Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:31 (GMT +7)
Sẽ đưa tài sản ảo vào Luật Phòng, chống rửa tiền?
Thứ 7, 21/05/2022 | 08:04:25 [GMT +7] A A
Ngân hàng nhà nước đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, một trong các vấn đề được bàn thảo là việc đưa tài sản ảo vào dự luật này như thế nào khi hiện nay chưa có quy định rõ ràng tài sản ảo, tiền ảo là tài sản.
Sửa luật để đáp ứng yêu cầu mới
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, Luật PCRT 2012 (có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2013) hiện là văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực phòng, chống rửa tiền (PCRT); quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PCRT.
“Kể từ khi Luật PCRT được ban hành, công tác PCRT của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố nói riêng; cũng như góp phần làm minh bạch hệ thống tài chính, thúc đẩy hoạt động thanh toán và thương mại quốc tế phát triển; từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và sự an toàn, ổn định của xã hội…”, Lãnh đạo NHNN đánh giá.
Tuy nhiên, qua gần 10 năm triển khai thi hành, Luật PCRT đã bộc lộ một số hạn chế, chưa cập nhật và đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế mới cũng như yêu cầu quản lý trước sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn, đặt ra yêu cầu cần thiết phải rà soát, tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Theo Phó Thống đốc Hà, xuất phát từ việc thực thi Luật và nắm bắt xu hướng phát triển của các dịch vụ tài chính mới, đặc biệt là kết quả đoàn đánh giá Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG), NHNN đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi Luật PCRT; trong đó tập trung xem xét đến vấn đề về đối tượng báo cáo, đặc biệt là đối tượng liên quan đến tài sản ảo. “Do thực tế thống kê cho thấy, lĩnh vực tài sản ảo đang có sự phát triển nhanh chóng phức tạp trên thế giới, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ” - ông nhấn mạnh.
Hoàn thiện khung pháp lý
Về vấn đề trên, ông Ketut Ariadi Kusuma, Điều phối viên Khu vực Tài chính WB cho biết, các giao dịch thanh toán với tài sản ảo khác với các giao dịch tài chính truyền thống, việc chuyển tiền được thực hiện giữa người với người qua các hệ thống thanh toán công nghệ mới, thay vì thông qua ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính truyền thống khác. Các tài sản ảo có thể được chuyển giao ảo ở mọi nơi trên thế giới.
“Cuộc cách mạng 4.0 đã thúc đẩy công nghệ phát triển nhanh chóng, và dường như còn được đẩy mạnh hơn nữa bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và các lệnh hạn chế đi lại ở nhiều quốc gia, khiến việc sử dụng tài sản ảo ngày càng phát triển, đòi hỏi phải có những điều chỉnh, sửa đổi quy định phù hợp với lĩnh vực này” - đại diện WB nhấn mạnh.
Từ thực tế pháp luật Việt Nam, TS. Lưu Hương Ly, Chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật Dân sự - Kinh tế cho rằng, hiện chưa ghi nhận bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của hệ thống pháp luật Việt Nam khẳng định rõ tài sản ảo, tiền ảo có được coi là loại tài sản hay không.
Cụ thể, Bộ luật Dân sự 2015 quy định, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Luật PCRT 2012 quy định, tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản quy định của Bộ luật Dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất, động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.
“Như vậy, dưới góc độ pháp luật dân sự hiện chưa được quy định rõ ràng tài sản ảo, tiền ảo là tài sản. Dưới góc độ pháp luật thương mại cũng chưa được quy định rõ ràng là hàng hóa hay dịch vụ. Dưới góc độ pháp luật chứng khoán cũng chưa được quy định rõ ràng là chứng khoán. Dưới góc độ pháp luật, Luật Ngân hàng, tài sản ảo, tiền ảo cũng không phải là phương tiện thanh toán hay ngoại hối” - Chuyên gia này nói.
Nhằm hoàn thiện pháp luật về PCRT thông qua tài sản ảo, theo bà Hương Ly, cần sửa đổi Luật PCRT 2012, đồng thời xây dựng Nghị định về huy động vốn thông qua phát hành tài sản mã hóa (ICO/ITO hay STO) và quản lý sàn giao dịch tài sản mã hóa là chứng khoán.
Theo thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật PCRT (sửa đổi) đã được bổ sung vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 diễn ra cuối năm 2022 theo quy trình tại một kỳ họp.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, lý do trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình một kỳ họp dự án Luật PCRT (sửa đổi) được Chính phủ trình bày là vì báo cáo đánh giá đa phương về công tác PCRT của Việt Nam dự kiến được thông qua tại Hội nghị toàn thể của FATF (cơ quan liên chính phủ về PCRT). Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên thời gian tổ chức Hội nghị bị hoãn lại và dự kiến tổ chức vào tháng 2/2022. Sau khi Hội nghị thông qua Báo cáo thì mới xác định được chính xác, đầy đủ nội dung các khuyến nghị mà Việt Nam phải thực hiện và làm cơ sở để xây dựng dự thảo Luật nhằm đáp ứng các khuyến nghị này.
Vì vậy, để có thêm thời gian nghiên cứu, soạn thảo, đảm bảo thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục xây dựng Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì thời gian trình Quốc hội tháng 5/2022 không đảm bảo tính khả thi.
Theo baophapluat.vn
Liên kết website
Ý kiến ()