Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:36 (GMT +7)
SEA Games 31: Chủ nhà Việt Nam chơi đẹp
Thứ 6, 04/02/2022 | 08:55:06 [GMT +7] A A
Chủ nhà Việt Nam khẳng định SEA Games 31 sẽ là một kỳ đại hội công bằng, fair-play nhất trong lịch sử.
Trong lịch sử các kỳ SEA Games, chuyện các quốc gia đăng cai giải thể thao số 1 Đông Nam Á đưa vào nhiều thế mạnh để "vơ vét" huy chương xảy ra như cơm bữa. Điều này dẫn đến hậu quả kéo tụt nền thể thao khu vực xuống so với mặt bằng chung của châu lục, thế giới.
Tuy nhiên, tại SEA Games 31, chủ nhà Việt Nam cùng các quốc gia trong khu vực cùng nhấn mạnh về tinh thần thi đấu fair-play, tập trung cho các môn Olympic thay vì đưa vào nội dung "ao làng" để tranh huy chương.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến, Ban tổ chức SEA Games 31 nhận được chỉ thị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc phải tổ chức một kỳ đại hội mẫu mực.
"Rất nhiều kỳ SEA Games trước đây, Việt Nam đều đứng trong top 3. Mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam lần này vẫn là đứng trong nhóm đầu.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo quyết liệt rằng Việt Nam phải tổ chức một kỳ SEA Games mẫu mực, không giành chiến thắng bằng mọi giá mà phải tổ chức một kỳ SEA Games mang tinh thần chơi đẹp", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến nói.
Trong khi đó, Phó Tổng cục trưởng, phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn nhấn mạnh Việt Nam không chỉ không đưa nội dung mạnh của riêng mình vào thi đấu như thông lệ trước đây mà sẽ tổ chức một kỳ SEA Games có đầy đủ các nội dung.
"Đoàn thể thao Việt Nam phấn đấu giành vị trí trong nhóm đầu nhưng trong điều kiện tổ chức công bằng. SEA Games là bước đà, chuẩn bị cho Asiad vào tháng 9 và xa hơn là Olympic 2024", ông Phấn cho biết.
Tại SEA Games 31, đoàn thể thao Việt Nam tập trung vào các môn trong hệ thống Olympic, cố gắng duy trì thành tích như SEA Games 30 diễn ra tại Philippines năm 2019.
Việt Nam sẽ tổ chức 40 môn với đầy đủ các nội dung thi đấu, đặc biệt không bỏ các nội dung liên quan đến các môn thể thao Olympic. Đây cũng là lần đầu tiên ở Đông Nam Á tổ chức theo hình thức này. Nói cách khác, Việt Nam đang đi tiên phong trong sự đổi mới về cách làm, cách nghĩ.
"Chúng ta không lựa chọn những môn sở trường của mình, mà gạt bỏ các nội dung thế mạnh của nước khác. Đó chính là hướng đi tiên phong của nước chủ nhà, sẵn sàng không chạy đua thành tích mà tạo cơ hội để cả khu vực cùng phát triển", ông Phấn chia sẻ.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh rất đồng tình với việc chủ nhà Việt Nam quyết tâm tạo ra một sân chơi công bằng, có tính cạnh tranh cao ở các môn Olympic.
Cựu trưởng đoàn thể thao Việt Nam nói: "Đối với thể thao Đông Nam Á, sự thay đổi này là cuộc đấu tranh để hướng đến các môn thể thao Olympic. Cuộc đấu tranh để giúp SEA Games trở thành một đấu trường để trải nghiệm và phát triển thể thao khu vực".
Không chỉ chơi đẹp về chuyên môn, chủ nhà Việt Nam cũng khẳng định các quốc gia có thể hoàn toàn yên tâm về điều kiện tập luyện, thi đấu, bên cạnh đó là công tác ăn, nghỉ, di chuyển... khi tham dự SEA Games 31.
Đặc biệt công tác phòng chống dịch Covid-19 theo nguyên tắc "bong bóng" như các Olympic Tokyo và các giải bóng đá của AFC sẽ được Việt Nam áp dụng.
Được biết, tất cả 40 môn thể thao dự kiến nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của Đại hội đã xây dựng xong khung điều lệ và kế hoạch tổ chức giải đấu theo hai phương án là tập trung và phương án dự phòng.
Trong trường hợp dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, BTC có thể áp dụng phương án hạn chế khán giả hoặc không có khán giả tại các địa điểm thi đấu.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()