Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:42 (GMT +7)
Sau ngày 15/2, người dân có dễ dàng bay quốc tế?
Thứ 5, 17/02/2022 | 09:51:09 [GMT +7] A A
Sau khi Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam phát thông báo về việc từ ngày 15-2 dỡ bỏ hạn chế, trở lại bình thường về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế chở khách; hoạt động bình thường như thời điểm chưa bùng phát đại dịch COVID-19, các hãng hàng không đang rục rịch nâng tần suất khai thác các chuyến bay...
Tuy nhiên, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cũng đưa ra khuyến cáo, người dân và các hãng phải chủ động tìm hiểu quy định nhập cảnh của các nước trước khi bay.
Hàng không Việt rục rịch tăng tần suất, giá vé phong phú
Thông tin từ Bộ GTVT, trước dịch COVID-19, vào thời điểm cuối năm 2019, các hãng hàng không trong nước (4 hãng) và 70 hãng nước ngoài khai thác trung bình khoảng 700 chuyến bay quốc tế/ngày; mạng đường bay quốc tế gồm 150 đường bay kết nối với 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ ngày 15-2, Cục Hàng không Việt Nam sẽ cho phép bay lại như trên, thế nhưng tần suất thế nào lại phụ thuộc vào các hãng và nhu cầu của thị trường cũng như hạn chế của các nước liên quan.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, giai đoạn từ ngày 1-1 đến trước 15-2, hãng đã triển khai nối lại các đường bay quốc tế thường lệ đến và đi từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm Mỹ, Australia, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Malaysia, Lào và Campuchia. Từ ngày 15-2 trở đi, Vietnam Airlines vẫn tiếp tục khai thác các đường bay này, đồng thời tiến tới phục hồi hoàn toàn mạng bay quốc tế trên cơ sở chấp thuận của nhà chức trách tại các quốc gia, vùng lãnh thổ điểm đến và diễn biến thị trường. Hành khách có thể dễ dàng mua vé các đường bay này trên trang web, ứng dụng di động và phòng vé, đại lý chính thức của Vietnam Airlines trên toàn quốc. Việc Việt Nam không hạn chế tần suất khai thác các đường bay quốc tế thường lệ đến tất cả thị trường từ ngày 15-2 là tiền đề thuận lợi để các hãng hàng không khôi phục, mở rộng mạng bay quốc tế, chuẩn bị đón đầu nhu cầu du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Hiện nay, mỗi tuần Vietnam Airlines khai thác 5 chuyến bay đến Australia, 7 chuyến đến Nhật, 5 chuyến bay đến Thái Lan, 7 chuyến đến Hàn Quốc, 3 chuyến đến Đài Loan, 6 chuyến đến Singapore, 2 chuyến đến Hong Kong, 2 chuyến đến Lào, 5 chuyến đến Campuchia. Các đường bay đến châu Âu được hãng khai thác khá hạn chế, mỗi tuần 1 chuyến đến Anh, Pháp, Nga và 2 chuyến đến Đức. Đường bay thẳng TP. Hồ Chí Minh đến Mỹ đang được khai thác 4 chuyến/tuần vào các ngày Thứ tư, năm, bảy và Chủ nhật. Đường bay đến Malaysia, hãng sẽ khai thác mỗi tuần một chuyến vào Thứ tư, bắt đầu từ 1-3-2022.
Còn theo đại diện Vietjet, từ ngày đầu tiên của năm 2022, Vietjet khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ, phục vụ nhu cầu giao thương, du lịch cũng như trở về quê hương thăm thân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Chỉ trong 10 ngày đầu tiên của năm 2022, Vietjet đã khai thác trở lại các đường bay quốc tế thường lệ kết nối Việt Nam với Tokyo (Narita, Nhật Bản), Singapore, Seoul (Incheon, Hàn Quốc) và Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) với tần suất từ 1 chuyến khứ hồi/tuần và dự kiến sẽ tiếp tục tăng tần suất trong thời gian tới. Vietjet sẽ tiếp tục tăng tần suất các đường bay quốc tế thường lệ kết nối Việt Nam với các điểm đến mà hãng đã khai thác để đáp ứng nhu cầu đi lại giữa Việt Nam và các quốc gia.
Theo đó, tần suất đường bay đến Hàn Quốc, Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) dự kiến tăng lên 5 chuyến khứ hồi/tuần, 4 chuyến khứ hồi/tuần cho các đường bay đến Nhật Bản, Singapore và 3 chuyến khứ hồi/tuần đến Bangkok, Thái Lan. Đồng thời, hãng cũng lên kế hoạch khai thác trở lại các đường bay đến những quốc gia khác trong khu vực cũng như xa hơn đến Ấn Độ, Nga...
Theo bảng giá công khai trên hệ thống của Vietjet tính đến tối 14-2, với chuyến bay đi Hàn Quốc, vé có giá từ 2.355.000đ đến 8.385.000đ (chưa bao gồm thuế, phí); vé chiều Hà Nội-Nhật Bản từ 2.670.000đ; vé Hà Nội-Đài Bắc có giá từ 1.760.000đ. Rẻ nhất trong các đường bay là vé TP Hồ Chí Minh-Bangkok giá từ 890.000đ; vé chiều TP Hồ Chí Minh-Singapore cũng từ 867.000đ. Với Hãng Bamboo Airway, trong tháng 3-2022, hãng này cũng chính thức khai thác đường bay thẳng Việt Nam tới Frankfurt (Đức) với giá vé từ 11.874.000đ tới 43.911.000đ/lượt
Không có hộ chiếu vaccine, khách có được nhập cảnh?
Đến thời điểm này, khi các chuyến bay quốc tế được khai thác bình thường trở lại, điều khiến nhiều người quan tâm là nếu không có hộ chiếu vaccine có được nhập cảnh Việt Nam?
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, những quy định về nhập cảnh, phòng chống dịch với hành khách vào Việt Nam vẫn thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế. Từ Việt Nam được bay sang các nước bao nhiêu chuyến vẫn phải thực hiện theo quy định của từng nước.
“Khi mở cửa hoàn toàn thì cần sớm gỡ bỏ những vướng mắc, khó khăn về các điều kiện không cần thiết để khách du lịch vào Việt Nam. Hộ chiếu vaccine thực chất là công cụ để chứng minh đã tiêm chủng đầy đủ và không cần mang theo giấy tờ gì khác để xác nhận đã tiêm 2 mũi vaccine. Đặc biệt, trong khi giấy tờ gồm nhiều ngôn ngữ sẽ làm phức tạp và các nước sẽ khó để quản lý thông tin dữ liệu, thì hộ chiếu vaccine có ưu điểm là chuẩn hóa.Nếu không có hộ chiếu vaccine thì có thể dùng bản cứng như thông thường. Tôi cho rằng hộ chiếu vaccine không phải là phương án duy nhất và không thể thay thế”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam bày tỏ quan điểm.
Trên thực tế, một số chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã áp dụng cơ chế của hộ chiếu vaccine. Ngoài ra, từ tháng 6-2021, Vietnam Airlines và Vietjet Air đã công bố việc thử nghiệm loại hộ chiếu sức khỏe điện tử Travel Pass (ITP) với mong muốn khôi phục niềm tin của hành khách khi đi máy bay và đảm bảo trải nghiệm du lịch an toàn. Các chuyến bay đi quốc tế đã được hãng hàng không Việt Nam thử nghiệm thành công với ITP. Các hãng hàng không cũng kỳ vọng giải pháp này giúp Việt Nam mở cửa biên giới nhanh chóng, an toàn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, người dân cũng cần lưu ý về một số quy định nhập cảnh của các nước.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, đến tháng 12-2021, Việt Nam đã công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng và mẫu hộ chiếu vaccine của 78 quốc gia và vùng lãnh thổ gửi tới Bộ Ngoại giao. Việc công nhận hộ chiếu vaccine nhằm giúp những người có giấy tờ này được sử dụng hợp lệ và giảm thời gian cách ly y tế theo quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Quyết định 5772/QĐ-BYT về việc ban hành biểu mẫu và quy trình cấp hộ chiếu vaccine do Bộ Y tế ban hành nêu rõ hộ chiếu này hiển thị 11 trường thông tin, gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới, số mũi tiêm đã nhận, ngày tiêm, liều số, vaccine, sản phẩm vaccine, nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine, mã số của chứng nhận. Các thông tin bao gồm họ tên và ngày sinh sẽ kết hợp với giấy tờ định danh khác như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hay hộ chiếu để giúp định danh người sở hữu. Các thông tin sẽ được ký số, mã hóa và được đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D.Mã QR sẽ hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo.
Hiện nay Singapore đã triển khai “Làn đường đi lại an toàn” để tạo thuận lợi cho việc đi lại đồng thời bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tại sân bay Changi, nhà chức trách yêu cầu kiểm tra COVID-19.
Theo đó, tất cả khách du lịch quá cảnh phải làm bài kiểm tra COVID-19 trong vòng 2 ngày trước khi khởi hành đến Singapore (ví dụ nếu bài kiểm tra trước khi khởi hành được thực hiện vào ngày 1-11-2021, bài kiểm tra này sẽ có hiệu lực cho các chuyến khởi hành đến ngày 3-11-2021). Những hành khách không có kết quả kiểm tra COVID-19 âm tính hợp lệ sẽ không được phép lên chuyến bay nối chuyến của họ ra khỏi Singapore.
Hành khách nhập cảnh vào Đài Loan bắt buộc phải có giấy chứng nhận âm tính với COVID-19, theo dạng giấy LAMP, NAAT, PCR, RNA, RT-LAMP và RT-PCR 3 ngày trước khi bay.
Cộng hòa liên bang Đức lại quy định chỉ những người đã được tiêm phòng đầy đủ mới có thể nhập cảnh vào Đức từ bất kỳ quốc gia nào khác, cho bất kỳ mục đích nhập cảnh nào. Hành khách phải tiêm phòng mũi cuối cùng ngừa COVID-19 trước ít nhất 14 ngày so với ngày khởi hành và loại vaccine phải nằm trong số những loại được Viện Paul Ehrlich phê duyệt bao gồm: Pfizer BioNTech, Janssen (Johnson & Johnson), Novavax (Nuvaxovid), Moderna và AstraZeneca. Bằng chứng về việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 phải được xuất trình ở dạng kỹ thuật số hoặc dưới dạng giấy, bằng các ngôn ngữ được cho phép như: Tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Italy và tiếng Tây Ban Nha...
Theo cand.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()