Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:19 (GMT +7)
Siết chặt công tác bảo vệ rừng ngập mặn
Thứ 4, 23/09/2020 | 11:10:03 [GMT +7] A A
Với chức năng phòng hộ, chống sạt lở ven biển, cân bằng môi trường thiên nhiên, rừng ngập mặn (RNM) trên địa bàn tỉnh có vai trò lớn trong việc bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai. Mặt khác, RNM cũng là môi trường sống của nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Do đó, việc gắn kết công tác khai thác và bảo vệ RNM là một giải pháp hữu hiệu, mang lại giá trị bền vững.
Người dân xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên tham gia bảo vệ và khai thác hiệu quả giá trị RNM. |
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có trên 19.700ha RNM, phân bố rộng tại vùng cửa sông, ven biển của 71 xã, phường thuộc 11/13 huyện, thị xã, thành phố, như: Móng Cái, Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên, Quảng Yên, Hạ Long... RNM ở Quảng Ninh có nhiều loài cây như: Cây bần chua phân bố nhiều ở Uông Bí, bến phà Rừng; cây đâng có nhiều ở Quảng Yên, TP Hạ Long; cây sú, cây mắm có nhiều ở Hải Hà, Đầm Hà; rừng hỗn giao gồm các loài cây đâng, vẹt, sú... có nhiều ở Tiên Yên, Móng Cái. Diện tích RNM này là môi trường sinh sống của nhiều loài thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản đặc trưng có giá trị cao như: Hà sú, ngán, vạng, sò huyết, bông thùa, sá sùng; tôm, ghẹ...
Tại xã Đồng Rui, địa phương có diện tích RNM lớn nhất tại huyện Tiên Yên với trên 2.800ha RNM, trong đó rừng tự nhiên chiếm 2.400ha, những năm qua RNM đã trở thành một phần sinh kế quan trọng đối với người dân nơi đây. Bà Nguyễn Thị Mai, thôn Thượng, xã Đồng Rui chia sẻ: Từ nhiều năm qua, RNM là nơi người dân chúng tôi kiếm kế sinh nhai bằng việc khai thác thủy sản ở đây. Không chỉ vậy, RNM từ lâu còn là thành lũy bảo vệ cho cả khu vực trước thiên tai, gió bão. Vậy nên với người dân Đồng Rui chúng tôi, RNM như một phần cuộc sống mà chúng tôi luôn cố gắng bảo vệ và phát triển.
Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của công tác bảo vệ RNM, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên đã tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân không xâm hại đến sự phát triển của RNM, thực hiện tốt công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường biển... Xã cũng thực hiện nghiêm các yêu cầu về bảo tồn RNM theo chỉ đạo của tỉnh và của huyện; khuyến khích người dân phát triển loại hình du lịch sinh thái RNM, từ đó khai thác hiệu quả lợi thế của rừng và nâng cao ý thức người dân, du khách trong giữ gìn, bảo vệ hiệu quả RNM...
Hiện nay, công tác bảo vệ diện tích RNM đã được tỉnh tăng cường chỉ đạo. Đặc biệt, công tác kiểm soát hành vi phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng trái phép; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức của nhà quản lý và cộng đồng về vai trò, kỹ năng trong quản lý, bảo vệ và phát triển RNM được chú trọng. Tỉnh cũng linh hoạt trong triển khai công tác trồng, quản lý, bảo vệ, phát triển RNM từ các nguồn vốn ngân sách và các dự án từ các tổ chức phi chính phủ, như: Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)... Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện trồng mới trên 4.000ha RNM (chiếm 71,4% diện tích bãi bồi có khả năng trồng rừng).
Việc phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản trong RNM cũng được các địa phương quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 nghề nuôi phổ biến là nuôi tôm quảng canh cải tiến và nuôi hà sú. Đặc biệt đối với nuôi tôm, đầm nuôi hình thành bằng cách người dân đắp đê ngăn RNM lại thành đầm. Đầm có cống cấp, thoát nước ở vị trí thấp nhất để có thể tháo cạn được nước trong đầm nuôi. Bằng cách này, một số cây ngập mặn như cây đâng (đước vòi) có rễ thở nhô lên cao khỏi mặt nước sẽ không bị chết và tạo nên hệ sinh thái tôm - rừng. Hiện nay, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến trên địa bàn tỉnh là trên 2.300ha.
Theo Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 đã được UBND tỉnh thông qua thì đến năm 2025, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến của tỉnh là 2.860ha. Đồng chí Nguyễn Thanh Khương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Quảng Ninh tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm quản lý chặt chẽ và phát triển bền vững hệ sinh thái bãi triều, RNM. Trong đó, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Trung ương, quy định của pháp luật về quản lý bãi triều, RNM; kiểm soát chặt việc chuyển mục đích sử dụng RNM. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền tiếp tục nâng cao vai trò trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo vệ và phát triển RNM; đầu tư trồng mới rừng trên diện tích đất bãi triều có khả năng trồng RNM, trong đó ưu tiên đầu tư trồng rừng tạo cảnh quan tại các địa phương phát triển kinh tế theo hướng du lịch, dịch vụ...
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()