Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:48 (GMT +7)
Sẽ có chính sách hỗ trợ hàng Việt xuất khẩu online
Thứ 5, 15/08/2024 | 15:11:23 [GMT +7] A A
Xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới của hàng Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 3,3 tỉ USD và kỳ vọng đạt hơn 11 tỉ USD vào năm 2027 nếu có những cơ chế hỗ trợ từ cả nền tảng thương mại điện tử cũng như Nhà nước.
Phát biểu tại tọa đàm với chủ đề "Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức", do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 14-8, bà Lại Việt Anh - phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết Bộ Công Thương đang tham mưu trình Chính phủ kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT trong 5 năm tới.
Theo bà Việt Anh, xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới của VN năm 2022 đạt khoảng 3,3 tỉ USD và kỳ vọng đạt hơn 11 tỉ USD vào năm 2027 nếu có những cơ chế hỗ trợ từ cả nền tảng TMĐT cũng như Nhà nước.
Do vậy, Bộ Công Thương sẽ xây dựng những giải pháp thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới với các sản phẩm "made in Vietnam" và xuất khẩu nói chung gắn xu hướng phát triển bền vững bởi tiêu dùng xanh và bền vững là xu hướng nổi trội trên toàn thế giới.
Cũng theo bà Việt Anh, việc ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong TMĐT cũng sẽ có vai trò nhất định. Ví dụ, khách hàng có những yêu cầu về truy xuất hàng hóa, đảm bảo được vùng trồng, không vi phạm về chặt phá rừng hoặc đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, chống rác thải…
"Có thể giải quyết tất cả những vấn đề đó bằng cách số hóa của quy trình sản xuất chuỗi giá trị, áp dụng đến từng khâu của quy trình sản xuất… Đó là những yếu tố mà TMĐT phải áp dụng để nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa VN trên thị trường quốc tế" - bà Việt Anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói chung và TMĐT ở VN vẫn chịu sự chi phối của thương hiệu và kênh phân phối nước ngoài. Do đó, vấn đề đặt ra là doanh nghiệp VN phải làm sao để vươn lên được, xây dựng được thương hiệu VN, có được những nền tảng kết nối với Amazon, với những nền tảng lớn hơn, quốc tế hơn.
Chẳng hạn, VN đang có 5.000 - 6.000 mặt hàng OCOP, nhưng số mặt hàng có thể xuất khẩu được rất ít. Vì vậy, cần phải hoàn thiện rất nhiều để đảm bảo chất lượng, truy xuất, đáp ứng xu thế tiêu dùng xanh - an toàn - nhân văn. "Đây là những thách thức lớn cho hàng hóa VN khi xuất khẩu xuyên biên giới qua kênh TMĐT", ông Thành nói.
PGS.TS Trần Minh Tuấn, vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT), cho hay TMĐT xuyên biên giới đang có cơ hội phát triển rất lớn, đặc biệt là VN gần với thị trường rất lớn là Trung Quốc với hơn 1 tỉ dân, nhiều tiềm năng và cơ hội xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc.
Trong thực tế, doanh nghiệp công nghệ số VN cũng đã xây dựng các nền tảng TMĐT B2B, kết nối với các nền tảng TMĐT lớn của thế giới như Amazon, Alibaba, Timo... để hàng hóa khi lên sàn cũng sẽ tương ứng xuất hiện trên các nền tảng TMĐT lớn của thế giới, kết nối người mua trực tiếp với người bán cũng như nhà sản xuất.
Do vậy theo ông Tuấn, trong kế hoạch phát triển TMĐT của Chính phủ sắp tới sẽ đặt vấn đề TMĐT xuyên biên giới là một cơ hội lớn để chúng ta xuất khẩu hàng hóa xuyên biên giới.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()