Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:50 (GMT +7)
Siết chặt quản lý ngân sách, đầu tư công và nâng cao chất lượng công trình
Thứ 6, 14/04/2023 | 19:24:38 [GMT +7] A A
Ngày 14/4, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi kiểm tra việc thực hiện một số nhiệm vụ, công trình dự án thuộc chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh và một số Nghị quyết của HĐND tỉnh trên địa bàn huyện Bình Liêu. Cùng đi có lãnh đạo một sở, ngành liên quan.
Qua kiểm tiến độ triển khai một số dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn huyện, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Ngay sau Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành ngay Nghị quyết số 06 và sau đó là Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và một số các nghị quyết khác như Nghị quyết số 99/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 về bổ sung cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương; phân bổ, điều chỉnh dự toán ngân sách cấp tỉnh năm 2022 và phương án sử dụng tăng thu, kết dư ngân sách cấp tỉnh năm 2021; Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 Quy định về cơ chế phân bổ nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách cấp huyện thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 – 2025…
Theo đó, tỉnh đã ưu tiên dành nguồn lực lớn để không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các địa bàn vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo để mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Trong đó, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể; phát triển toàn diện y tế, giáo dục và đào tạo gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập người dân; gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp, tinh thần tự lực, ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và nguồn lực nội sinh của đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, củng cố và giữ vững niềm tin của đồng bào với Đảng, chính quyền; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Thực tế tại công trình Trường THPT Bình Liêu – một trong những công trình được cụ thể hóa từ Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết 99 của HĐND tỉnh với mục tiêu mỗi địa phương sẽ có một trường học công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ vui mừng, phấn khởi vì trong thời gian ngắn, khối lượng công việc lớn nhưng đến nay đã hiện hữu một công trình trường học đồng bộ, khang trang. Công trình hiện đang được đầu tư xây dựng trên diện tích 3,1 ha, với tổng mức đầu tư 95 tỷ đồng, gồm các hạng mục là nhà học chính, nhà học bộ môn, nhà hiệu bộ, nhà công vụ, khu nhà đa năng và các hạng mục phụ trợ khác. Tính đến thời điểm này, khối lượng dự án đã đạt trên 85%, dự kiến hoàn thành trong tháng 7 tới, sẽ đưa vào sử dụng trước dịp khai giảng 5/9/2023. Qua đây, cho thấy sự quan tâm rất lớn của tỉnh dành cho giáo dục đào tạo, nhất là ở vùng khó với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Đồng thời, thể hiện năng lực của nhà đầu tư và đơn vị thi công khá tốt.
Hiện công trình đang trong giai đoạn hoàn tất hạng mục cuối cùng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư phải phối hợp đảm bảo sự đồng bộ trong việc hoàn thiện các hạng mục liên quan đến mỹ thuật, nội thất, đảm bảo đồng bộ, phát huy hiệu quả ngay sau khi đưa vào sử dụng, nhất là ở các phòng học chức năng, phòng học thông minh. Ngoài ra, sớm hoàn thiện hạng mục cây xanh trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội hóa.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, đồng chí cũng chỉ ra một số công trình vẫn bộc lộ những vấn đề cần quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện. Trong đó có Dự án cải tạo, nâng cấp đường liên xã Húc Động – Đồng Văn, Cao Ba Lanh kết nối đến Quốc lộ 18C do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Liêu làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 430 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến hơn 43 km. Qua kiểm tra cho thấy, tiến độ triển khai và kết quả đạt được còn ở mức độ chưa cao; việc tổ chức thi công một số vị trí chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, nếu không xử lý tốt, có nguy cơ sạt lở khi có mưa lớn; qua đó cho thấy năng lực quản lý đầu tư công của địa phương còn hạn chế.
Đồng chí cũng nhắc nhở tất cả các địa phương trong tỉnh về nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, nhất là nguồn vốn ngân sách do cấp huyện quản lý, các công trình dự án thuộc các chương trình mục tiêu của tỉnh hỗ trợ do cấp huyện phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, tổ chức thực hiện; phải tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, tài sản công, nghiêm túc trong tuân thủ các quy định, tiêu chí, nguyên tắc trong đầu tư công, siết chặt khâu giám sát, quản lý chất lượng, khối lượng thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán để nâng cao tỷ lệ giải ngân theo đúng Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy gắn với nâng cao chất lượng công trình, hoàn thành đúng tiến độ và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Các sở, ngành của tỉnh phải tăng cường phối kết hợp với địa phương trong hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, thất thoát lãng phí và ảnh hưởng chất lượng công trình.
Đồng chí phê bình huyện Bình Liêu trong triển khai vốn hỗ trợ sản xuất chậm, chưa tập trung quyết liệt, kịp thời, người dân chưa thực sự bắt nhịp một cách mạnh mẽ. Thời gian tới, yêu cầu Văn phòng điều phối Nông thôn mới, Ban Dân tộc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tăng cường kiểm tra, giám sát nội dung này.
Cũng trong quá trình kiểm tra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý huyện Bình Liêu đang sở hữu nguồn sinh thủy rất quý, địa phương cần tăng cường bảo vệ quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước sạch, gắn chặt với mỗi cộng đồng tự quản.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()