Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:00 (GMT +7)
Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp
Thứ 2, 11/07/2022 | 15:15:24 [GMT +7] A A
Kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp bất chính với hình thức sinh lợi nhuận từ việc tuyển dụng các thành viên mới vẫn đang “len lỏi” ở một số địa phương. Thời gian qua, Sở Công Thương đã đẩy mạnh các biện pháp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn, nhất là đối với đa cấp biến tướng.
Bán hàng đa cấp là một phương thức kinh doanh hiện đại, mang lại hiệu quả cao ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, khi triển khai tại Việt Nam, cũng là mô hình kinh doanh dễ bị lợi dụng, biến tướng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết để lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia vào các hoạt động đa cấp trái phép nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, do đặc thù của loại kinh doanh này không có địa điểm kinh doanh cố định; các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hầu hết không có trụ sở, văn phòng đại diện nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý.
Ghi nhận tại huyện Ba Chẽ, là địa phương vùng cao với nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, bà Triệu Thị Sáu (khu 1, thị trấn Ba Chẽ) chia sẻ: Khoảng hơn 1 tháng trước, cũng có một số người đến nói thuê nhà tôi để quảng bá, bán thuốc và kêu gọi chúng tôi cùng bán sản phẩm, mời gọi người thân đến cùng tham gia vào mạng lưới bán thuốc để tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tôi nắm được thông tin qua các buổi tuyên truyền tại nhà văn hóa, phát tờ rơi tại nhà nên đã hiểu được việc lừa đảo bán hàng đa cấp, vì vậy luôn cẩn trọng. Tôi đã không đồng ý với phương thức bán hàng này và báo cáo với trưởng khu về vấn đề này. Ngay sau đó, những đối tượng đó đã rời đi.
Theo nhận định của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ba Chẽ, hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương những năm qua có diễn biến hết sức khó lường. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, đã có những đối tượng tới dụ dỗ để tham gia vào đường dây bán hàng đa cấp biến tướng. Để nâng cao nhận thức cho người dân, huyện đã tăng cường phối hợp với Sở Công Thương và các ngành chức năng tăng cường kiểm soát, giám sát các hoạt động trên địa bàn. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu huyện có thêm các hoạt động tuyên truyền, tập huấn tới người dân để người dân nắm và hiểu rõ hơn về hoạt động bán hàng đa cấp, tránh không bị những đối tượng xấu lợi dụng.
Để nâng cao nhận thức cho người dân về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và các hình thức đa cấp biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thực hiện các hoạt động huy động tài chính trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Sở Công Thương đã tổ chức điều tra 7.000 phiếu khảo sát trên địa bàn 13/13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Kết quả khảo sát cho thấy hiệu quả công tác tuyên truyền về nội dung này trong những năm qua còn hạn chế, phần lớn người dân còn thiếu hiểu biết về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, tỷ lệ người dân hoàn toàn chưa biết đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chiếm 43,2%. Đối tượng khảo sát là những người dân có trình độ dân trí thấp, sinh sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Để nâng cao hiểu biết cho người dân về hoạt động bán hàng đa cấp, Sở Công Thương đã định hướng các hình thức tuyên truyền, thông tin đến người dân phải thực hiện thường xuyên, rộng rãi, đa dạng và linh hoạt; triển khai trọng tâm, trọng điểm tập trung vào các nhóm đối tượng sinh viên, phụ nữ, người cao tuổi, người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... những người dễ bị lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, lừa đảo tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp trái phép.
Bên cạnh đó, Sở cũng thành lập, công khai số điện thoại đường dây nóng (0904.055.779 và 0904.175.288) của Sở Công Thương và Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh; thành lập nhóm zalo giữa Sở Công Thương với các cán bộ phụ trách về bán hàng đa cấp của 13 địa phương trên địa bàn tỉnh để tiếp nhận kịp thời phản ánh, tố cáo những vi phạm và kết nối, chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp, các hình thức đa cấp biến tướng, trái phép trên địa bàn.
Theo thống kê của Sở Công Thương, mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp rất lớn. Tính đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 13.476 người tham gia kinh doanh đa cấp, tăng 30% so với năm 2020. Tính đến ngày 26/5/2022, trên địa bàn tỉnh còn 16 doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động, được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và Sở Công Thương Quảng Ninh xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn Quảng Ninh.
Bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Trước đây, hoạt động tuyên truyền về bán hàng đa cấp chưa có chiến lược, kế hoạch tổng thể. Vì vậy, các hoạt động tuyên truyền thường xuyên diễn ra đơn lẻ, ít kết nối, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn. Những năm gần đây, hoạt động tuyên truyền theo các chương trình tổng thể đã phủ rộng khắp các địa phương bằng nhiều hình thức, giúp người dân cơ bản nhận thức được các hình thức bán hàng đa cấp và đa cấp biến tướng. Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh việc tuyên truyền về bán hàng đa cấp theo hướng ngắn gọn, súc tích, gần gũi, đi vào thực tế với người dân. Đồng thời, khuyến cáo người dân thực hiện việc tố cáo tới chính quyền địa phương những hoạt động mang tính chất đa cấp biến tướng, lợi dụng kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()