Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:37 (GMT +7)
Siết chặt quản lý, quy hoạch đất đai
Thứ 4, 06/07/2022 | 10:03:34 [GMT +7] A A
Những tháng đầu năm nay, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng do dịch Covid-19 cùng những biến động thị trường trong nước và thế giới, KT-XH của tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng. Để làm nên thành công đó, một trong những giải pháp được tỉnh chú trọng thực hiện đó là tăng cường công tác quản lý quy hoạch, siết chặt quản lý đất đai, xây dựng và GPMB.
Bám sát chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, những tháng đầu năm nay, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã quyết liệt triển khai các biện pháp tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn và các quy hoạch liên quan đến sử dụng đất. Tinh thần chung về công tác này được các đơn vị, địa phương triển khai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai; ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, sử dụng đất sai mục đích, không hiệu quả, những dự án thi công khi chưa đảm bảo đầy đủ các trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định. Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp buông lỏng quản lý, để xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai; tuyệt đối không hợp thức hoá các sai phạm của các dự án dưới mọi hình thức...
Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng rà soát quy hoạch. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là công cụ quan trọng trong định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển KT-XH, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh; là cơ sở để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát triển bứt phá, hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đã đề ra trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo. Đến nay, Quy hoạch đã được Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh nhất trí thông qua. Dự kiến, Quy hoạch này được HĐND tỉnh xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2022).
Cùng với quy hoạch của tỉnh, tỉnh cũng phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Liêu đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP Uông Bí; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Quy hoạch chung TP Hạ Long và điều chỉnh quy hoạch chung TX Quảng Yên.
Tỉnh cũng quan tâm hướng dẫn các địa phương: Uông Bí, Cẩm Phả, Đông Triều, Đầm Hà, Tiên Yên, Hải Hà, Ba Chẽ hoàn thiện các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung thị trấn đang triển khai; hủy bỏ nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng các vùng than: Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí - Đông Triều trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, xử lý các dự án đầu tư có sử dụng đất, mặt nước chậm tiến độ, vi phạm pháp luật đợt I/2022; hoàn thiện Đề án phát triển nhà ở công nhân, lao động có kỹ thuật về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh và những đề án xây dựng, phát triển KKT, KCN, CCN đến năm 2030, định hướng đến năm 2040...
Song song với đó, công tác GPMB thực hiện các dự án, công trình trọng điểm cơ bản đáp ứng yêu cầu. 6 tháng đầu năm nay, nhiều dự án trọng điểm tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ, như: Đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh 342 từ TP Hạ Long qua huyện Ba Chẽ đến giáp địa phận tỉnh Lạng Sơn...
Mặc dù vậy, hiện vẫn còn một số dự án gặp vướng mắc, như: Cầu Cửa Lục 3 còn vướng trong GPMB chuyển đổi mục đích sử dụng 2,78ha rừng tự nhiên ngập mặn; Dự án đường ven sông nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1) chậm tiến độ do có diện tích lớn cần GPMB đi qua đất rừng, đất lúa, đất ở và các công trình phụ trợ; dự án đường trục chính trung tâm Khu đô thị Cái Rồng (giai đoạn 2) chưa hoàn thành do vướng GPMB đối với hơn chục hộ dân... Xác định những tồn tại, hiện tỉnh đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh các phần việc để các dự án sớm hoàn thành.
Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai cùng các nguồn lực tài nguyên. Theo đó, tập trung rà soát quỹ đất tại những địa phương trọng điểm, KCN, KKT, đô thị, các khu vực gắn với hệ thống giao thông động lực mới được hình thành, đã và đang được đầu tư. Đồng thời, kiên quyết chỉ đạo khắc phục những hạn chế liên quan đến công tác quản lý đất đai thông qua các cuộc thanh tra, giám sát, kiểm toán; rà soát, xử lý các dự án đầu tư có sử dụng đất, mặt nước chậm tiến độ, vi phạm pháp luật và tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản...
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của 13 địa phương và tiếp tục lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Tỉnh cũng cho thuê đất để thực hiện 22 dự án với 231,41ha; giao đất thực hiện 32 dự án với 581,79ha; gia hạn thời gian sử dụng đất để thực hiện 26 dự án với 414,94ha. Đồng thời, thu hồi đất 11 dự án với 65,28ha; ký 60 hợp đồng thuê đất (ký mới 20 hợp đồng, ký lại 40 hợp đồng do hết hạn thời gian ổn định giá thuê đất).
Ngoài ra, tỉnh cũng phê duyệt giá đất cụ thể cho 30 dự án; xử lý 104 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trình HĐND tỉnh thông qua danh mục công trình, dự án nhà nước thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng đợt I/2022...
Đồng bộ các giải pháp quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị và nâng cao đời sống nhân dân.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()