Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:25 (GMT +7)
Sau cuộc gặp cấp cao, Mỹ-Ấn nhất trí chấm dứt 6 tranh chấp tại WTO
Thứ 6, 23/06/2023 | 14:19:58 [GMT +7] A A
Các vụ tranh chấp giữa Mỹ và Ấn Độ liên quan đến các chính sách đối với pin Mặt Trời và môđun năng lượng Mặt Trời, lĩnh vực năng lượng tái tạo, các sản phẩm thép và nhôm.
Ngày 22/6, Mỹ cho biết nước này và Ấn Độ đã nhất trí chấm dứt sáu tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sau cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước.
Trong sáu vụ tranh chấp tại WTO, có ba vụ do Mỹ khởi xướng và ba vụ còn lại do Ấn Độ khởi xướng. Các vụ tranh chấp liên quan đến các chính sách đối với pin Mặt Trời và môđun năng lượng Mặt Trời, lĩnh vực năng lượng tái tạo, các sản phẩm thép và nhôm.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết thêm Ấn Độ cũng đồng ý dỡ bỏ thuế đối với một số sản phẩm của Mỹ như đậu xanh, đậu lăng và hạnh nhân.
Theo USTR, các mức thuế mà Ấn Độ áp đặt đối với hàng hóa Mỹ là để đáp trả chính sách áp thuế của Mỹ đối với thép và nhôm.
USTR nhấn mạnh chương trình cắt giảm thuế sẽ khôi phục và mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho các nhà sản xuất và nông dân Mỹ.
Thông báo của USTR được đưa ra trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Mỹ và cả hai nước cũng đã đạt được các thỏa thuận lớn trên nhiều lĩnh vực.
Trong bước đi mà Thủ tướng Modi đánh giá là mang tính bước ngoặt, Mỹ đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ chế tạo động cơ phản lực, trong bối cảnh Ấn Độ bắt đầu tự sản xuất máy bay chiến đấu.
General Electric của Mỹ sẽ bật đèn xanh cho dự án hợp tác sản xuất động cơ F414 của hãng này cùng với công ty Hindustan Aeronautics của Ấn Độ.
Trong một thỏa thuận khác, hãng sản xuất bán dẫn khổng lồ Micron của Mỹ sẽ đầu tư xây dựng nhà máy thử nghiệm và lắp ráp bán dẫn tại Ấn Độ, dự kiến sẽ đạt giá trị lên đến 2,75 tỷ USD sau khi nhận được những đóng góp từ quốc gia Nam Á này.
Trước đó, ngày 22/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ra tuyên bố chung gồm 58 điểm, trong đó đề cập đến quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.
Tuyên bố được đưa ra trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Mỹ có đoạn: “Quan hệ Đối tác Chiến lược và Toàn cầu Toàn diện Mỹ-Ấn Độ đã ở một tầm cao mới về niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau, cũng như được làm phong phú thêm bởi mối quan hệ anh em và tình hữu nghị nồng ấm, vốn đã gắn kết chặt chẽ hai đất nước chúng ta với nhau. Cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác Mỹ-Ấn Độ đa dạng và mạnh mẽ hơn nữa, thúc đẩy nguyện vọng của nhân dân hai nước về một tương lai tươi sáng và thịnh vượng trên cơ sở tôn trọng nhân quyền và các nguyên tắc chung về dân chủ, tự do và pháp quyền.”
Tuyên bố cũng nhấn mạnh hợp tác Mỹ-Ấn Độ sẽ phục vụ lợi ích toàn cầu khi “phối hợp thông qua một loạt nhóm đa phương và khu vực - đặc biệt là Nhóm Bộ tứ (QUAD) - để góp phần xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và mạnh mẽ.”
Tuyên bố chung cũng đề cập đến mong đợi của Thủ tướng Modi về việc Tổng thống Biden tới thăm Ấn Độ trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tháng Chín tới.
Ngoài ra, tuyên bố này khẳng định tầm nhìn chung của hai nhà lãnh đạo với tư cách là những đối tác gần gũi nhất trên thế giới./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()