Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:45 (GMT +7)
Siro ho: Khi nào dùng, có phải kiêng đồ ăn tanh, rau sống?
Chủ nhật, 11/06/2023 | 17:07:45 [GMT +7] A A
Siro chống ho là một loại thuốc dễ uống để điều trị ho, thường được mua dùng phổ biến. Tuy nhiên, nếu không biết cách uống đúng lúc và tránh một số thực phẩm không hợp, có thể không khỏi ho mà còn mang thêm bệnh.
Bác sĩ Yên Lâm Phúc, Học viện Quân y, cho biết mọi người thường dùng siro ho nhưng không biết cách dùng chúng sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Thực tế, dùng siro ho không dễ như "uống nước". Chúng ta cần lưu ý một số điểm sau:
Đang ho nặng không nên dùng?
Thuốc siro chống ho vẫn được gọi là thuốc giảm ho và khuyên dùng ở những người có ho. Điều này gần đúng chứ chưa đúng hoàn toàn. Và điều cần chú ý đó là những người ho nặng thì lại không nên dùng thuốc này.
Siro không có tác dụng chống ho trực tiếp. Trong thành phần của thuốc không có thuốc ức chế ho ngoại vi và ức chế ho trung ương trên não bộ. Chúng chỉ có tác dụng chống ho gián tiếp khi tác dụng long đờm được thể hiện. Hết đờm thì ho cũng giảm.
Thuốc cũng có tác dụng chống ho nhờ vào một số thành phần có tác dụng chống dị ứng, chống mẫn cảm với gió lạnh, nhưng không có thành phần ức chế ho theo đúng nghĩa.
Không có thuốc chống ho chuyên dụng nhưng thuốc lại làm loãng đờm, điều này đã gây ra ho mạnh hơn ở thời điểm ngay sau khi dùng thuốc. Nếu như bị ho liên tục, ho thành tràng, ho đến rát cả cổ thì không nên dùng thêm thuốc siro lúc này vì chỉ càng làm cho tình trạng ho mạnh hơn mà thôi.
Thuốc lúc này nên dùng đó là thuốc ức chế ho chuyên dụng để giảm ho cho người bệnh. Sau khi ho đã giảm thì siro điều trị mới nên dùng. Ho vừa dứt và người bệnh vừa đỡ mệt, đó là chiến lược dùng thuốc khôn ngoan.
Uống trước ăn
Nếu đã uống siro chống ho thì đừng nên uống trước ăn, vì nó có thể gây ra giảm cảm giác thèm ăn ở người dùng, nhất là trẻ nhỏ.
Nguyên nhân là thuốc siro chống ho rất dễ gây ra ho từ tác dụng lỏng đờm. Nếu như bạn cho em bé uống ngay trước ăn thì em bé sẽ bị ho liên tục. Ho nhiều và mạnh dễ gây ra nôn trớ và không muốn ăn.
Cho nên tốt nhất là nên tránh uống trước ăn tối thiểu 1 giờ. Còn tốt hơn hết là uống thuốc sau khi ăn 30 phút. Thời gian này đủ để cho thuốc cách xa bữa ăn một khoảng an toàn và thực phẩm kịp đi xuống ruột. Tình trạng nôn trớ không xảy ra.
Không uống gần giờ ngủ
Siro chống ho về mặt cơ bản không có tác dụng lên thần kinh trung ương, không có tác dụng phụ gây mất ngủ, không gây ra thức giấc. Nhưng nó lại không thể dùng quá gần giấc ngủ vì nó có thể gián tiếp gây ra mất ngủ cho người dùng.
Lý do đơn giản là vì siro chống ho rất hay chứa các thuốc làm lỏng đờm, loãng đờm, tan đờm. Về mặt bản chất chúng làm tăng tiết dịch từ đường hô hấp vào trong đờm và đờm tăng về số lượng và giảm về độ đặc.
Điều này kích thích gây ho mạnh. Đờm càng lỏng thì gây ho càng nhiều. Tác dụng này về mặt điều trị là tốt (vì dễ đẩy được đờm ra ngoài), nhưng về mặt cơ thể thì chưa tốt vì ho làm cho người bệnh không ngủ được.
Thường thì tác dụng lỏng đờm gây tăng phản xạ ho xuất hiện chừng 20-30 phút sau uống và nó kéo dài chừng 1-2 giờ sau đó. Những người có ngưỡng kích thích đường hô hấp thấp, tức là dễ ho thì càng hay gặp phải sự cố này.
Để chống lại tác hại không mong muốn, chúng ta không nên uống gần giấc ngủ buổi tối. Tối thiểu phải uống trước khi ngủ 3 giờ đồng hồ. Ví dụ bạn ngủ lúc 10h tối thì bạn nên uống lúc trước 7h tối là được.
Tránh thực phẩm có mùi tanh khi dùng siro giảm ho
Thuốc siro chống ho là dạng thuốc lỏng, dễ uống, được dùng để điều trị ho nhưng khi dùng thuốc cần cố gắng tránh thực phẩm tanh hoặc có nguồn gốc từ động vật dưới nước để thuốc phát huy tác dụng trị bệnh.
Thực ra, giữa chất tanh hoặc giữa các thực phẩm có nguồn gốc thủy hải sản và thuốc không có tác dụng đối kháng trực tiếp. Nhưng tốt hơn hết là không nên dùng chung. Lý do ở đây đó chính là thực phẩm thủy sản làm giảm sự hấp thu của thuốc.
Siro chống ho về mặt cơ bản là thuốc được bào chế từ thảo dược. Nó rất gần thuốc đông y về mặt thành phần. Một trong các nguyên tắc cơ bản của thuốc đông y là kiêng không dùng chất tanh. Có nhiều lý do mà một trong các lý do đó là thực phẩm thủy sản dễ gây đi ngoài ở những người có thể trạng tiêu hóa kém.
Siro lại được bào chế dưới dạng cây cỏ, cũng ở dạng thô là chính. Hai thứ này kết hợp cùng nhau thì nguy cơ tiêu chảy ở những người kém về tiêu hóa rất cao.
Bên cạnh đó, trong thành phần của siro chống ho thường có thuốc chống dị ứng. Thủy sản lại là những thứ gây dị ứng dễ nhất. Dùng chung hai thứ này hoàn toàn trái ngược nhau. Cho nên, về mặt lợi mà nói, người ta khuyên không nên dùng thực phẩm thủy sản chung với siro chống ho.
Chớ dùng rau sống
Đây cũng là nguyên tắc kết hợp thực phẩm khi dùng thuốc siro chống ho. Nhìn chung đã dùng siro chống ho thì không nên dùng rau sống, nhất là rau muống sống. Có nhiều lý do nhưng một trong các lý do đó là rau muống sống thường gây ra khó tiêu, chậm tiêu hoặc dễ gây ra rối loạn tiêu hóa.
Trong khi đó thuốc siro lại cần dễ được hấp thu, nhất là ở đoạn ruột non. Nếu như dùng rau muống sống thì sự hấp thu này ở ruột non giảm hẳn.
Hơn thế nữa, rau muống sống nếu như không được vệ sinh thì dễ gây tiêu chảy giống như với thực phẩm chứa chất tanh.
Cho nên, lợi ích tốt nhất cho siro chống ho là tránh dùng rau muống sống. Chúng ta sẽ tránh được các tương tác bất lợi do thuốc gây ra.
Theo Tuổi trẻ
Liên kết website
Ý kiến ()