Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:07 (GMT +7)
Siết chặt quản lý ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp
Thứ 2, 22/02/2021 | 10:07:58 [GMT +7] A A
Hiện nay, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) do dư lượng chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất… vẫn đang diễn biến phức tạp và đáng lo ngại. Trước thực trạng trên, tỉnh Quảng Ninh đã có kế hoạch hành động quyết liệt, với nhiều giải pháp cụ thể, nhằm siết chặt quản lý ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp.
Người dân lựa chọn các nông sản an toàn tại siêu thị Go! Hạ Long. |
Trong năm 2020, công tác quản lý chất lượng, VSATTP tạo được sự chuyển biến tích cực. Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường như VietGAP được nhân rộng với diện tích đạt gần 920ha. Cơ chế, chính sách về quản lý chất lượng, ATTP cơ bản được xây dựng đầy đủ và đồng bộ; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được quan tâm hơn với nhiều hình thức phong phú.
Cụ thể, các ngành, địa phương đã tổ chức 108 hội nghị tập huấn ATTP với gần 4.500 người tham gia; in, cấp phát hơn 69.000 tờ rơi, 2.318 băng zôn, 6.630 tài liệu tuyên truyền; thực hiện gần 7.000 lượt tuyên truyền trên hệ thống loa đài...
Cùng với đó, các đơn vị cũng duy trì và triển khai tốt những chương trình giám sát, kiểm tra đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp. Đến nay đã kiểm tra xếp loại định kỳ 837 cơ sở; cấp 255 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; tổ chức ký cam kết cho gần 29.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản.
Sở NN&PTNT đã tập trung hướng dẫn các địa phương nhân rộng, mở rộng các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn. Toàn tỉnh có 270 cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ATTP theo tiêu chuẩn thực hành tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (SSOP), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); đã cấp 15 giấy xác nhận chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn với 45 loại sản phẩm thực phẩm nông nghiệp.
Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà sản xuất nông sản theo quy trình, kỹ thuật và công nghệ cao, đảm bảo VSATTP. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại nhất định. Theo báo cáo giám sát của HĐND tỉnh, việc xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện quản lý ATTP ở cấp huyện chưa mang tính chiến lược, xuyên suốt cho cả giai đoạn.
Hoạt động của một số ban chỉ đạo liên ngành cấp huyện, cấp xã chưa thực sự hiệu quả, còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu, chưa quan tâm đến việc kiểm điểm, đánh giá định kỳ và có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, bất cập phát sinh.
Cùng với đó, công tác thông tin tuyên truyền về ATTP vẫn chưa chuyển tải sâu rộng đến doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến và người dân; hiệu quả của đường dây nóng về ATTP chưa cao; hoạt động thanh tra, kiểm tra mặc dù đã được tăng cường, nhưng số cuộc thanh, kiểm tra đột xuất còn mức độ và chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh. Hình thức xử phạt chưa đảm bảo tính răn đe, cũng như chưa tạo được động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước còn có mặt hạn chế, yếu kém, tỷ lệ cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP còn cao; tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc kích thích trong trồng trọt còn xảy ra ở nhiều nơi; việc quản lý, giám sát ATTP ở các cơ sở giết mổ tập trung còn hạn chế; công tác kiểm soát nguồn gốc thực phẩm còn chưa chặt chẽ…
Để khắc phục những hạn chế trên, cũng như tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo đảm ATTP, ngành nông nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp cho cả giai đoạn 2021-2025. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Công, Sở sẽ tiếp tục hoàn thiện và triển khai hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về những tiêu chuẩn cơ sở, quy chuẩn kỹ thuật địa phương, đảm bảo ATTP hài hòa với các chuẩn mực quốc tế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP, hướng dẫn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ATTP tiên tiến… Đồng thời, sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng, băng rôn, tờ rơi, áp phích, nâng cao số lượng và chất lượng các sản phẩm truyền thông, đảm bảo nội dung phù hợp với khả năng nhận thức của các đối tượng, vùng miền.
Đoàn liên ngành kiểm tra ATTP tại Điểm dừng nghỉ Quảng Ninh Gate (TX Đông Triều), tháng 1/2021. |
Ngành Nông nghiệp cũng sẽ tập trung phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung ATTP, liên kết sản xuất kinh doanh thực phẩm theo chuỗi, ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn. Hỗ trợ các mô hình sản xuất ban đầu theo tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP… liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận tại các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, sản phẩm trong chương trình OCOP của tỉnh. Thường xuyên lấy mẫu như đất, nước phân tích hàm lượng các nguyên tố kim loại nặng để đánh giá chất lượng đất trồng, nước tưới tại các vùng quy hoạch, tập trung trồng rau, củ, quả an toàn của tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Đồng thời, giám sát ATTP đối với sản phẩm nông, lâm, nghiệp, nhất là các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh, trong chương trình xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP; chủ động thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về ATTP, gắn trách nhiệm với người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở và các cơ quan đơn vị liên quan; tập trung thanh tra, kiểm tra đột xuất xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng…
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()