Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:34 (GMT +7)
Số ca chết não hiến tạng tăng 173% trong năm 2024
Thứ 3, 07/01/2025 | 21:59:32 [GMT +7] A A
Năm 2024, Việt Nam có 41 ca chết não gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng, tăng 173,3% so với ba năm trước cộng lại.
Chiều 7/1, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tổ chức tổng kết công tác của trung tâm năm 2024, phương hướng hoạt động năm 2025.
Tăng 173% ca chết não hiến tạng
Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 10 đến 12 ca hiến tạng sau chết. Năm 2024, Việt Nam có 41 ca chết não gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng. Con số này chiếm 13% trong tổng số ca ghép tạng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhấn mạnh: Năm 2024 là năm chứng kiến kỷ lục về ca hiến tạng tại Việt Nam, tăng 173,3% so với tổng số 3 năm trước cộng lại (36 trường hợp). Điều đáng nói trong số 41 ca hiến tạng sau chết não tập trung ở 13 tỉnh, thành phố (gồm 11 địa phương ở miền bắc và 2 địa phương ở miền nam)", Phó Giáo sư Hệ bày tỏ.
Để đạt được số ca hiến gọi là kỷ lục, bên cạnh công tác truyền thông, một trong những vấn đề quan trọng là sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước. Ngày 19/5/2024, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham gia "Lễ Phát động: Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" do Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức, sự kiện đã lan tỏa lớn trong cộng đồng, thu hút nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức tham dự.
Ngày 17/5/2024, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã có thư phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng trong ngành y tế. Từ đó nhiều bệnh viện trên cả nước đã tổ chức Lễ phát động đăng ký hiến tặng, mô tạng tại bệnh viện.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn chỉ đạo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tập trung đào tạo các bệnh viện để phát hiện, tư vấn cho người nhà bệnh nhân chết não tiềm năng hiến tạng. Việc này trước đây chưa được nhấn mạnh, bây giờ cần quan tâm những hoạt động đó, cần được coi là thường quy, một nét văn hóa, gọi là văn hóa hiến tạng tại các bệnh viện.
Trung tâm còn đào tạo trực tiếp tại bệnh viện, thường sau khi đào tạo các bệnh viện đó có ca đồng ý hiến mô, tạng ngay như Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương…
Sự phối hợp chặt chẽ với Hội Vận động hiến tặng mô, bộ phận người Việt Nam trong việc tuyên truyền, đào tạo, thành lập Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại bệnh viện.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế cho biết, trải qua hơn 30 năm thực hiện ghép tạng, với ca ghép thận đầu tiên vào tháng 6/1992, tính đến hết năm 2024, chúng ta đã thực hiện được 9.516 ca trên cả nước với sự tham gia của 27 bệnh viện, trung tâm.
Ba năm trở lại đây, mỗi năm chúng ta đã thực hiện thành công trên dưới 1.000 ca ghép tạng, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên từng đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của nhân dân, tỷ lệ 94% tạng ghép từ hiến sống là quá cao và tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng từ người chết não ở Việt Nam là rất thấp.
Năm 2024 cũng là năm mà chuyên ngành ghép tạng ghi dấu ấn mạnh mẽ khi được vinh danh là một trong những sự kiện tiêu biểu của y học Việt Nam. Chúng ta đã thực hiện thành công ca ghép tim-gan đồng thời đầu tiên tại Việt Nam và thực hiện ca ghép khí quản từ người cho chết não, một kỹ thuật hiếm gặp không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới. Chúng ta đã thực hiện thành công 03 ca ghép phổi chỉ riêng trong năm 2024, nâng tổng số ca ghép phổi lên 12 ca kể từ khi ca đầu tiên được thực hiện vào năm 2017.
"Năm 2024, hàng chục Chi hội vận động hiến mô, cơ thể người trong hệ thống y tế công lập và tư nhân đã giúp tăng thêm số người đăng ký hiến mô, tạng. Tôi tin rằng với sự năng nổ tích cực của Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, con số này không ngừng gia tăng thời gian tới", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Băn khoăn chi phí ghép, bảo tồn tạng
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tin tưởng, trong tương lai, Việt Nam sẽ đuổi kịp các nước trong khu vực về con số người chết não hiến tạng.
"Kỹ thuật ghép ngày càng đạt trình độ cao, tiến tới có thể tiến hành chia gan để ghép cho nhiều người, cứu được nhiều người", nguyên Bộ trưởng Y tế chia sẻ.
Phó Giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết thêm, theo thông tin từ BHXH, tiến tới BHXH sẽ thanh toán 100% các ca ghép thận. Bà cũng bày tỏ mong muốn ngành y tế hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển lĩnh vực ghép tạng, bao gồm cập nhật hướng dẫn chuyên môn, xây dựng quy trình kỹ thuật, định mức tiêu hao.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng bày tỏ còn nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách cho các hoạt động tư vấn hiến mô tạng từ người chết não, chết tim. Hiện nay trên cả nước chỉ có số ít bệnh viện thành lập được tổ tư vấn, vận động hiến tạng, nguyên nhân là chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ thực sự phù hợp.
Ngoài ra, các chi phí cho các hoạt động hồi sức, chẩn đoán chết não, lấy, bảo quản, điều phối, vận chuyển mô, tạng cũng như các chi phí để thực hiện dịch vụ kỹ thuật liên quan tới ghép tạng vẫn chưa được xây dựng thống nhất, khiến cho các bệnh viện gặp nhiều khó khăn khi thanh toán các khoản chi phí này, đặc biệt là các bệnh viện tham gia vào quá trình lấy tạng.
Đứng trước những thách thức đó, Bộ Y tế đã và đang quyết liệt chỉ đạo để từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động hiến, lấy, ghép mô tạng phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Bước đầu là cập nhật, hoàn thiện hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, từ đó đưa ra định mức kinh tế-kỹ thuật, xây dựng một mức giá được tính đúng, tính đủ, bao phủ toàn bộ chi phí cấu thành, và hướng đến thanh toán bảo hiểm y tế.
Cụ thể hóa, trong năm 2024, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về hiến, lấy, ghép, vận chuyển, bảo quản và chăm sóc sau ghép gan từ người hiến sống và từ người hiến chết não; và vào những ngày cuối năm, Thông tư số 48 quy định về đăng ký ghép và nguyên tắc điều phối, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người hiến sau khi chết ra đời để hướng dẫn, cụ thể hóa cũng như vận động việc hiến mô, tạng sau khi chết.
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị chức năng tập trung nghiên cứu, vận dụng đề xuất các chính sách chi trả, cũng như cơ cấu giá hợp lý, để bảo đảm tính bền vững và thúc đẩy công tác ghép tạng tại Việt Nam; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hệ thống đăng ký và điều phối hiến-ghép tạng.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa nhân văn của việc hiến tạng.
Tại các cơ sở y tế, cần tăng cường hỗ trợ, tư vấn và vận động hiến tạng, đặc biệt là các khoa hồi sức cấp cứu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ cho biết, để nguồn tạng hiến tăng nhiều trong thời gian tới rất cần có sự ủng hộ mạnh từ 3 phía: Sự ủng hộ của cả cộng đồng xã hội; sự vào cuộc của ngành y tế, đặc biệt sự quyết liệt từ phía bệnh viện vì nơi đây tập trung vào bệnh nhân chết não tiềm năng. Các bệnh viện cần phát hiện bệnh nhân có nguy cơ chết não tiềm năng để tiếp cận tới gia đình, từng bước thực hiện tư vấn; cuối cùng là sự ủng hộ của hệ thống pháp luật.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()