu dịch. Ngày 24/8, Israel ghi nhận thêm 6.896 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm lên trên 1 triệu trường hợp. Tổng số ca tử vong hiện nay là 6.880 người.
Bộ Y tế Israel cho biết, cơ quan này đang gấp rút chuẩn bị tiêm mũi vaccine thứ 3 cho người từ độ tuổi 30 và sau đó phổ cập mũi bổ sung cho tất cả các đối tượng còn lại. Bên cạnh đó, Israel cũng cân nhắc khả năng rút ngắn thời hạn sử dụng cho Thẻ Xanh (Green Pass) xuống còn 6 tháng đối với những người đã tiêm 2 mũi nhưng từ chối tiêm mũi bổ sung. Trước đó, Green Pass có hạn sử dụng đến cuối năm 2021 đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Israel cũng đang thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine cho học sinh, sinh viên trước khi bước vào năm học mới trong tháng 9 tới. Đến nay, đã có 41% học sinh trong độ tuổi từ 12 - 15 được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và tỷ lệ này đạt 79% đối với độ tuổi 16 - 19.
Tại Đông Nam Á, Philippines ghi nhận 12.067 ca mắc mới trong ngày 24/8. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Phillippines đã lên tới 1,86 triệu người. 1/5 trong số này mới chỉ được phát hiện trong 40 ngày qua.
Philippines đã phê duyệt cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 Sputnik Light của Nga. Nước này đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á phê duyệt loại vaccine một liều tiêm này.
Nhà chức trách thủ đô Indonesia cho biết, nhiều tuần sau khi biến thể Delta hoành hành, thủ đô Jakarta đã đạt miễn dịch cộng đồng, bất chấp thực tế là tỷ lệ tiêm vaccine đủ liều ở thành phố này mới đạt hơn 54%. Vào ngày 30/8, Tổng thống Widodo dự kiến sẽ thông báo liệu có gia hạn các biện pháp hạn chế xã hội đã được áp dụng ở đảo Java và Bali hay không.
Tổng thống Widodo cho biết, việc thực hiện các hạn chế đối với những hoạt động cộng đồng ở khu vực Jakarta, Bogor, Depok, Tangerang và Bekasi sẽ giảm xuống cấp độ 3 trong thời gian từ ngày 24 đến ngày 30/8. Trung tâm mua sắm và trung tâm thương mại được phép mở cửa tối đa 50% đến 20h hàng ngày. Các cơ sở tôn giáo được phép hoạt động với tối đa 30 người. Nhà hàng được phép mở cửa với công suất phục vụ tối đa 25% sức chứa, một bàn với 2 người và giờ mở cửa giới hạn đến 20h. Các ngành công nghiệp hỗ trợ và định hướng xuất khẩu có thể hoạt động 100% công suất.
Indonesia sẽ dần mở cửa trở lại như vậy. Tuy nhiên, theo thông báo của Bộ Y tế Indonesia, trong ngày 24/8, nước này vẫn ghi nhận thêm 19.106 ca nhiễm mới và 1.038 trường hợp tử vong.
Indonesia đã bắt đầu chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 có tính phí dành cho người nước ngoài. Chương trình này được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho những người nước ngoài không thể tiêm chủng từ các đại sứ quán. Để được tiêm chủng, mỗi người nước ngoài phải trả 700.000 Rupiah (gần 49 USD) cho mỗi liều vaccine. Loại vaccine được sử dụng cho chương trình này là vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Theo Thống đốc Jakarta, số lượng kiều dân nước ngoài sống tạm trú tại Indonesia khá lớn. Chính quyền thành phố Jakarta cam kết cung cấp 1.000 liều vaccine mỗi ngày cho các đối tượng này.
Bộ Y tế Thái Lan đang lên kế hoạch tiến hành xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng đối với hơn 200.000 người tại tất cả các chợ dân sinh ở 29 tỉnh thuộc vùng đỏ sẫm. Vùng này nằm trong diện kiểm soát nghiêm ngặt và tối đa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đây được coi là một biện pháp chủ động nhằm giảm đà lây lan COVID-19 sau khi nhà chức trách Thái Lan phát hiện, các khu chợ dân sinh là những ổ dịch lớn. Theo đó, từ ngày 1- 10/8, Thái Lan đã phát hiện có hơn 14.000 ca nhiễm COVID-19 liên quan tới tổng cộng 132 chợ ở 23 tỉnh ở nước này.
Ngày 24/8, Thái Lan tiếp tục ghi nhận thêm 17.165 ca mắc COVID-19 và 226 người thiệt mạng, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên hơn 1 triệu trường hợp, cùng 9.788 bệnh nhân không qua khỏi.
Bộ Y tế Lào ngày 24/8 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 336 ca mới, trong đó 189 người nhập cảnh được cách ly ngay và 147 trường hợp mắc trong cộng đồng. Số ca nhiễm trong cộng đồng tại Lào tiếp tục tăng cao với nhiều chuỗi lây nhiễm mới được phát hiện, đặc biệt là ổ dịch tại trại giam ở tỉnh Savannakhet. Trong 24 giờ qua, Savannakhet là tỉnh ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng cao nhất cả nước với 128 ca, trong đó hầu hết là các phạm nhân trong trại giam.
Cơ quan y tế các tỉnh của Lào như Bokeo, Savannakhet, Champasak đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine. Đây là các tỉnh có tỷ lệ ca mới ở mức cao trong nhiều ngày qua do có đường biên giới chung với Thái Lan và ghi nhận hàng trăm lao động Lào về nước.
Tính từ đầu dịch, Lào ghi nhận tổng cộng 12.957 ca mắc COVID-19, trong đó có 11 người tử vong. Đã có 2,1 triệu người được tiêm mũi đầu vaccine ngừa COVID-19 và trên 1,6 triệu người được tiêm phòng đầy đủ.
Số ca mắc mới COVID-19 của Hàn Quốc đã tăng trở lại trên mức 1.500 ca/ngày, với 1.505 trường hợp được ghi nhận trong ngày 24/8, đưa tổng số lên 239.287 bệnh nhân kể từ đầu dịch. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong số các ca mắc mới, có 1.470 người lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca mắc COVID-19 theo ngày ở Hàn Quốc, ở mức trên 1.000 ca trong ngày thứ 49 liên tiếp, thường giảm vào thứ Hai và thứ Ba hàng tuần do có ít xét nghiệm hơn vào cuối tuần nhưng tăng trở lại từ thứ Tư. Cũng theo cơ quan trên, số ca tử vong vì dịch COVID-19 ở Hàn Quốc cũng tăng 6 ca, lên 2.228 người.
Ngày 24/8, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, Trung Quốc đại lục ghi nhận 35 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 24/8, trong đó có 1 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và 34 người nhập cảnh. Theo số liệu của NHC, trong số các ca mắc nhập cảnh, có 9 người ở Thượng Hải, 8 ở Quảng Đông, 7 ở Chiết Giang, 4 ở Vân Nam, Phúc Kiến và Tứ Xuyên mỗi nơi có 2 người và Thiên Tân và Thiểm Tây mỗi nơi có 1 trường hợp mắc mới. Không có thêm trường hợp tử vong vì COVID-19 nào được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục trong ngày 24/8.
Tính tới ngày 24/8, tổng số bệnh nhân COVID-19 đã được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục là 94.687 người, trong đó 4.636 trường hợp đã tử vong và 88.417 bệnh nhân đã bình phục.
Đại dịch COVID-19 có thể đã đẩy 80 triệu người ở khu vực châu Á đang phát triển rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực vào năm 2020, đe dọa làm chệch hướng tiến độ đạt được các mục tiêu toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng nghèo đói vào năm 2030. Đây là nhận định được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra.
ADB ước tính, tỷ lệ người nghèo cùng cực ở khu vực châu Á, những người có mức sống chưa tới 1,9 USD/ngày, đã giảm từ mức 5,2% của năm 2017 xuống còn 2,6% trong năm 2020, khi chưa bùng phát dịch COVID-19. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch này gây ra có thể đã khiến tỷ lệ người nghèo theo ước tính tăng khoảng 2% trong năm 2020.
Trong số các nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương, chỉ có khoảng 25% ghi nhận tăng trưởng kinh tế trong năm 2020. Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, khu vực này đã mất khoảng 8% số giờ làm việc, ảnh hưởng đến các hộ gia đình nghèo và người lao động làm việc trong lĩnh vực phi chí chính thức.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()