Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:31 (GMT +7)
Siết chặt công tác quản lý tài nguyên, chống lãng phí
Thứ 3, 20/12/2022 | 14:08:23 [GMT +7] A A
Năm 2022, Quảng Ninh tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cùng với đó là một loạt khó khăn do cuộc xung đột Nga - Ukraina kéo dài, dịch bệnh bùng phát trên thế giới... để lại những hệ lụy sâu rộng, cả trực tiếp và gián tiếp đối với việc thực hiện nhiệm vụ năm. Hoạt động XNK hàng hóa tại các cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh nhiều thời điểm bị ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt phòng chống dịch Covid-19 của phía bạn, gây gián đoạn một số chuỗi cung ứng...
Trước những khó khăn đó, Quảng Ninh tiếp tục nêu cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực, trong đó chú trọng thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí trong quản lý tài nguyên, khoáng sản, góp phần tăng thêm nguồn lực phục vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Công tác tuyên truyền, phố biến, quán triệt chủ trương của Đảng và các quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cũng như công tác đấu tranh, phê phán những hành vi sai trái, tham ô, tham nhũng, lãng phí… được tỉnh quan tâm chỉ đạo sâu rộng và trên các lĩnh vực. Đặc biệt, trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cấp phép đầu tư… tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thường xuyên giám sát, kiểm tra, thanh tra các dự án có sử dụng đất và triển khai các chuyên đề giám sát của HĐND tỉnh về công tác quản lý, sử dụng các mỏ đá, mỏ khai thác đất, đá thải làm vật liệu san lấp trên địa bàn…
Năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của 13/13 địa phương, trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 86/NQ-HĐND (ngày 31/3/2022) về việc thông qua danh mục công trình, dự án nhà nước thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng đợt I năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức cho thê đối với 29 tổ chức, với 262,09ha; giao đất cho 36 tổ chức, với 857,44ha; gia hạn thời gian sử dụng đất cho 30 tổ chức, với 449,77ha; thu hồi đất của 13 tổ chức, với 959,28ha. Tỉnh cũng thông báo hết hạn sử dụng cho 28 tổ chức để hoàn thiện thủ tục gia hạn hoặc trả đất theo quy định của pháp luật đất đai; ký 60 hợp đồng thuê đất bao gồm cả ký lại do điều chỉnh đơn gía thuê đất. Cùng với đó, tỉnh đã phê duyệt giá đất cụ thể 35 dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB và thu NSNN.
Song song với đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm, kịp thời đẩy nhanh tiến độ GPMB nhiều dự án trọng điểm, như: Đường ven sông Quảng Yên - Đông Triều; khu đô thị Hạ Long Xanh; CCN Phương Nam (TP Uông Bí)... Trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước; khai thác, sử dụng khoáng sản, điện năng, UBND tỉnh cũng cấp mới, gia hạn, điều chỉnh 17 giấy phép, trong đó 12 giấy phép thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, 5 giấy phép về khoáng sản. Đồng thời, ban hành 4 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền về lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng ban hành kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, quyết định phê duyệt giá khởi điểm, tiền đặt trước để triển khai đấu gía quyền khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp mặt bằng khu vực đồi tại thôn 7, xã Hải Tiến và khu vực đồi tại khu 7, phường Hải Yên (TP Móng Cái); điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty CP Sản xuất và Thương mại Than Uông Bí, Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Kim Sơn, Công ty CP Thanh Tuyền Group, Công ty TNHH Xuân Cầm và Công ty TNHH Cotto Tiến Đạt...
Tỉnh cũng quan tâm phê duyêt chủ trương cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Miền Đông lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt hồ, đập do đơn vị quản lý, khai thác; chấp thuận chủ đầu tư cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh điều chỉnh đề cương dự án nhiệm vụ lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước tại các công trình hồ chứa, đập dâng, kênh thủy lợi.
Các cơ quan chuyên môn cũng xây dựng đề cương và dự toán dự án, như: Điều tra, đánh giá tiềm năng sử dụng đất đá thải (ngành than), tro xỉ thải (ngành nhiệt điện) và một số loại chất thải rắn công nghiệp thông thường trong các KCN, CCN, cơ sở sản xuất công nghiệp và đề xuất giải pháp tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp, góp phần sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên, thúc đất phát triển kinh tế tuần hoàn tại tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh cũng nghiên cứu, báo cáo Bộ TN&MT, Tổng cục Biển và Hải đảo về tình hình quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo năm 2021; tình hình ban hành văn bản chấp thuận đo đạc, khảo sát, đánh giá tài nguyên năng lượng gió trên; số liệu thống kê ngành TN&MT.
Trong quá trình phục hồi kinh tế, trước những biến động nền kinh tế thế giới và trong nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục là nhiệm vụ cần được tăng cường. Qua đó, tỉnh có thêm nguồn lực để phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()