Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:30 (GMT +7)
Siết chặt kiểm soát an toàn thực phẩm
Thứ 5, 08/04/2021 | 06:35:15 [GMT +7] A A
Trên địa bàn Quảng Ninh có sức tiêu thụ thực phẩm lớn, phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh và hàng vạn lượt khách tham quan du lịch mỗi năm. Thời gian gần đây, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nhằm đảm bảo tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh ăn uống, cũng như chất lượng bữa cơm của người dân.
Đoàn kiểm tra liên ngành TP Hạ Long kiểm tra ATTP quầy hàng bán thực phẩm đã qua chế biến tại chợ Hạ Long I. Ảnh: Duy Khoa |
ATTP không chỉ là bài toán xã hội của các cấp chính quyền, mà là vấn đề được mọi người dân quan tâm, chú trọng. Công tác bảo đảm ATTP có tác động lớn đến các hoạt động kinh tế, dịch vụ và sức khỏe con người. Bởi vậy, người tiêu dùng ngày càng chú trọng tới chất lượng thực phẩm. Chị Đoàn Thị Hằng (phường Hồng Hà, TP Hạ Long), cho biết: Khi chọn đồ, tôi luôn chú trọng đến bao bì, nhãn mác, cùng độ tươi ngon của thực phẩm. Món có thể tự chế biến, tôi sẽ không mua bên ngoài. Tuy nhiên, thời gian qua liên tiếp xảy ra những vụ ngộ độc dùng patê chay và cua mặt quỷ khiến tôi hoang mang, lo ngại về thực phẩm mình sử dụng.
Thời tiết chuyển mùa và nóng lên dẫn tới hoạt động của vi khuẩn trong thực phẩm tăng mạnh; đồ ăn không sơ chế, bảo quản đúng cách dễ ôi thiu, nấm mốc, gây hại cho sức khỏe người dùng. Cùng với đó, việc các hoạt động sản xuất, kinh doanh ăn uống trên địa bàn đang dần sôi động trở lại sau thời gian dài chịu hạn chế do dịch Covid-19, đã đặt ra bài toán với các cấp chính quyền về việc bảo đảm ATTP cho 1,3 triệu người dân, cùng hơn 51.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh ăn uống và 133 chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong điều kiện bình thường mới.
Thực phẩm chín bày bán lẫn lộn với thực phẩm sống tại chợ Hạ Long I (TP Hạ Long). |
Trước tình hình này, tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch dài hạn, tăng cường công tác bảo đảm ATTP. Sở Y tế, Sở Công Thương cùng Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm quản lý chính đã đẩy mạnh phối hợp cùng các đoàn thể, cơ quan thông tấn, báo chí tập trung tuyên truyền, vận động người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ăn uống đảm bảo ATTP. Tỉnh cũng mở các buổi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về ATTP cho 12.047 cán bộ quản lý, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Nhiều mô hình điểm về cung ứng thực phẩm, bếp ăn công nghiệp, chợ dân sinh được triển khai, mở rộng. Đặc biệt, chương trình OCOP là một chiến lược phát triển KT-XH và đảm bảo ATTP lâu dài. Hội chợ OCOP tại Quảng Ninh đã mang tới nông sản đặc trưng, đạt chuẩn của 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, là địa chỉ quảng bá nông - lâm - thủy sản đáng tin cậy; kết nối cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn với người tiêu dùng.
Trong quý I, tỉnh tổ chức 330 đoàn thanh, kiểm tra ATTP với 2.188 cơ sở sản xuất, kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể. Kết quả, 83,55% cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn. Một số cơ sở vi phạm những điều kiện vệ sinh, sai quy cách dán nhãn sản phẩm phải tiêu hủy sản phẩm và nộp phạt hành chính. Toàn tỉnh không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Quảng Ninh đang chủ động, tích cực hưởng ứng Tháng hành động vì ATTP năm 2021 với chủ đề “Đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”. Tỉnh dự kiến sớm xây dựng đề án Đảm bảo ATTP trên địa bàn Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030, nghiên cứu xây dựng Hệ thống thông tin dữ liệu và cập nhật ATTP trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng VSATTP.
Bảo Thư (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Liên kết website
Ý kiến ()