Vào cuối vụ sầu riêng Tây Nguyên, nguồn cung bắt đầu khan hiếm khiến giá tăng. Theo khảo sát một tuần qua, giá tại kho với Ri 6 loại A (2,7 hộc, 2-5 kg) là 135.000 đồng một kg, trong khi đầu tháng 8 khoảng 50.000-55.000 đồng. Tương tự, sầu riêng Monthong cũng tăng từ 70.000 đồng lên 150.000 đồng một kg. Với loại B (2,5 hộc), Ri 6 có giá 115.000 đồng, còn Monthong là 130.000 đồng.
Ông Hoàng, một thương lái thu mua sầu riêng, cho biết nguồn cung thiếu hụt khi vụ sầu tại Tây Nguyên sắp kết thúc. Các thương lái như ông buộc chuyển hướng thu mua sầu riêng trái vụ từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, sản lượng trái vụ không đủ đáp ứng nhu cầu.
"Trước đây, mỗi ngày tôi thu mua được 10 tấn, nhưng hiện chỉ được 1-2 tấn", ông Hoàng cho biết, dự kiến giá sầu riêng tiếp tục tăng tới tháng 2 năm sau.
Các công ty thu mua xuất khẩu cũng đang điều chỉnh giá do thiếu hụt nguồn cung trong nước. Đại diện một doanh nghiệp tại Tây Nguyên cho biết họ di chuyển các trạm thu mua xuống miền Tây để thu gom hàng trái vụ và đáp ứng nhu cầu của các đối tác.
Theo bà Hồng, chủ vườn sầu riêng trái vụ tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang), do thời tiết bất lợi, sầu riêng năm nay ra hoa muộn, thời gian thu hoạch kéo dài hơn. Sản lượng hiện chưa nhiều, nhưng giá tăng vọt so với vụ chính. "Thương lái đang trả 100.000 đồng một kg sầu riêng Monthong cắt xô cả vườn", bà chia sẻ.
10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả ước đạt 6,4 tỷ USD, trong đó sầu riêng chiếm gần một nửa, 3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường xuất chính của loại quả này. Ngoài trái tươi, việc ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh giữa Việt Nam và Trung Quốc đã mở ra cơ hội lớn cho ngành nông sản. Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường tỷ dân này có thể đạt 400-500 triệu USD năm nay.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự báo giá sầu riêng còn tăng khi người tiêu dùng Trung Quốc đẩy mạnh việc mua biếu tặng dịp lễ, Tết.
Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ rau quả trong và ngoài nước tăng mạnh vào quý cuối năm, cùng với hiệu quả từ các nghị định thư mới. Đây là động lực giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng trưởng bền vững.
Dự báo cả năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ vượt 7 tỷ USD, tăng hơn 25% so với 2023. Trong đó, sầu riêng có thể đạt kỷ lục 3,5 tỷ USD. Đây sẽ là cột mốc mới cho ngành rau quả, trong đó sầu riêng vẫn đóng vai trò chủ lực.
Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu 500.000 tấn sầu riêng tươi, đạt 2,3 tỷ USD, với 90% xuất sang Trung Quốc. Hiện cả nước có 154.000 ha trồng sầu riêng, sản lượng gần 1,2 triệu tấn, dự kiến tăng trưởng 15% mỗi năm.
Ý kiến ()