Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:24 (GMT +7)
SEA Games 31: Chung kết môn bóng đá nam và nỗi lo vé giả
Thứ 7, 21/05/2022 | 08:05:26 [GMT +7] A A
Cú đánh đầu của Tiến Linh vào lưới U23 Malaysia không chỉ đưa U23 Việt Nam vào chung kết mà còn đưa giá của những tấm vé được bán trước đó tăng tấp 10, thậm chí là 15 lần so với giá trị thực.
Việc U23 Việt Nam và U23 Thái Lan gặp nhau ở trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 31 đã khiến một cơn sốt vé lên cao chưa từng thấy.
Bên cạnh đó, nguy cơ mua phải vé giả là không hề nhỏ.
Cú đánh đầu của Tiến Linh vào lưới U23 Malaysia không chỉ đưa U23 Việt Nam vào chung kết mà còn đưa giá của những tấm vé được bán trước đó tăng tấp 10, thậm chí là 15 lần so với giá trị thực.
Theo tìm hiểu, trên các diễn đàn về mua bán vé SEA Games 31 thì giá một cặp vé mời ở khán đài A, B có thể lên tới 15-20 triệu đồng/cặp, trong khi giá gốc chỉ là 500.000 đồng. Những vé khán đài C-D cũng được hét 8-10 triệu/cặp.
Theo thông báo của Ban tổ chức SEA Games 31, vé xem bóng đá được chia làm ba loại: vé mời, vé giấy, và vé QR.
Vé xem trận chung kết và tranh huy chương Đồng môn bóng đá nam SEA Games 31 (ngày 22/5 trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình) sẽ được bán với 2 mức giá là 300.000 đồng và 500.000 đồng.
Tuy nhiên, chỉ sau ít giờ được mở bán trực tuyến (9 giờ ngày 15/5) trên trang chủ SEA Games 31 và nền tảng digiticket.vn, toàn bộ gần 20.000 vé đã được bán hết sạch.
Tất nhiên, có khá nhiều vé xem bóng đá đang nằm trong tay của dân phe. Những người này được cho là không vội bán sớm mà đợi kết quả trận bán kết với U23 Malaysia kết thúc mới bắt đầu rao bán.
Sau bàn thắng vàng của Tiến Linh, giá vé bắt đầu sốt khi nhiều người hâm mộ lùng sục bằng được để kiếm tấm vé xem trận chung kết đáng nhớ giữa hai nền bóng đá mạnh nhất khu vực hiện nay.
Nhưng thực tế, không ít người mua vé trên mạng đã rơi vào tình cảnh chuyển tiền cọc cho phe vé, nhưng không nhận được vé, còn người bán thì biến mất tăm. Hoặc có những người nhận được vé nhưng vị trí lại không được như quảng cáo, còn giá thì bị đội lên do những nick ảo vào bình luận mới mục đích thổi giá.
Trong số ba loại vé này, vé QR rẻ hơn hẳn khi chỉ được rao bằng nửa giá vé giấy và vé mời. Tuy nhiên, đây cũng là hình thức dễ khiến người mua dễ dính phải vé giả nhất.
Chính xác hơn, đó là việc phe vé in mã QR làm nhiều bản để bán cho nhiều người, với những lời mời chào dẫn tới tận ghế ngồi, vé không đúng hoàn tiền...
Hậu quả, trừ người quét QR đầu tiên, những khán giả nhận cùng mã QR ấy sẽ không được vào sân sau khi quét.
Với hình thức mua bán này, người mua vé có thể dùng điện thoại hoặc in ra để trình tại cửa soát vé.
Người soát vé sẽ dùng thiết bị đọc mã QR để hiển thị thông tin, mỗi mã QR chỉ có tác dụng 1 lần và sau khi được quét xác nhận mã QR đó sẽ hết hiệu lực.
Mỗi mã QR tương ứng với một vị trí chỗ ngồi định danh trên sân vận động. Trên vé cũng quy định mỗi mã chỉ được quẹt hợp lệ 1 lần duy nhất tại cổng kiểm soát.
Trước đó, dù cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh chưa phát hành vé chung kết môn bóng đá nữ (Việt Nam gặp Thái Lan), nhưng trên mạng xã hội đã xuất hiện những tấm vé được rao bán với giá 1-2 triệu/cặp.
“Vé trận chung kết vẫn đang trong quá trình dán tem và dự kiến phát hành từ ngày mai (21/5). Không hiểu vì lý do gì chúng tôi đã thấy có những giao dịch trên mạng xã hội, đây có thể là vé giả,” đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh cho biết.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()